Trong 9 chuyến tàu vượt biển vận chuyển vũ khí chi viện cho miền Nam, thuyền trưởng Vũ Tấn Ích (sinh năm 1930) trú đường Nguyễn Tri Phương, TP Đà Nẵng - nhớ mãi chuyến tàu đầu tiên.
Chuyến tàu khó quên
Ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng ông Vũ Tấn ích vẫn còn rất minh mẫn. Đặc biệt, khi nhắc lại những tháng ngày gắn bó với tàu không số, vị thuyền trưởng năm xưa vẫn nhớ rõ những hải trình, đặc biệt là chuyến tàu đầu tiên.
Giọng chậm rãi, ông Ích bắt đầu "tua ngược" thời gian: Năm 1964, ông được giao nhiệm vụ làm thuyền trưởng Đội 6, chỉ huy con tàu do Xưởng đóng tàu 3 Hải Phòng sản xuất. Đây là chuyến tàu sắt thứ 2 vận chuyển vũ khí vào miền Nam bằng đường biển và là chuyến tàu đầu tiên của ông Ích.
Ngoài ông Ích, trên chuyến tàu năm ấy còn có 11 người khác gồm thuyền phó, các thủy thủ, thợ máy…
Ông Vũ Tấn Ích kể lại những chuyến vượt biển vận chuyển vũ khí vào chi viện miền Nam (Ảnh: Khánh Hồng).
Đêm 12/4/1964, con tàu do thuyền trưởng Vũ Tấn Ích nhận lệnh rời vịnh Bãi Cháy (tỉnh Quảng Ninh) chở gần 60 tấn vũ khí vào Bến Tre.
Để đảm bảo an toàn, tàu cải trang bên ngoài giống một tàu đánh cá, với ngư lưới cụ và cá khô. Sau 7 ngày lênh đênh trên biển, trải qua bao vất vả, chiếc tàu từ miền Bắc vào Bến Tre đúng theo kế hoạch. Thế nhưng, tàu lại không thể bắt liên lạc với người ở bến trong suốt 2 đêm liền. Đã vậy, tàu tuần tiễu của địch lại quét đèn pha liên tục.
"Ban đầu tôi quyết định quay tàu ra biển Đông rồi hôm sau quay vào lại. Tuy nhiên, đêm hôm sau cũng như đêm trước, vẫn không bắt được liên lạc với người của ta. Vì vậy, tôi quyết định không vào Bến Tre nữa mà xuống Bạc Liêu", ông Ích nhớ lại.
May mắn thay, đến vùng biển Bạc Liêu, tàu gặp được thuyền đánh cá của ngư dân. Biết đây là vùng có quân giải phóng, thuyền trưởng Ích tiếp tục thẳng hướng vào bờ. Lực lượng của bến chờ sẵn nhanh chóng dùng xuồng ba lá bốc hàng suốt 2 ngày một đêm. Trả hàng xong, con tàu khẩn trương quay về miền Bắc.
Theo ông Ích, sau khi chuyến đi thành công, ông mới biết chuyến tàu của ông là chuyến thứ 6 chuyển vũ khí vào chi viện cho miền Nam và là chuyến tàu sắt thứ 2.
"Thời điểm đó, chúng tôi ai đi nấy biết, sống để bụng chết mang theo. Chúng tôi chỉ biết nhiệm vụ của mình và làm sao để hoàn thành cho tốt, chứ tuyệt đối không để ai khác biết mình đang làm gì", ông Ích nói.
Những hải trình "cân não"
Ông Vũ Tấn Ích sinh ra và lớn lên ở Quảng Ngãi. Cũng như nhiều thanh niên thời bấy giờ, năm 18 tuổi, ông hăng hái nhập ngũ, đầu quân tại Trung đoàn 108 hoạt động trên chiến trường khu 5.
Năm 1955, ông tập kết ra Bắc, rồi được cử đi học hải quân chuyên khoa cao cấp ở nước ngoài. Năm 1959, sau khi về nước, ông Ích được phân công làm thuyền trưởng tàu số 5, Phân đội 1, Đoàn 130, Hải Quân.
Năm 1960, ông và 5 người khác được giao nhiệm vào miền Nam nghiên cứu tình hình ở đây. Năm 1963, có lệnh gọi ông Ích ra miền Bắc nhận nhiệm vụ mới, làm thuyền trưởng tàu không số.
Ông Vũ Tấn Ích xem lại những kỷ niệm gắn bó với những năm tháng ông tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc (Ảnh: Khánh Hồng).
Sau chuyến đi đầu tiên, thuyền trưởng Ích còn thực hiện thêm 8 chuyến vận chuyển vũ khí chi viện cho miền Nam.
"Với chúng tôi, mỗi chuyến vượt biển là những hải trình cân não, căng thẳng. Làm thế nào để không bị địch phát hiện, làm thế nào để đảm bảo an toàn cho anh em trên tàu…", ông Ích nói.
Trong 9 chuyến vượt biển của ông Ích và các đồng đội, có 7 chuyến thành công và 2 chuyến thất bại. Chuyến tàu định mệnh ngày 6/7/1967 khiến ông luôn đau đáu. Khi tàu đến địa phận Quảng Ngãi bị máy bay địch phát hiện và bao vây. Ông Ích và các đồng đội đã đánh trả quyết liệt nhưng lúc đó địch quá đông nên ông đành đưa ra phương án cuối cùng.
"Thuyền phó Phạm Chuyên Nghiệp và Chính trị viên Huỳnh Ngọc Trạch ở lại hủy tàu, tôi và các đồng chí khác thoát lên bờ. Thế nhưng, do bộc phá không nổ, 2 đồng chí ấy đã chiến đấu và anh dũng hy sinh", giọng ông Ích chùng xuống kể lại.
Kết thúc những chuyến tàu trên biển, năm 1970, ông Ích chuyển về đặc công nước rồi về lại Tiểu đoàn tàu mặt nước của Quân chủng Hải quân. Năm 1975, ông về Quân khu 5, tham gia giải phóng TP Đà Nẵng.
Chiến tranh đã lùi xa nhưng với ông Ích, ký ức về những chuyến tàu không số luôn đọng mãi theo thời gian.
Khánh Hồng