Sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng lên ở Hà Nội từ những điểm nóng nội đô, nơi "ngõ nhỏ, phố nhỏ, người đông" và thành phố đã phải thực hiện những chiến lược "đánh trận" quyết liệt.
Hà Nội đã có đợt giãn cách xã hội nghiêm ngặt và kéo dài nhất từ trước tới nay. Thành phố cũng phải liên tục thay đổi cách thức đối phó với mỗi ổ dịch phát sinh khác nhau.
Đánh giá về tình hình, diễn biến dịch tại Hà Nội, TS.BS Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock tại Việt Nam phân tích từ ổ dịch Thanh Xuân Trung. Khu vực có đường kính vùng lõi dịch bệnh 2 km, nằm trong khu vực có đường kính 4,5 km. Mật độ dân cư của khu này lên tới 40.000 người/km2, cao gấp 16 lần mật độ dân cư trung bình tại Hà Nội. Đặc điểm dân đông, nhiều ngõ ngách nhỏ, bên trong là các khu nhà trọ chật hẹp, khu tập thể cũ ẩm thấp, nhiều quán nhỏ vỉa hè, chợ... khả năng tiếp xúc lớn, nguy cơ bùng phát mạnh. Vấn đề này cũng tương tự như ổ dịch tại Văn Chương - Văn Miếu.
"Đặc thù của các khu vực này là đông dân, nhiều ngõ ngách, bên trong là nhiều khu trọ chật hẹp, các khu tập thể cũ. Mật độ dân đông kèm theo thói quen sinh hoạt cộng đồng khiến tần suất tiếp xúc của người dân ở đây khá cao. Do đó, nguy cơ dịch lây lan rộng và bùng phát mạnh ở khu vực này là luôn hiện hữu", TS Thu Anh nhấn mạnh.
Ngày 25/8, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh kiểm tra việc thực hiện giãn cách trong khu phong tỏa tại ngõ 328 Nguyễn Trãi. Đáng chú ý, trong thời điểm Chủ tịch Chu Ngọc Anh đi kiểm tra, một số người dân vẫn đi lại trong khu phong tỏa. Ông Chu Ngọc Anh cho rằng, đây chính là những lỗ hổng rất nguy hiểm trong "vùng đỏ".
PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội thì nhận xét: "Ổ dịch tại Thanh Xuân Trung là điển hình của tình trạng "ngoài xanh, trong đỏ", "trong lỏng, ngoài chặt" dẫn đến dịch lây nhiễm rất rộng và phức tạp".
Ông Hùng phân tích, người dân không tuân thủ tốt quy định giãn cách ngay tại khu dân cư. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng không kiểm soát chặt mọi đối tượng ra vào ở các khu vực tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch. Những yếu tố này làm cho việc kiểm soát, khống chế dịch trở nên phức tạp, khó khăn hơn nhiều.
Sau khi phát hiện chùm ca bệnh ở Thanh Xuân Trung, lực lượng chức năng đã phong tỏa toàn bộ ngõ 328, 330 đường Nguyễn Trãi. Khoảng 700 hộ dân với hơn 2.000 người được yêu cầu không ra khỏi khu vực.
Đáng chú ý, từ 1-3/9, quận Thanh Xuân tổ chức di dời hơn 1.000 người là các hộ dân thuộc diện tình nguyện và trong khu vực nguy hiểm ra khỏi ngõ 328, 330 Nguyễn Trãi đến khu cách ly tập trung.
Chiến lược giãn dân tại Thanh Xuân Trung nhận được sự đồng tình của nhiều chuyên gia dịch tễ.
Theo TS.BS Nguyễn Thu Anh, việc di dời dân ở những nơi mà nhà cửa san sát, không đảm bảo quy định về giãn cách là cần thiết. Điều này đã được thực hiện ở TPHCM. Chuyên gia này cũng nhấn mạnh việc di dân chỉ nên thực hiện nếu đảm bảo những hộ dân cần đưa đi có một phòng khép kín, có khu vực vệ sinh riêng. Còn nếu di dời mà không đảm bảo giãn cách thì lợi bất cập hại.
