Theo đại diện Bến xe miền Đông, những ngày đầu thí điểm chạy xe khách liên tỉnh có 25 chuyến xe xuất bến, trung bình khoảng 8 khách/xe. Riêng 21/10, lượng xe tăng lên 40 chuyến đến 13 bến tại 7 tỉnh.
Chiều 21/10, Bến xe miền Đông (quận Bình Thạnh, TPHCM) khá vắng vẻ, chỉ lác đác vài quầy vé hoạt động cùng vài hành khách.
"Giấy thông hành" của anh Lò Văn Tuyệt là thẻ xanh Covid-19 và giấy chứng nhận âm tính với SARS-CoV-2 và được test nhanh trong ngày.
Anh Lò Văn Tuyệt (26 tuổi) ngồi "chơ vơ" ở sảnh chờ. Phía xa cũng rải rác vài hành khách cùng đợi lên chuyến xe về Quảng Ngãi.
Anh Tuyệt là nhân viên bảo vệ với mức thu nhập hơn 6-8 triệu đồng mỗi tháng. Sau thời gian dài thành phố thực hiện giãn cách xã hội, mới đây xe khách được hoạt động trở lại, anh Tuyệt tranh thủ xin nghỉ về quê lo việc gia đình.
Nữ hành khách không có điện thoại thông minh nên nhờ người cùng chuyến xe khai báo y tế bản giấy nộp cho bến xe.
Ngày thường, vé xe về Quảng Ngãi chỉ hơn 300.000 đồng. Nhưng đi lại mùa dịch khó khăn hơn nên anh Tuyệt đã phải chi hơn gấp rưỡi, với mức 500.000 đồng cho tiền vé.
Bên cạnh đó, để đạt được "chuẩn" thông hành liên tỉnh, anh Tuyệt cũng đã tiêm đủ 2 mũi vaccine kèm theo việc hoàn thành test nhanh Covid-19 an toàn, không mắc Covid-19.
"Mình đã tiêm vaccine và tới bệnh viện test nhanh Covid-19 để về quê lo công việc gia đình. Sắp xếp xong là trở lại thành phố làm việc" - anh Tuyệt chia sẻ trước khi lên xe.
Thời gian qua, mỗi ngày bến xe miền Đông chỉ có 25 chuyến xe khách xuất bến, trung bình 8 khách/xe.
Chị Bùi Thị Thủy - đại diện nhà xe Rạng Đông (tuyến Quảng Ngãi - TPHCM) cho biết, trước khi lên xe hành khách phải khai báo y tế, đồng thời đảm bảo ít nhất tiêm một mũi vaccine đủ 14 ngày và có giấy xét nghiệm Covid-19.
Nhà xe bắt đầu chạy thí điểm từ ngày 15/10, mỗi ngày một chuyến. Những ngày đầu xe chạy đủ 20 khách nhưng trong 2 ngày qua lượng khách đã giảm.
Đại diện nhà xe Rạng Đông cho rằng chạy xe mùa dịch không có lãi vì ít khách.
"Đợt này chạy thí điểm, xe chở ít khách. Vì vậy, giá vé tăng lên 400.000 đồng, thay vì 300.000 đồng như ngày thường. Chủ yếu là chở khách về quê chứ chiều ngược lại hầu như không có khách. Chạy xe để duy trì tuyến và phục vụ khách quen chứ không có lãi" - chị Thủy nói.
Gần đó, nhà xe Chín Nghĩa (tuyến Quảng Ngãi - TPHCM) cũng duy trì hoạt động với 3 chuyến mỗi ngày, với giá vé 440.000 đồng/lượt khách. Dù sắp tới giờ xe xuất bến nhưng cũng chỉ lác đác vài khách.
"Xe chở được 46 khách nhưng mùa dịch chỉ được chở một nửa. Tuy vậy, khách đi lại rất ít" - nhân viên nhà xe cho biết.
Ngày 21/10, bến xe miền Đông có 40 chuyến xe đến 7 tỉnh: Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Theo đại diện Bến xe miền Đông, những ngày đầu thí điểm chạy xe khách liên tỉnh có 25 chuyến xe xuất bến, trung bình khoảng 8 khách/xe. Riêng hôm nay (21/10), các doanh nghiệp vận tải đăng ký 40 chuyến đến 13 bến xe tại 7 tỉnh.
Trong khi đó, theo đại diện Bến xe miền Tây, trong thời gian thí điểm (từ 13-20/10), có 7 địa phương thống nhất hoạt động xe liên tỉnh, tuy nhiên đến ngày 15/10 thì tạm ngưng tuyến tỉnh Đăk Lăk.
Tính từ ngày 13/10-20/10, có 45 xe từ các tỉnh đến Bến xe miền Tây với 243 khách; chiều đi thì có 43 xe với 357 khách.
Hành khách khai báo y tế nộp cho nhà xe.
Chiều 21/10, tại cuộc họp báo của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TPHCM Phan Công Bằng cũng đã thông tin về hoạt động xe khách liên tỉnh mà người dân rất quan tâm.
Theo ông Bằng, đến nay hoạt động xe khách liên tỉnh vẫn tiếp tục triển khai. TPHCM và các tỉnh phối hợp chặt chẽ, đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân.
"Tuy nhiên, quy định phòng, chống dịch của từng địa phương khác nhau nên khả năng lưu thông hành khách giữa các địa phương chỉ mức tương đối. Sau một tuần chỉ có 3.500 khách đi lại giữa thành phố và 15 tỉnh, thành" - ông Bằng nói.
Lãnh đạo Sở GTVT TPHCM hy vọng thời gian tới công tác kiểm soát dịch tốt hơn và các địa phương thống nhất với các tiêu chí vận tải hành khách liên tỉnh để công tác vận chuyển hành khách tốt hơn.
Quốc Anh