Việc khôi phục đường bay nội địa được xem là cuộc "phá băng" chưa từng có trong bối cảnh hàng không đang điêu đứng vì đại dịch. Ngoài Phú Quốc, Khánh Hòa cũng sẽ là điểm đến "ăn khách" nhất Việt Nam.
Điều kiện "phá băng" thị trường
Thời điểm chưa có dịch Covid-19, thuật ngữ "open sky" (tạm dịch là mở cửa bầu trời) được sử dụng để nói về việc tự do hóa vận tải hành khách trong khu vực bằng đường hàng không, kết nối rộng mở hơn giữa các thị trường. Các yêu cầu, điều kiện đặt ra với hàng không mỗi quốc gia nằm trong khuôn khổ quy chuẩn, quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng thế giới (ICAO) và chính sách, dịch vụ của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA).
Tuy nhiên, thời gian qua dịch bệnh đã khiến hàng không "đóng băng" và rơi vào cảnh bi đát nhất trong lịch sử. Bởi thế, việc kích hoạt bay trong nước khi các địa phương đã nới lỏng giãn cách được cho là cơ hội đặc biệt và có ý nghĩa như việc "mở cửa bầu trời" với các hãng và hành khách.
Bắt đầu từ hôm nay (10/10) đến ngày 20/10, trên toàn mạng bay nội địa thí điểm 19 đường hàng không chở khách thương mại, gồm: TPHCM - Bình Định, Đà Nẵng, Huế, Khánh Hòa, Nghệ An, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Nam, Thanh Hóa, Hải Phòng, Phú Quốc, Gia Lai, Rạch Giá. Hà Nội - TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ. Đà Nẵng - Cần Thơ, Đắk Lắk. Thanh Hóa - Lâm Đồng.
Các đường bay nội địa được khôi phục là tín hiệu tích cực "phá băng" thị trường suốt thời gian dài dừng hoạt động vì Covid-19 (Ảnh: VNA).
Mới đây, Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng chính thức thông tin việc lãnh đạo Chính phủ đã đồng ý với Bộ tiêu chí công nhận và sử dụng hộ chiếu vaccine của các nước tại Việt Nam. Điều này đặt ra kỳ vọng khơi thông các đường bay chở khách thương mại thường lệ quốc tế vốn đang bị "đóng băng" suốt gần 2 năm qua, đây là giải pháp khả thi nhằm từng bước mở cửa nền kinh tế.
Không chỉ những điều kiện về mặt chính sách, dịch vụ, kế hoạch khai thác và yêu cầu kỹ thuật cũng được các hãng hàng không chuẩn bị rất kỹ lưỡng để có thể "trở lại bầu trời" bất kỳ lúc nào.
Ông Neil Besana - Phó Giám đốc khai thác bay Vietjet - cho biết hãng đã rà soát và hoàn thiện toàn bộ quy trình khai thác, đảm bảo an toàn phòng dịch cao nhất dựa trên các quy định của Cục Hàng không Việt Nam, IATA và ICAO.
Các biện pháp đảm bảo an toàn bay và duy trì năng định cho phi công, tiếp viên luôn được chú trọng ở mọi giai đoạn. Hãng cũng tuân thủ nghiêm lịch trình bảo dưỡng, kiểm tra kỹ thuật theo yêu cầu của nhà sản xuất và nhà chức trách với đội tàu bay như: Vệ sinh nội thất, đánh bóng ghế và vách ngăn, hộc đựng hành lý, thay thảm, rửa bên ngoài thân, cánh, động cơ... Hàng tuần thực hiện kiểm tra để đảm bảo các thiết bị hoạt động tốt nhất.
"Chúng tôi đã sẵn sàng để được thấy các chuyến bay cất cánh, bận rộn khắp cả mạng bay và được thấy niềm vui trên gương mặt mỗi hành khách" - ông Neil Besana chia sẻ.
Đường bay nào sẽ ăn nên làm ra?
Trong giai đoạn đầu thí điểm 19 đường bay quốc nội, dù mỗi đường bay giới hạn chỉ khai thác một chuyến khứ hồi/ngày, nhưng đã cho thấy tín hiệu tích cực của việc phục hồi thị trường. Các nhà khai thác hàng không thương mại đánh giá cao về đường bay 2 chiều trên trục Hà Nội - TPHCM, Đà Nẵng và các đường bay nhiều tiềm năng là TPHCM - Khánh Hòa, Phú Quốc.
