Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết, dù nới lỏng các hoạt động lưu thông, nhưng lực lượng chức năng vẫn kiểm tra ngẫu nhiên, xem xét xử lý người ra đường không thật sự cần thiết.
Trong những ngày qua, hàng rào phong tỏa, chốt kiểm soát tại hầu hết địa điểm khu vực trung tâm TPHCM đã được gỡ bỏ. Người dân thành phố sẽ từng bước quay trở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh từ ngày 1/10.
Chia sẻ tại chương trình livestream "Dân hỏi - Thành phố trả lời" tối 30/9, ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TPHCM - lưu ý: Dù hoạt động lưu thông được nới lỏng, tuy nhiên thành phố vẫn áp dụng những biện pháp kiểm soát ở mức độ nhất định. Khi ra đường, người dân cần chuẩn bị những thủ tục cần thiết khi được yêu cầu xuất trình.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan là khách mời của chương trình "Dân hỏi - Thành phố trả lời" tối 30/9 (Ảnh: L.P).
"Người dân ra đường cần chuẩn bị sẵn khai báo di chuyển nội địa và chứng nhận tiêm chủng vắc xin Covid-19. Thành phố sẽ tiến hành kiểm soát ngẫu nhiên trên đường, trường hợp cần thiết di chuyển sẽ được tạo điều kiện, trường hợp ra đường không thật sự cần thiết sẽ xem xét xử lý" - ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, từ sau ngày 30/9, các chốt kiểm soát tại khu vực nội đô TPHCM sẽ được dỡ bỏ. Lực lượng công an sẽ tiếp tục trực tại 12 chốt chính và 39 khu vực chốt phụ tại những nơi cửa ngõ.
Tuy nhiên, lực lượng chức năng sẽ tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên người lưu thông tại khu vực bên trong thành phố.
Đối với "thẻ xanh Covid", ông Võ Văn Hoan nói rằng khái niệm này dựa trên những chỉ số về tiêm chủng vắc xin Covid-19. Sau khi tích hợp vào chương trình PC-Covid, "thẻ xanh Covid" sẽ thể hiện toàn bộ thông tin chi tiết của người sử dụng từ khai báo di chuyển, vắc xin, các yếu tố dịch tễ...
Phó Chủ tịch UBND TPHCM chia sẻ thêm, sau thời gian dài giãn cách, việc muốn về quê là tâm trạng của nhiều người. Thành phố chia sẻ về nguyện vọng trên, tuy nhiên, người dân cần cân nhắc kỹ lưỡng trước những nguy cơ có thể gặp phải.
Cụ thể, người dân từ TPHCM về quê nếu để xảy ra dịch bệnh có thể gây quá tải cho hệ thống y tế địa phương, công tác điều trị sẽ gặp khó khăn. Ngoài ra, thành phố mong muốn người dân ở lại để tổ chức sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, với việc mở cửa lại nhiều hoạt động kinh doanh, sản xuất, người dân có thể ở lại làm việc, kiếm thêm thu nhập và đợi Tết về sẽ hợp lý hơn.
Các hàng rào phong tỏa tại TPHCM đã được gỡ bỏ những ngày qua (Ảnh: Hải Long).
Trong trường hợp người dân gặp hoàn cảnh bắt buộc như người già, phụ nữ mang thai, trẻ em đến TPHCM nghỉ hè cần quay lại địa phương để học, thành phố sẽ kiến nghị Thủ tướng tạo những điều kiện thuận lợi nhất để phối hợp với các địa phương đưa những trường hợp này về quê.
"Đối với những trường hợp bức bách, thành phố sẽ xem xét, giải quyết từng cá nhân cụ thể. Tuy nhiên, với số lượng lớn, thành phố cần xem xét, phối hợp với các địa phương người dân có nguyện vọng về" - ông Võ Văn Hoan thông tin.
Theo Chỉ thị mới của TPHCM ban hành sáng 30/9 về việc tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, việc lưu thông của người dân cũng được từng bước nới lỏng hơn trước đây, nhưng vẫn cần tuân theo những quy định, điều kiện cụ thể.
Các hoạt động giao thông vận tải trên địa bàn từ sau ngày 30/9 sẽ được quản lý bằng các ứng dụng do Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 TPHCM triển khai.
TPHCM quy định, người dân tham gia lưu thông sẽ sử dụng mã QR của ứng dụng VNEID và ứng dụng Y tế HCM. Những ứng dụng này sẽ được triển khai cho đến khi phần mềm PC-COVID chính thức được đưa vào hoạt động.
Trường hợp người lưu thông không có mã QR cần xuất trình giấy xác nhận là F0 khỏi bệnh dưới 180 ngày; đã tiêm chủng ít nhất một mũi vắc xin Covid-19 sau 14 ngày khi được lực lượng chức năng yêu cầu.
Ngoài ra, thành phố quy định người dân không tự ý đi lại giữa các tỉnh, thành phố khác. Trong trường hợp cần thiết, việc đi lại liên tỉnh cần tuân theo những quy định cụ thể.
Quang Huy