TPHCM: Vì sao quận 7 phải xin ý kiến để được thí điểm bán đồ ăn tại chỗ?

Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TPHCM cho biết, trước khi thực hiện mở lại các hoạt động không có trong danh mục cho phép của Chỉ thị 18, các địa phương đều cần báo cáo và xin ý kiến UBND thành phố.

Chiều 7/10, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TPHCM tổ chức buổi họp báo nhằm cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Buổi họp báo diễn ra trong bối cảnh, thành phố đã từng bước nới lỏng việc giãn cách xã hội, khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Tại buổi họp báo, phóng viên Dân trí đặt vấn đề, mới đây, UBND quận 7 đã có văn bản đề nghị UBND TPHCM cho phép thí điểm tổ chức dịch vụ ăn uống tại chỗ. Tuy nhiên, Chỉ thị 18 của UBND TPHCM quy định, các quận, huyện, thành phố Thủ Đức tự đánh giá cấp độ dịch, xem xét, cân nhắc quyết định và chịu trách nhiệm điều chỉnh các hoạt động kinh tế - xã hội phù hợp với từng địa bàn.

Như vậy, văn bản trên của quận 7 có cần thiết hay không và các địa phương khác có cần văn bản đề nghị UBND TPHCM chấp thuận khi muốn mở lại các hoạt động hay không?

TPHCM: Vì sao quận 7 phải xin ý kiến để được thí điểm bán đồ ăn tại chỗ? - 1

Ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TPHCM (Ảnh: Quang Huy).

Trả lời câu hỏi trên, ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TPHCM, cho biết, Chỉ thị 18 quy định rõ 5 nguyên tắc chung cho toàn địa bàn nhưng cũng có phân cấp cho quận, huyện để căn cứ tình hình thực tế, ra quyết định mở cửa hoạt động. 

"Việc quận 7 có báo cáo, xin ý kiến UBND TPHCM là đúng. Bởi, Chỉ thị 18 của UBND TPHCM không cho các cửa hàng kinh doanh ăn uống bán tại chỗ mà chỉ bán mang về", ông Phạm Đức Hải thông tin.

TPHCM: Vì sao quận 7 phải xin ý kiến để được thí điểm bán đồ ăn tại chỗ? - 2

UBND quận 7 đề xuất thí điểm cho phép dịch vụ ăn uống phục vụ tại chỗ (Ảnh: Hải Long).

Phân tích thêm vấn đề trên, người phát ngôn của Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TPHCM cho biết, đối với các địa bàn, trước khi thực hiện mở lại các hoạt động không có trong danh mục cho phép của Chỉ thị 18 đều cần báo cáo và xin ý kiến UBND thành phố.

Việc phân cấp cho quận, huyện chủ động điều chỉnh các hoạt động được áp dụng đối với việc đóng cửa hoặc mở cửa các lĩnh vực, tùy phạm vi địa bàn phụ trách theo diễn biến dịch Covid-19. 

"Ví dụ như quận 7 cho phép mở cửa các tiệm hớt tóc trên toàn địa bàn, tuy nhiên, nếu một khu vực có ca mắc Covid-19, quận sẽ chủ động ngừng hoạt động này ở phạm vi cần thiết. Điều này tương tự, các quận, huyện sẽ chủ động đóng cửa hoặc mở cửa đối với các cửa hàng, đối với từng mức độ dịch Covid-19", ông Phạm Đức Hải dẫn chứng.

Trước đó, UBND quận 7, đã có văn bản khẩn gửi UBND TPHCM, đề nghị thành phố đồng ý để địa phương thí điểm tổ chức hoạt động dịch vụ ăn uống tại chỗ. Địa phương này đề xuất được làm thí điểm từ ngày 10/10 đến khi các dịch vụ ăn uống tại chỗ trên toàn địa bàn được mở cửa lại.

Theo đó, các cửa hàng kinh doanh ăn uống tại chỗ sẽ được hoạt động nếu đáp ứng những tiêu chí cần thiết về an toàn phòng, chống dịch và các quy định cụ thể của quận 7. Ngoài ra, các cơ sở cần được UBND quận 7 thẩm định điều kiện tham gia hoạt động, cấp mã QR, lắp camera giám sát. 

Quang Huy

Mới hơn Cũ hơn