TP Hà Nội đã chính thức cho phép xe buýt hoạt động từ 6h sáng mai (14/10) sau gần 3 tháng nằm "đắp chiếu" vì dịch Covid-19.
Trong Công điện số 21/CĐ-UBND được Chủ tịch UBND TP Hà Nội ký và ban hành ngày 13/10 gửi các cơ quan liên quan về việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố trong tình hình mới đã nêu rõ: Dịch vụ tận tải xe buýt được phép hoạt động theo công suất và hướng tuyến do Sở Giao thông vận tải hướng dẫn, đảm bảo các quy định tạm thời của Bộ Giao thông vận tải về việc thí điểm tổ chức hoạt động vận tải hành khách đường bộ và quy định của Bộ Y tế về phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Hà Nội hiện có 118 tuyến xe buýt vận chuyển hành khách công cộng trợ giá. Mỗi tháng toàn mạng vận chuyển khoảng 26 triệu lượt hành khách, trong đó Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) chiếm 80% thị phần hoạt động. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ ngày 24/7, toàn bộ xe buýt Hà Nội phải dừng mọi hoạt động.
Ghi nhận tại bến xe Yên Nghĩa (quận Hà Đông, Hà Nội), hàng trăm xe buýt nằm dài chờ tới ngày được phép hoạt động trở lại.
Trước đó, ngày 21/9, TP Hà Nội đã thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội, nhiều loại hình sản xuất kinh doanh và dịch vụ đã được phép trở lại, tuy nhiên vận tải hành khách công cộng lại không nằm trong số đó.
Tại bến xe Cầu Bươu (huyện Thanh Trì), hình ảnh được ghi nhận những ngày đầu tháng 10 cho thấy hàng loạt xe buýt nằm "bất động" trong bãi.
Hàng trăm xe buýt tại bến xe Cầu Bươu đã xếp hàng ngay ngắn, phơi nắng phơi sương trong những ngày tạm dừng hoạt động. Được biết, tại bến xe này có tổng cộng 10 tuyến xe buýt nội đô, số xe vận doanh là 126, tất cả đều nằm chờ được phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Dù phải dừng hoạt động, tuy nhiên các xe vẫn thường xuyên được lau dọn và vận hành, tránh hỏng hóc khi "nằm bất động" trong thời gian dài.
Nằm lọt thỏm trong khu nội đô với các tòa nhà cao tầng xung quanh, bến xe buýt tại 29 Lạc Trung (quận Hai Bà Trưng) với 170 chiếc xe buýt cũng nằm "đắp chiếu" do ảnh hưởng của dịch bệnh suốt gần 3 tháng qua.
Từng hàng xe xếp ngay ngắn nằm gọn một chỗ, tất cả xe vẫn được đảm bảo việc thường xuyên bảo dưỡng, chạy máy và được đội ngũ bảo vệ tại bến túc trực bảo vệ.
Trong các đợt vận chuyển người đi cách ly hoặc hết cách ly về địa phương, đưa đón người dân từ các tỉnh phía Nam về quê đi ngang qua địa phận TP Hà Nội cũng đóng góp sự hỗ trợ lớn của hàng trăm lượt xe buýt đưa đón các công dân di chuyển an toàn.
Để đảm bảo việc đưa đón công dân nói trên di chuyển trong điều kiện dịch bệnh vẫn chưa chấm dứt, các đơn vị vận hành xe đã có các phương án an toàn cho cả tài xế cũng như công dân ngồi trên xe.
Việc khử khuẩn, lau dọn xe trước và sau mỗi chuyến đưa công dân di chuyển là bắt buộc trong việc đảm bảo an toàn phòng dịch.
Sau gần 3 tháng nằm "đắp chiếu", từ 6h sáng ngày 14/10, xe buýt Hà Nội sẽ được phép hoạt động theo công suất và hướng tuyến do Sở Giao thông vận tải thành phố hướng dẫn, đảm bảo các quy định của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế và các quy định phòng, chống dịch.
Đây là việc làm có ý nghĩa quan trọng trong việc nới dần các hoạt động để thích ứng với dịch Covid-19 trên địa bàn TP Hà Nội trong tình hình mới, qua đó cũng phần nào cải thiện khó khăn của hàng loạt công nhân viên phải dừng hoạt động trong thời gian dài.