Cùng với biện pháp "nội bất xuất, ngoại bất nhập", lực lượng chức năng cũng thực hiện nhiều phương án quyết liệt: Các ngõ xóm được chốt chặn chặt, lực lượng chốt trực 24/7; người dân thực hiện phương châm nhà cách ly với nhà, không ra đường trừ khi đi mua thực phẩm thiết yếu…
Riêng khu vực Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) đã thiết lập rào chắn tại tất cả các ngõ ngách, lập 13 chốt kiểm soát cứng có lực lượng công an, dân quân tự vệ canh giữ. Ngoài ra, quận đã lắp đặt 10 camera để theo dõi, giám sát khu vực phong tỏa 24/24h. Hệ thống camera này được kết nối về màn hình theo dõi được đặt tại trụ sở công an phường.
Song song với công tác phong tỏa, chính quyền sở tại tiếp tục thực hiện xét nghiệm Covid-19 diện rộng nhằm bóc tách F0 khỏi cộng đồng.
Về chiến lược xét nghiệm, đợt dịch này cũng là lần đầu tiên thành phố quyết định xét nghiệm diện rộng với toàn dân, tầm soát Covid-19 trên toàn địa bàn. Người dân ở những "vùng đỏ" được xét nghiệm 3 lần, cách nhau 2-3 ngày/lần, người ở những "vùng xanh" cũng phải xét nghiệm ít nhất 1 lần.
PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội nhấn mạnh việc phải xét nghiệm triệt để toàn bộ dân cư, thậm chí là xét nghiệm định kì nhiều lần để truy vết triệt để các F0, nhằm nhanh chóng giải quyết những ổ dịch được xác định trên địa bàn thành phố.
Ngoài ra, sau những lần ứng phó với việc bùng phát ổ dịch mới, Hà Nội thực hiện nhuần nhuyễn nguyên tắc chỉ khoanh vùng cách ly sát nhất có thể với khu vực phát hiện chùm ca bệnh. Lộ trình nới lỏng giãn cách của các khu vực không nằm trong diện phong tỏa không bị ảnh hưởng.
Theo các chuyên gia dịch tễ, đây là biện pháp kiểm soát đúng với tinh thần hướng đến trạng thái "bình thường mới", khi mục tiêu không phải là triệt tiêu hoàn toàn dịch bệnh mà là chung sống an toàn với dịch.
Phân tích rõ hơn về vấn đề này, theo PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, với các khu vực có dịch thì phải tùy thuộc vào quy mô dịch để xem xét mức độ giãn cách. Nếu chỉ vài ổ dịch thì khoanh vùng (phong tỏa) ổ dịch hẹp nhất có thể. Không vì một vài ổ dịch đã phong tỏa mà giãn cách xã hội trên diện rộng toàn phường, quận/huyện hay toàn thành phố.
Trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch, bên cạnh các quy định chống dịch của thành phố được dư luận, giới chuyên gia đồng tình ủng hộ thì câu chuyện về giấy đi đường cũng là vấn đề gây tranh cãi.
Ở thời điểm này, Hà Nội đứng trước "bài toán" vừa phải duy trì các hoạt động công ích, thiết yếu, vừa đảm bảo giãn cách xã hội một cách triệt để, an toàn. Giấy đi đường "ra đời" được thành phố kỳ vọng sẽ hạn chế, siết chặt việc người dân ra đường không lý do cấp thiết, chính đáng.
Song, trong suốt thời gian giãn cách, Hà Nội đã có dấu hiệu lúng túng xoay quanh phương thức cấp giấy đi đường.
Thời gian đầu thực hiện giãn cách, sau vài ngày để các đơn vị, doanh nghiệp tự in giấy đi đường cho cán bộ, nhân viên lưu thông trên đường, cuối tháng 7, Hà Nội thống nhất mẫu giấy tờ sử dụng cho các nhóm đối tượng đủ điều kiện ra đường.
