"Nếu lây trên máy bay, chúng ta có hàng rào kiểm soát được những người đi trên chuyến bay an toàn. Kể cả mắc Covid-19, người tiêm vaccine rồi cũng không nặng, không sợ" - PGS.TS Trần Đắc Phu nói.
Tại cuộc tọa đàm trực tuyến về "Điều kiện mở lại các chuyến bay an toàn" diễn ra sáng nay (8/10), vấn đề lây nhiễm Covid-19 khi đi máy bay được nhiều người quan tâm, trao đổi về những căn cứ, số liệu thực tế.
Một tỷ khách đi máy bay có 41 người lây nhiễm chéo
Ông Võ Huy Cường - Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - dẫn chứng lại việc có ca mắc Covid-19 trên chuyến bay đã từng xảy ra, đó là bệnh nhân số 17 đi từ Anh về Hà Nội. Tuy nhiên, ông Cường cho biết trên chuyến bay đó cũng có một số bệnh nhân khác, nên chúng ta chưa có cơ sở đánh giá đấy là lây nhiễm chéo cộng đồng.
"Theo dõi báo cáo hàng ngày của ngành hàng không mà chúng tôi chủ trì, cho đến nay chúng tôi mới chỉ nhận được báo cáo có một vụ việc lây nhiễm chéo trong khu cách ly của Vietnam Airlines của tiếp viên hàng không và đã xử lý hình sự. Về một số trường hợp liên quan đến tiếp viên hàng không Việt Nam trên những chuyến bay từ châu Âu, Rumani, Nga về, chúng tôi cho rằng không có cơ sở khẳng định có lây nhiễm của tiếp viên hàng không trên chuyến bay. Vì các tiếp viên còn có các hoạt động khác ở bên ngoài sau khi thực hiện chuyến bay đến các địa phương..." - ông Cường thông tin.
Ông Võ Huy Cường - Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (Ảnh: BB).
Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, thống kê chính thức của Tổ chức Hàng không dân dụng thế giới (ICAO) ghi nhận đến thời điểm cuối tháng 8/2020 có hơn 1 tỷ lượt khách quốc tế di chuyển bằng đường hàng không, nhưng chỉ phát hiện và xác định 41 hành khách lây nhiễm chéo.
"Đó là minh chứng cho thấy an toàn trong đi lại bằng đường hàng không khi chúng ta đã áp dụng tất cả các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt. Một điều nữa, khi có sự cố xảy ra về lây nhiễm khi di chuyển bằng hàng không, chúng ta hoàn toàn có điều kiện để nhanh chóng truy vết vì đã có đầy đủ thông tin hành khách là ai, đi chuyến bay nào, ngồi ghế nào, địa chỉ, nơi đến ra sao…" - ông Cường nêu quan điểm.
Trao đổi về việc này, PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng - cho rằng việc phòng chống Covid-19 chưa bao giờ chặt chẽ như bây giờ. Khi chấp nhận không có "zero Covid" thì không chỉ máy bay có thể có Covid-19 mà ô tô, tàu hỏa cũng có, cộng đồng cũng có thể lây.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, vấn đề đặt ra là cần chú trọng khai báo y tế, nếu phát hiện ca nhiễm thì truy vết, xét nghiệm. Xét nghiệm bây giờ rất thoải mái, ai cũng có thể làm được, nếu âm tính chỉ cần theo dõi tại nhà.
PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng.
"Tôi cho rằng chúng ta phải chấp nhận kiểm soát, nếu có lây trên máy bay, chúng ta có hàng rào kiểm soát được để những người đi trên chuyến bay an toàn. Kể cả nhiễm Covid-19, những người tiêm vaccine rồi cũng không nặng, không sợ" - cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng nhấn mạnh.
Để đường bay nội địa mở lại phải có sự nhất trí của tất cả các địa phương
Trên thực tế, trong bối cảnh đã nới lỏng giãn cách xã hội và kiểm soát được dịch bệnh nhưng một số địa phương vẫn nói không với việc mở cửa trở lại các chuyến bay nội địa.
Tính đến chiều 7/10, Cục Hàng không đã nhận được 19 văn bản chính thức của các tỉnh thành được hỏi ý kiến, 2 tỉnh không trả lời là Quảng Ninh và Quảng Nam. Các địa phương trả lời đồng ý là TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Nghệ An, Điện Biên, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Nam, Đăk Lăk, Lâm Đồng, Phú Yên, Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Cà Mau, TP Phú Quốc (Kiên Giang). Ba tỉnh, thành phố chưa đồng tình là Hà Nội, Hải Phòng, Gia Lai.
Ông Trịnh Hồng Quang - Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines - bày tỏ quan điểm là hàng không đã đến lúc cần hoạt động trở lại. Vấn đề này phải rất rõ ràng, mở cửa cho tất cả khách hàng muốn đi, không phải khách hàng chỉ đi đến những địa phương cho phép.
Nếu đường hàng không không được mở lại, giao thông sẽ ảnh hưởng nặng nề.
"Hoạt động trở lại như thế nào phải có sự nhất trí của tất cả địa phương, không phải chỉ có sân bay và các hãng hàng không. Chúng ta mở cửa thì phải hoàn toàn, đồng đều, khách không thể bay xuống Nội Bài chỉ để đi về các địa phương khác được cho phép. Bởi làm như vậy chúng ta quản lý như thế nào? Khách hàng có chấp nhận chuyện đó không? Chúng ta mở như vậy sẽ phát sinh rào cản đi từ Hà Nội về các tỉnh thì giấy phép như thế nào, ai là người kiểm soát cái đó?" - ông Quang nêu vấn đề.
Chúng tôi muốn thông báo với hành khách và các cơ quan liên quan rằng, ngành hàng không đã có sự chuẩn bị rất chu đáo cho việc mở cửa này. Chính phủ và người dân hãy tin tưởng ngành hàng không với những tiêu chí tôi vừa nói sẽ đảm bảo việc mở đường bay an toàn, thuận lợi nhất cho người dân.
Ông Nguyễn Bác Toán - Giám đốc thương mại Vietjet - nêu mong muốn mở đường bay, sân bay để đáp ứng nhu cầu di chuyển của người dân, khôi phục hoạt động kinh tế. Để hàng không trở lại bình thường mới, ông Toán cho rằng Chính phủ cần làm việc với lãnh đạo các địa phương, không nên để tùy nghi theo địa phương sẽ rất khó khăn.
Cùng đó, ông Toán cho rằng nên tập trung làm rõ và thống nhất quy định xét nghiệm, tiêu chí an toàn hàng không. Như ở Mỹ hay châu Âu, khi tỷ lệ tiêm chủng ở các địa phương chưa đồng đều, họ chỉ cần có kết quả xét nghiệm PCR trong vòng 72 giờ. Khi tiêm chủng chưa đầy đủ cho tất cả các địa phương, tiêu chí xét nghiệm là giải pháp rất tốt.
Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Vietravel Airlines, chúng ta sẽ lãng phí nguồn lực, cả thời gian và tiền bạc khi toàn bộ nguồn lực đã đầu tư vào việc đưa hoạt động của xã hội trở lại bình thường mới thông qua việc chống dịch thành công và an toàn nhưng không mở cửa để phát triển kinh tế trở lại.
Châu Như Quỳnh