Thời gian qua, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Việt Nam cùng các cơ quan liên quan đã nghiên cứu và xây dựng kế hoạch thí điểm đón khách du lịch quốc tế đã được tiêm chủng tới Việt Nam, trước mắt là tại đảo Phú Quốc - kế hoạch thí điểm trong tháng 10 này, dự kiến đến cuối năm đạt khoảng 2-3 triệu khách du lịch. Phú Quốc hiện đã tiêm vaccine cho 90% dân số độ tuổi trên 18 tuổi và xây dựng xong phương án tổng thể để đón khách.
19 đường bay chở khách được khai thác, trong đó các đường bay du lịch nhận được nhiều kỳ vọng trong thời gian tới (Ảnh: Ngọc Thắng).
Ngoài Phú Quốc, giới chức ngành hàng không bày tỏ sự quan tâm, đánh giá cao tới điểm đến Khánh Hòa và cho rằng sắp tới đây sẽ là điểm đến lý tưởng, hứa hẹn sẽ là đường bay du lịch "ăn khách" nhất Việt Nam.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Võ Huy Cường - Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - cho biết: Khánh Hòa rất chủ động, là một trong những địa phương đầu tiên đồng ý với dự thảo khai thác đường bay nội địa và đã ban hành kế hoạch triển khai đón khách du lịch, thích ứng an toàn trong phòng chống dịch Covid-19. Đây có thể là bước tập dượt quan trọng để đánh giá năng lực phòng dịch, năng lực y tế của địa phương, tạo nền tảng mở lại đường bay quốc tế.
Lý giải thêm về đường bay nhiều "hứa hẹn" này, ông Cường cho biết, với điều kiện địa hình thuận lợi, quá trình khai thác khách du lịch sau này nếu sự cố dịch tễ xảy ra thì khả năng hỗ trợ của địa phương sẽ rất kịp thời. Từ sân bay Cam Ranh về TP Nha Trang là đường độc đạo, ít dân cư và có cơ sở đặc thù là khu bãi dài, có hệ thống các hòn đảo đang phát triển du lịch.
Cùng đó, Khánh Hòa có sẵn các cơ sở về suất ăn, xăng dầu để phục vụ các chuyến bay. Đường bay quốc tế đến Khánh Hòa đều là bay thường lệ, khi các hãng quay trở lại sẽ rất thuận lợi để khai thác khách du lịch. Trong khi đó, hầu hết khách du lịch quốc tế đều sử dụng bảo hiểm nên nếu có F0 thì kinh phí để lại không phải là gánh nặng. Những yếu tố này khác hoàn toàn với Phú Quốc - chỉ có chuyến bay quốc tế thuê chuyến hạn chế về số lượng, không thuận lợi về điều kiện cách ly, dịch vụ và đi lại trên địa bàn.
"Khánh Hòa có đủ cơ sở cách ly nên khách du lịch đến có thể ở các khu riêng biệt mà vẫn được sử dụng các dịch vụ tốt, chơi golf, nghỉ dưỡng thoải mái. Sau thời gian cách ly, khách có thể tiếp tục du lịch ở các khu khác đủ điều kiện an toàn, thậm chí có thể giúp Khánh Hòa đi trước Phú Quốc" - ông Cường nói và cho biết mùa Đông tới có thể lượng khách quốc tế khá lớn ở khu vực Đông Bắc Á và Nga sẽ có nhu cầu đến Khánh Hòa nghỉ dưỡng, chơi golf.
Khánh Hòa và Phú Quốc dự kiến sẽ đón lượng khách du lịch quốc tế lớn trong mùa Đông tới (Ảnh: Đỗ Linh).
Ở góc độ nhà khai thác cảng, ông Nguyễn Quốc Phương - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam - cho rằng phải lấy lại vị thế so với các hãng, cảng hàng không trong khu vực. Hiện hàng ngày các chuyến bay quốc tế vẫn đến Việt Nam với 150-170 chuyến, có tới 40% vẫn là bay chở khách.
"Việt Nam đang bị mất số lượng khách rất lớn chuyển sang đi các hãng của Hàn Quốc, Singapore, Trung Đông... Điều này cho thấy chúng ta đang bị thua trên chính sân nhà của mình. Nếu không quyết tâm và sớm có lộ trình mở cửa các đường bay thì việc thua trên sân nhà có lẽ còn kéo dài" - ông Phương nhấn mạnh.
Châu Như Quỳnh