Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, bảo hiểm xã hội đã từng bước trở thành trụ cột của lưới an sinh xã hội, nâng cao khả năng chống chịu, phòng ngừa và khắc phục rủi ro cho người lao động.
Chiều 27/10, phát biểu tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại hội trường Diên Hồng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, đây là những ý kiến rất tâm huyết, trí tuệ và thiết thực. Sau kỳ họp này, Bộ trưởng tin tưởng rằng sẽ có bước phát triển mới về nhận thức, về trách nhiệm và hành động trong triển khai và phát triển chính sách bảo hiểm xã hội - một trong những trụ cột quan trọng nhất về chính sách an sinh xã hội.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, mặc dù bảo hiểm xã hội của chúng ta còn non trẻ (bắt đầu từ năm 1995), đến nay đã có bước phát triển tương đối nhanh, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và cơ bản đáp ứng, phù hợp với thông lệ quốc tế. Chúng ta đã triển khai 8 loại hình bảo hiểm xã hội (trên thế giới có 9 loại hình). Đến nay, quỹ bảo hiểm xã hội đã trở thành quỹ tài chính Nhà nước có quy mô lớn nhất.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu tiếp thu ý kiến đại biểu trước Quốc hội (Ảnh: Quốc Chính).
Đặc biệt, thời gian qua, quy mô quỹ bảo hiểm có bước phát triển rất nhanh. Nếu năm 1998, kết dư quỹ bảo hiểm là 7.500 tỷ đồng, thì đến hết năm 2020, quy mô quỹ đã tăng gấp 120 lần - kết dư gần 1 triệu tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng của quỹ bảo hiểm xã hội bình quân năm sau cao hơn năm trước là 20%. Các quỹ ngắn hạn cơ bản vừa đáp ứng các mục tiêu, các chính sách và kết dư tương đối an toàn.
Người đứng đầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng lớn đến người lao động và chủ sử dụng lao động, sau khi báo cáo có thẩm quyền và được sự đồng ý của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã ban hành 5 Nghị quyết và các Quyết định liên quan, trong đó có nhiều chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động.
"Tổng mức hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động từ kết dư các quỹ bảo hiểm xã hội là trên 50.000 tỷ đồng. Trong đó 30.000 tỷ là tiền, còn lại hơn 20.000 tỷ đồng từ việc miễn giảm các chính sách và miễn đóng, giảm đóng, cho phép chậm đóng bảo hiểm. Kết quả đó đã thực sự đem lại những kết quả thiết thực và nhận được sự ủng hộ, đồng tình của người tham gia bảo hiểm xã hội", Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nói.
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, đến nay, bảo hiểm xã hội thực sự đã từng bước trở thành trụ cột của lưới an sinh xã hội, đã góp phần nâng cao khả năng chống chịu, phòng ngừa và khắc phục rủi ro cho người lao động trong quá trình tham gia lao động.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu về những tồn tại, hạn chế trong triển khai các chính sách bảo hiểm xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian tới, Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các cơ quan liên quan sẽ tập trung khẩn trương đề xuất Quốc hội xem xét sửa đổi một cách căn cơ Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm.
Bộ trưởng dự kiến cuối tháng 10 này, trong phiên họp Chính phủ sẽ bàn về nội dung Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi. Thể chế hóa Nghị quyết 28 về cải cách chính sách chính sách bảo hiểm xã hội, trong đó có một số nội dung đã được thực hiện như điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, điều chỉnh lương hưu độc lập tương đối với ngân sách.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đến nay, bảo hiểm xã hội thực sự đã từng bước trở thành trụ cột của lưới an sinh xã hội (Ảnh: Quốc Chính.
"Tới đây sẽ tập trung giải quyết một số vấn đề cơ bản như đại biểu Quốc hội vừa nêu như phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng. Sửa đổi thời gian đóng bảo hiểm xã hội mức tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm, tiến tới có thể là 10 năm", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói và cho biết, nguyên tắc điều chỉnh theo hướng đóng - hưởng công bằng, bình đẳng, phát triển bền vững; điều chỉnh hưởng chính sách một lần; phát triển lực lượng tham gia khu vực phi chính thức và đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư Quỹ bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc an toàn, bền vững và hiệu quả.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trước mắt tập trung công tác tuyên truyền để lao động khi bước vào thị trường mới hiểu, đồng tình và chủ động tham gia, dần dần hình thành văn hóa an sinh trong mọi người lao động, như kinh nghiệm các quốc gia phát triển họ đều thực hiện điều này. Sử dụng các quỹ ngắn hạn đúng mục đích, tăng quyền lợi cho người lao động. Nghiên cứu, điều chỉnh, phát huy kết dư trong hỗ trợ thúc đẩy thị trường lao động. Xây dựng các chính sách hấp dẫn người lao động tham gia bảo hiểm xã hội. Cuối cùng là tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, đổi mới khâu tổ chức thực hiện.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đề xuất Quốc hội tăng cường công tác giám sát, kiểm tra việc triển khai chính sách; Giao cho Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sử dụng kết dư của các Quỹ bảo hiểm xã hội ngắn hạn để hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng đại dịch và các yếu tố rủi ro. Bộ trưởng đề nghị Quốc hội cho bổ sung nội dung vào trong kết luận của phiên họp, nghị quyết phiên họp một số nội dung kết luận, làm căn cứ để cho Chính phủ triển khai.
Quang Phong