Bất ngờ, ít ngày sau, Hà Nội yêu cầu ngoài giấy đi đường đã được ban hành theo mẫu, người dân muốn lưu thông phải xuất trình thêm căn cước công dân (hoặc chứng minh thư nhân dân), lịch trực, lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.
Cú "bẻ lái" vào tối… Chủ nhật khiến người dân chật vật thích nghi. Ngày hôm sau, người dân xếp hàng dài tại trụ sở UBND các phường trên địa bàn Hà Nội để xin xác nhận giấy đi đường mẫu mới cho cán bộ, nhân viên đơn vị, doanh nghiệp mình. Cán bộ phường làm việc đến nửa đêm vẫn không thể đáp ứng nhu cầu của người dân vì lượng hồ sơ quá lớn.
Trước thực trạng ùn tắc tại các điểm cấp giấy đi đường và các chốt kiểm soát, chỉ hai hôm sau, Hà Nội bãi bỏ yêu cầu người đi đường phải xuất trình thêm lịch trực, lịch làm việc; chỉ phải xuất trình giấy đi đường và giấy tờ tùy thân.
"Điểm nhấn" của Hà Nội những ngày sau đó là quyết định áp dụng công nghệ vào việc kiểm soát giấy đi đường. Tuy nhiên, theo đánh giá của chuyên gia, việc Hà Nội loay hoay với "giấy đi đường 4.0" đã làm giảm hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ trong hỗ trợ công tác phòng, chống dịch.
Công an Hà Nội triển khai phần mềm cấp và kiểm tra giấy đi đường có nhận diện cho đối tượng đủ điều kiện tham gia giao thông qua mã QR (QR Code). Thẩm quyền cấp giấy đi đường do Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố) và Công an xã, phường, thị trấn.
Cũng giống như những lần trước, quyết định áp dụng "giấy đi đường 4.0" lại được Hà Nội công bố vào ngày Chủ nhật, khiến người dân và các đơn vị, doanh nghiệp không kịp trở tay.
Để tạo điều kiện cho người dân, hay có thể coi là để "chữa cháy", Hà Nội cho người dân thời hạn 2 ngày không xử phạt người đi đường chưa có giấy đi đường gắn mã QR. Song, một lần nữa, tình trạng ùn tắc tại các chốt kiểm soát và xếp hàng dài ở trụ sở công an tái diễn.
Cứ mỗi lần quy định mới về giấy đi đường được công bố, áp dụng, người dân, doanh nghiệp lại nháo nhào tìm cách thích ứng. Cán bộ ủy ban, công an được giao nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ, duyệt, cấp giấy đi đường "cắm mặt" làm việc xuyên đêm vẫn không đáp ứng nổi. Công cuộc cấp "giấy đi đường 4.0" của Hà Nội đã bị "thủ công hóa" ở các khâu, như nhận định của Tiến sĩ Trần Quý - Viện trưởng Viện Phát triển Kinh tế số Việt Nam.
Và rồi, Hà Nội "tạm chốt" cho phép người dân tiếp tục sử dụng giấy đi đường đã cấp và cấp giấy mới kết hợp nhập vào dữ liệu dân cư (giấy có mã QR), điều chỉnh đến hiệu quả thực tiễn thì mới nhập hai loại giấy thành một.
Đặc biệt, ở đợt giãn cách cuối cùng, Hà Nội quyết định dừng áp dụng phân vùng và không áp dụng cấp giấy đi đường từ 6h sáng 21/9.
Không thể phủ nhận hiệu quả của các biện pháp quản lý người ra đường trong việc vừa hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, vừa đảm bảo duy trì những hoạt động thiết yếu của thành phố trong giai đoạn đỉnh điểm của dịch. Tuy nhiên, phương thức cấp giấy đi đường thiếu nhất quán của thành phố đã khiến người dân rất vất vả để thích ứng.
Nội dung: Minh Nhật - Tiến Nguyên
Ảnh: Mạnh Quân - Hữu Nghị - Đỗ Quân
Thiết kế: Nguyễn Vượng