Mưa lũ trong những ngày qua tại một số địa phương miền Trung, đặc biệt là Quảng Bình, Quảng Trị khá phức tạp. Đã có ít nhất 8 người chết và mất tích.
Tại Nghệ An
những ngày qua do mưa lớn đã khiến hàng chục vị trí trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh tại Nghệ An bị sạt lở, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đối với người và phương tiện lưu thông qua hiện trường.
Do ảnh hưởng của mưa lớn cũng đã khiến 3 người tử vong, trong đó tại huyện Quế Phong, vào ngày 16/10, trong lúc đi vớt củi trên suối, hai cha con bị nước lũ cuốn trôi, tại huyện Diễn Châu có một người tử vong khi tháo cống ao.
Do mưa lớn khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh Nghệ An bị sạt lở (Ảnh: CTV).
Theo lãnh tỉnh Nghệ An, hiện nay tại các tuyến đường bị sạt lở đã cơ bản được khắc phục xong, giao thông trở lại bình thường và mưa trên địa bàn cũng đã ngớt.
Tại Hà Tĩnh
, từ đêm 15/10 đến ngày 18/10 cũng đã có mưa to đến rất to. Lượng mưa đo được từ 7h ngày 17/10 đến 7h ngày 18/10 tại một số trạm thủy văn như: Cẩm Nhượng 235 mm, Kỳ Anh 243 mm, Thạch Đồng 205 mm, Hà Tĩnh 225,9 mm, Hương Trạch 53 mm...
Mưa lớn ngày 17/10 khiến tuyến thôn Ngụ Phúc, xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên ngập cục bộ (Ảnh: Tiến Hiệp).
Mưa lớn đã khiến một số tuyến đường ở các huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Vũ Quang bị sạt lở. Nhiều tuyến đường giao thông ở vùng trũng bị ngập cục bộ.Từ 7h -18h ngày 18/10, lượng mưa trên địa bàn Hà Tĩnh giảm mạnh, một số vùng đã ngớt mưa. Tại các tuyến đường ngập cục bộ nước đã rút, các địa điểm bị sạt lở ngành chức năng đã tiến hành hốt dọn, thông tuyến.
Trong đợt mưa lũ này, tại Hà Tĩnh không ghi nhận thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.
Tại Quảng Bình
, đến chiều 18/10, mưa đã giảm, mực nước trên các sông đã có dấu hiệu rút xuống. Do ảnh hưởng của mưa lũ những ngày qua tại địa phương này đã có hơn 2.200 nhà dân bị ngập lụt, có 4 người chết và mất tích.
Mưa lũ cũng đã khiến nhiều địa phương bị cô lập; đất đá sạt trượt gây tắc các tuyến đường quốc lộ 9E, 9B, 9C và nhiều tuyến đường liên xã. Hiện cơ quan chức năng đang cố gắng huy động máy móc để thông tuyến sớm nhất có thể.
Mưa lũ gây ngập tại nhiều địa phương của tỉnh Quảng Bình (Ảnh: Tiến Thành).
Do ảnh hưởng của mưa lũ, nhiều đoạn kè biển tại thành phố Đồng Hới và xã Nhân Trạch của huyện Bố Trạch cũng đã bị sóng đánh vỡ. Chính quyền các địa phương cũng đã nhanh chóng huy động phương tiện và lực lượng vận chuyển đá hộc, bao cát để gia cố tại kè biển nhằm giảm bớt thiệt hại.
Người dân dùng thuyền di chuyển trên đường tại một số địa phương của Quảng Bình (Ảnh: H.T).
Nhiều tuyến đường bị sạt lở, gây ách tắc giao thông (Ảnh: Tiến Thành).
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, UBND tỉnh Quảng Bình cũng đã chỉ đạo chính quyền các địa phương, lực lượng chức năng kịp thời rà soát lại tất cả các vùng, khu vực có nguy cơ bị sạt lở để chủ động di dời dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người có thể xảy ra.
Kè biển Nhật Lệ bị sóng đánh vỡ (Ảnh: Tiến Thành).
Hiện ngành chức năng Quảng Bình thống kê có ít nhất 39 điểm nguy cơ sạt lở cao tại 7 huyện, thị xã và đã di dời hơn 500 hộ dân với 1.900 nhân khẩu đến nơi an toàn.
Tại Quảng Trị,
từ tối 15/10 đến ngày 18/10 có mưa to đến rất to, với lượng mưa phổ biến đạt từ 250-350 mm.
Đến ngày 18/10, tỉnh Quảng Trị ghi nhận một trường hợp mất tích là Hồ Văn Diên (SN 2000, trú tại khóm 6, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa), bị nước cuốn trôi khi đi qua tràn thôn Ly Tôn, xã Tà Long, huyện Đakrông vào ngày 16/10. Hiện chính quyền đang tổ chức tìm kiếm nhưng chưa có kết quả.
Tuyến đường qua huyện Triệu Phong bị ngập từ 30-50 cm, chính quyền đặt biển cảnh báo (Ảnh: Minh Kha).
Một số hộ dân gần sông Thạch Hãn, nước lên gần bậc thềm (Ảnh: Minh Kha).
Mưa lớn cũng khiến nhiều nhà dân tại huyện Đakrông và thành phố Đông Hà bị ngập cục bộ từ 0,5 - 1 m. Ngoài ra, nước sông dâng cao, gây ngập tại các ngầm tràn, chia cắt một số tuyến đường giao thông ở khu vực miền núi và một số vùng thấp trũng ven sông tại đồng bằng.
Tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây tại km 265 thuộc địa phận xã Tà Long (huyện Đakrông) mực nước cao 0,5 m chiều dài khoảng 20 m gây chia cắt giao thông. Hiện tại, nước tại các cầu tràn, ngầm tràn đã rút, cơ bản đi lại được, riêng ở cầu tràn xã Ba Lòng (huyện Đakrông) nước vượt mặt tràn khoảng 2 m nên trung tâm xã Ba Lòng đang bị chia cắt.
Mưa lớn gây ngập cục bộ một số tuyến đường tại thành phố Đông Hà tối 17/10 (Ảnh: Đăng Đức).
Những hộ dân ở vùng thấp, nước tràn vào nhà khoảng 0,5 m, nhưng nửa giờ sau nước rút (Ảnh: Đăng Đức).
Tại huyện Hải Lăng, các tuyến đường tỉnh lộ đã bị ngập nhiều đoạn như: Đường tỉnh 582 đoạn qua xã Hải Định, đường tỉnh 581, các tuyến đường thôn, xóm của các xã Hải Định, Hải Phong,… hiện nay đã bị ngập, có nơi đến 0,7 m.
Đối với huyện Vĩnh Linh, một số tuyến đường xã Vĩnh Lâm, Vĩnh Sơn bị ngập, chia cắt. Tại thành phố Đông Hà, một số tuyến đường thuộc phường 1, phường 2 và phường 5 bị ngập cục bộ. Hiện tại, nước đã rút giao thông đi lại bình thường.
Nhóm phóng viên miền Trung