"Cứ gọi là cha mẹ lại bảo đang cách ly, vài bữa sẽ đến đón. Họ hứa 5-6 lần rồi nhưng đến giờ vẫn biệt tăm" - bác sĩ nói khi ôm trong tay cậu bé bị bỏ rơi, bơ vơ suốt 5 tháng trời trong viện.
Chuyện về những trẻ sơ sinh bị cha mẹ bỏ rơi sau đại dịch ở TPHCM
(Dân trí) - "Cứ gọi là cha mẹ bảo đang cách ly, vài bữa sẽ đến đón. Họ hứa 5-6 lần rồi nhưng đến giờ vẫn biệt tăm" - bác sĩ nói khi ôm trong tay cậu bé bơ vơ không người thân suốt 5 tháng trời trong viện.
Sau chuỗi ngày dài chống chọi đại dịch với bao mất mát đau thương, TPHCM công bố một thống kê khiến cả xã hội đau xót, địa phương này có hơn 1.500 trẻ em mồ côi vì Covid-19. Nhiều chính sách chăm lo đời sống, tặng học bổng đỡ đầu, khuyến học… được chính quyền đưa ra nhằm nâng đỡ những hoàn cảnh không may mất đi cha, mẹ.
Thế nhưng đằng sau đó, có những đứa trẻ vẫn còn người "đứt ruột" sinh ra mình nhưng lại chịu cảnh bơ vơ nhiều tháng trời. Và bác sĩ, bệnh viện (BV), cán bộ phường bỗng trở thành "ông bố, bà mẹ" bất đắc dĩ.
Trẻ bị cha mẹ bỏ lại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, TPHCM giữa mùa dịch Covid-19 (Ảnh: Hoàng Lê).
Hẹn hoài mà không đến đón
Chúng tôi theo chân nhân viên phòng Công tác xã hội, BV Nhân dân Gia Định (TPHCM) đến lầu 3 một dãy nhà. Trước mặt là ngổn ngang các giường bệnh được sắp xếp vội vàng, chồng lấn. Ở phía đối diện, những dây văng và biển báo khu vực cách ly vẫn còn hiện hữu, như bằng chứng cuộc chiến với Covid-19 trước đó khốc liệt và căng thẳng đến dường nào.
Cánh cửa khoa Bệnh lý sơ sinh mở ra, tiếng trẻ con giật mình khóc ré, vọng đến cuối hành lang. Một cô điều dưỡng mặc đồ bảo hộ kín, lật đật chạy vào căn phòng đang chiếu những chùm tia sáng màu xanh. Đứa trẻ nhỏ thó nằm trong đó - trong phòng bệnh số 5, đã được dán thêm chữ "phòng cách ly tạm".
Công việc của điều dưỡng Nguyễn Thị Ngọc Uyển cứ bất ngờ như vậy, kể từ khi dịch bùng phát. Mỗi 3 tiếng một lần, các nhân viên y tế trong ca trực phải che chắn kín trước khi vào chăm sóc những trẻ sơ sinh có mẹ dương tính SARS-CoV-2.
"Đó là với trẻ khỏe mạnh. Còn bé nào cần theo dõi hô hấp, thở oxy thì điều dưỡng phải ở luôn bên trong đến khi hết ca, phòng khi các con trở nặng đột ngột" - điều dưỡng Uyển giải thích, tay kỹ lưỡng kiểm tra xem cậu bé mấy ngày tuổi đã cải thiện tình trạng vàng da hay chưa.
Từ đầu đợt dịch thứ tư, khoa Bệnh lý sơ sinh tiếp nhận hơn 40 bé có mẹ hoặc cả cha lẫn mẹ là F0. Cứ vừa sanh xong thì sản phụ được đưa lên cách ly, con phải chuyển vào xét nghiệm. Để đảm bảo an toàn và hạn chế lây nhiễm, khoa đã chủ động thiết lập 2 lối đi riêng. Buồng bệnh cũng được tách ra để chăm sóc cho trẻ bình thường và trẻ có yếu tố nguy cơ.
Cũng chính vì cha mẹ phải điều trị, cách ly mà thời gian ở lại BV của các con kéo dài.
"Cách đây không lâu, có bé nằm lại trên 40 ngày gia đình mới đến nhận, vì họ đều bị đưa đi cách ly. Mới hôm qua, chúng tôi cũng nhận một ca bé sinh 2,7 kg khỏe mạnh, vào viện mới phát hiện cha mẹ nhiễm" - nhân viên y tế kể.
