Thời gian qua, khu vực bờ hữu sông Hồng đoạn qua địa phận huyện Ba Vì (Hà Nội) đã xảy ra một loạt sự cố sạt lở nghiêm trọng, đe dọa cuộc sống của nhiều hộ dân xung quanh.
Hà Nội: Xuất hiện nhiều vị trí sạt lở đê nghiêm trọng ven bờ sông Hồng
Ảnh hưởng các trận mưa lớn suốt hơn một tuần vừa qua tại Hà Nội khiến nền địa chất đê, bờ sông Hồng khu vực thôn Trung Hà (Thái Hòa, Ba Vì) bị yếu, xuất hiện vị trí sạt lở dài khoảng 120 m, chiều rộng cung sạt khoảng 5-15 m; đỉnh cung sạt cách chân đê hữu Hồng khoảng 17-25m, cách công trình nhà ở của 2 hộ dân khoảng 2-2,5 m.
Gia đình ông Nguyễn Văn Toán ở thôn Trung Hà đang sống trong tình trạng bất an do bờ hữu sông Hồng không ổn định. Một phần bờ sông bị sạt lở chỉ còn cách khoảng sân trước nhà ông chừng 0,5 m. Ngoài hộ gia đình ông Toán, 7 gia đình khác cũng phải sống trong âu lo, bởi tình trạng sạt lở đang diễn biến phức tạp.
Ông Nguyễn Văn Toán, thôn Trung Hà (Thái Hòa, Ba Vì) chia sẻ: "Ảnh hưởng kinh tế là một mặt nhưng mặt khác nó ảnh hưởng về đất đai và cái nữa ảnh hưởng về tinh thần mà chúng tôi thì đang rất lo lắng. Tôi năm nay 60 tuổi, nhiều đời nhà tôi ở đây rồi mà xảy ra tình trạng này, rất là hoang mang".
Lực lượng chức năng xã Thái Hòa lập chốt chặn, cảnh báo, phân công người trực 24/24h tại khu vực sạt lở bờ hữu sông Hồng.
Cận cảnh khu vực sạt lở chỉ cách nhà dân từ 0,5-1 mét.
Ông Phùng Quang Ánh, Phó chủ tịch UBND xã Thái Hòa, huyện Ba Vì cho biết: "Ngay sau khi phát hiện sự việc, chúng tôi đã sơ tán toàn bộ hộ dân nằm trong khu vực sạt lở để đảm bảo con người và tài sản. Hiện tại khu vực sạt lở đã niêm phong và làm tất cả các quy trình cảnh báo với khu vực đê đảm bảo an toàn cho đê. Song song với đó là tổ chức an ninh trực 24/24h đảm bảo an toàn không cho người lạ vào khu vực".
Diện tích đất và cây cối trong vườn nhà ông Toán bị cuốn trôi xuống sông chỉ sau một đêm.
Cũng theo người dân nơi đây, lợi dụng yếu tố địa lý, địa bàn giáp ranh giữa TP Hà Nội và tỉnh Phú Thọ, tình trạng "đại công trường" gồm nhiều tàu hút cát cả ngày lẫn đêm dưới sông cũng là nguyên nhân dẫn tới sạt lở nghiệm trọng tại bờ sông.
Một vị trí khác cùng thôn Trung Hà tình trạng sạt lở bờ sông nghiêm trọng, ăn sâu vào đất sản xuất của các hộ dân từ 3-5 m, nằm sát chân đê hữu Hồng.
Ông Nguyễn Giáp Đông, Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì (Hà Nội) cho biết, phòng chống thiên tai phải thực hiện 4 tại chỗ, và phát hiện sớm để giảm thiểu thiên tai gây ra. Đơn vị cũng có những phương án phòng chống bão lũ và bảo vệ đê điều đến tận xã, tận thôn để có những biện pháp xử lý cấp bách hoặc là phải có các phương án có nguồn vốn để đầu tư cũng như xử lý các điểm có nguy cơ ảnh hưởng đến hộ dân sinh sống đến chân đê.
Đường bê tông trên mặt đê bị vỡ nát, sụt lún do ảnh hưởng của vụ sạt lở bờ sông hữu Hồng.
Thiếu tá Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng công an xã Thái Hòa, huyện Ba Vì cho biết, ngoài chức năng đảm bảo nhiệm vụ an ninh trật tự trên địa bàn xã thì lực lượng công an cũng đã thường xuyên tăng cường, thực hiện việc phòng chống lụt bão, đặc biệt là việc tuần tra kiểm soát tại các khu vực có nguy cơ sạt lở về đất dọc bờ sông Hồng.
"Tuy nhiên, những ngày gần đây mưa lớn rất nhiều trên địa bàn cho nên những khu vực gia cố và kè tạm thời tiếp tục sạt lở. Nếu mưa nữa sẽ kéo lún sụt mặt cơ đê gây ảnh hưởng đến sinh sống và sinh hoạt của bà con trên địa bàn xã", Thiếu tá Nguyễn Hồng Sơn cho biết thêm.
Hiện nay, các vị trí sạt lở trên tiếp tục phát triển mạnh, tiến gần phía chân đê hữu Hồng; các vị trí sạt lở trên nếu không được tiến hành xử lý chống sạt lở sẽ đe dọa trực tiếp tới an toàn của tuyến đê.
Đỗ Quân