Sáng 27/10, TPHCM tổ chức tiêm vaccine cho gần 1.500 học sinh của huyện Củ Chi, đây là những trẻ em đầu tiên ở Việt Nam được tiêm phòng Covid-19.
Ngày đầu tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho học sinh tại TPHCM
Sáng 27/10, TPHCM tổ chức tiêm vaccine cho trẻ em từ 12-17 tuổi. Trường tiểu học thị trấn Củ Chi được chọn làm nơi đầu tiên tổ chức tiêm với số lượng khoảng 1.500 học sinh.
Từ sáng sớm, các nhân viên y tế của Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi đã có mặt để chuẩn bị sắp xếp ghế ngồi giãn cách đảm bảo 5K, chuẩn bị 10 tổ tiêm, và các khu vực sàng lọc trước tiêm.
Gần 1.500 học sinh của 3 trường THPT trên địa bàn huyện, bao gồm Trường THPT Củ Chi, Tân Thông Hội và Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Củ Chi (độ tuổi 16-17 tuổi) đã tập trung đến điểm Trường tiểu học cơ sở Thị trấn Củ Chi để khám sàng lọc trước khi tiêm.
Học sinh được chia làm nhiều nhóm nhỏ do thầy cô và nhân viên y tế hướng dẫn làm thủ tục và khám sàng lọc, cũng như tư vấn và hỏi về các bệnh nền, các triệu chứng dự ứng nếu có để tư vấn trước tiêm cho các em.
Nguyễn Hoàng Anh (12A8, Trường THPT Củ Chi) cho biết trước khi đi tiêm đã mất ngủ cả đêm vì lo lắng.
"Được ba mẹ chuẩn bị tâm lý, dặn dò kỹ rồi nhưng em vẫn khá lo vì lần đầu được tiêm. Nhưng vì để phòng chống dịch bệnh, và hy vọng tiêm xong sẽ sớm được đến trường trở lại nên vẫn quyết tâm đi tiêm", Hoàng Anh cho hay.
Sau khi được nhân viên y tế tư vấn kỹ, sẵn sàng tâm lý thì các em sẽ tới khu vực bàn tiêm.
Loại vaccine được chọn để tiêm cho trẻ em tại TPHCM Comirnaty Pfizer- của Mỹ sản xuất.
Nhiều học sinh tỏ ra lo lắng trước khi tiêm. Sau khi các em ổn định tâm lý, quá trình tiêm diễn ra chưa tới một phút là hoàn thành.
Bà Phạm Thị Thanh Hiền - chủ tịch UBND huyện Củ Chi cho biết, ban đầu địa phương dự kiến sẽ tổ chức tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho 11.000 trẻ từ 16-17 tuổi tại 6 điểm tiêm. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra rà soát, các cơ quan quản lý thống nhất tạm thời thí điểm tiêm tại một điểm, với khoảng 1.500 trẻ.
Theo bà Hiền, việc được tiêm vắc xin chính là mong muốn không chỉ của các em, phụ huynh mà cả người dân huyện Củ Chi.
"Nhiều ngày trước địa phương đã chủ động chuẩn bị kỹ càng từ việc lập danh sách đăng ký, lấy ý kiến của phụ huynh và bố trí điểm tiêm an toàn cho các em. Sau khi tiêm chủng, hy vọng đây sẽ là điều kiện để các em sớm được trở lại trường học", bà Hiền chia sẻ.
Một học sinh tỏ ra lo lắng, nhịp tim nhanh khiến bác sĩ tạm ngừng tiêm, cho ra ghế ngồi chờ, sau khi ổn định tâm lý sẽ quay trở lại tiêm.
Sáng cùng ngày, ông Dương Anh Đức - Phó chủ tịch UBND TPHCM cũng tới khảo sát, kiểm tra buổi tiêm thí điểm ở điểm trường Tiểu học thị trấn Củ Chi.
Theo ông Dương Anh Đức, ngoài huyện Củ Chi, nhiều quận, tại huyện khác của TPHCM, các bậc phụ huynh cũng mong muốn con em họ được tiêm sớm. Vì vậy TP cân nhắc sau khi nghe báo cáo tình hình thực tế sau buổi tiêm ở huyện Củ Chi, ở Quận 1, để đưa ra phương án phù hợp. Làm sao cho càng an toàn, càng thuận lợi cho các cháu càng tốt.
Phía bên ngoài cổng điểm tiêm, chị Nguyễn Thị Ngọc Yến (có con học lớp 12) đang khá lo lắng khi đưa con đi tiêm.
"Lo lắm, vì mình đã tiêm rồi nên mình biết, sẽ có những triệu chứng sau tiêm như sốt cao, đau nhức người. Hy vọng con sẽ không có triệu chứng gì nặng sau tiêm. Trước khi đi tiêm, ở nhà cũng đã chuẩn bị thuốc hạ sốt, vitamin C, hoa quả,... để cho con dùng sau khi tiêm về", chị Yến nói.
Hàng chục phụ huynh của các em học sinh lo lắng, đứng ngồi không yên bên ngoài điểm tiêm.
Sau khoảng 30 phút làm thủ tục và tiến hành tiêm, các em sẽ tới khu vực theo dõi sau tiêm và chờ thêm 30 phút để nhân viên y tế theo dõi. Nếu không có triệu chứng bất thường, các em sẽ nhận giấy xác nhận tiêm và ra về.