Nhưng được đón về đã là một điều hạnh phúc. Vô thừa nhận, có lẽ là tận cùng bất hạnh của những đứa trẻ tại đây.
"Cứ gọi là cha mẹ bảo đang cách ly, khó khăn lắm, vài bữa sẽ đến đón. Họ hứa suốt 5-6 lần rồi nhưng đến giờ vẫn biệt tăm" - bác sĩ Nguyễn Trần Thị Huyền Dung, Trưởng khoa Bệnh lý sơ sinh, BV Nhân dân Gia Định (TPHCM) nói khi ôm trong tay một đứa trẻ bơ vơ không người thân suốt nhiều tháng trời trong viện.
Cậu bé ấy chưa có giấy tờ khai sinh, được các nhân viên y tế chăm sóc mỗi ngày đặt cho biệt danh là "Bắp".
Một ngày của 5 tháng trước, mẹ Bắp vào viện sinh. Tranh thủ lúc các nhân viên y tế lo giấy tờ và chuẩn bị các biện pháp phòng dịch, sản phụ đã lẻn ra ngoài rồi biệt tích. Ít ngày sau, Bắp có kết quả xét nghiệm mắc Covid-19, phải đưa đi điều trị tại một BV dã chiến. Và suốt cả quá trình nhiều tuần lễ ấy, người chăm sóc cho bé cũng lại là nhân viên y tế, là tình nguyện viên, thay vì là người thân ruột thịt.
Những lần cố liên lạc với gia đình, các bác sĩ được cho biết cha mẹ Bắp là lao động tự do. Dịch bệnh, họ thất nghiệp, cuộc sống ảnh hưởng nặng. Bản thân người mẹ cũng có tiền sử nghiện ma túy.
"Mỗi nhà mỗi hoàn cảnh. Nếu liên hệ mà gia đình nói khó khăn, đang lo làm việc kiếm tiền thì chúng tôi vẫn chấp nhận chờ. Nhưng mong người nhà đến đón bé, vì chờ quá lâu rồi…" - bác sĩ Dung mong mỏi.
Trở về BV từ cuối tháng 9, Bắp đã có kết quả xét nghiệm âm tính Covid-19 lần đầu. Theo quy định sau 14 ngày, bé sẽ được lấy mẫu xét nghiệm PCR lại. Dường như đã quen với cảnh "sống chung với dịch", cậu bé rất ngoan khi được nhân viên y tế dùng que lấy dịch ở vùng hầu họng.
Bé Bắp sức khỏe tốt, rất ngoan (Ảnh: Hoàng Lê)
Dịch bệnh, đến chuyển viện mồ côi cũng khó khăn
Chỉ tay qua chiếc nôi phía góc tường bên cạnh, vị bác sĩ khẽ gật đầu xác nhận với chúng tôi, đây cũng là một hoàn cảnh bị cha mẹ bỏ rơi.
"Bé Sữa 6 tháng tuổi rồi, đã nặng 7,6 kg. Mẹ Sữa còn rất trẻ, sinh xong trốn luôn mà không để lại số điện thoại. Sức khỏe bé hoàn toàn ổn, chỉ chăm sóc và nuôi dưỡng bình thường mà phải nằm ở khoa của trẻ có bệnh lý…" - bác sĩ nói, bằng giọng xót xa.
Kể từ ngày mẹ đẻ xong rồi bỏ, các "thiên thần áo trắng" trở thành chỗ dựa còn lại của cô bé. Ngoài vấn đề dinh dưỡng do BV cung cấp, tã lót, quần áo và cả đồ chơi được anh chị em nhân viên y tế trong viện hùn nhau mua cho Sữa.
Chăm bẵm lâu ngày nên sợi dây liên kết tình cảm ngày càng bền chặt. Khi chúng tôi đặt vấn đề khi nào thì Sữa sẽ được chuyển đi trung tâm bảo trợ xã hội, các y, bác sĩ tại khoa thoáng giật mình. Nuôi nhiều lắm rồi, nhưng đợt nào bàn giao các con xong ai cũng bịn rịn, mến tay mến chân, có người còn khóc sụt sùi.
Cũng vì dịch bệnh và nhất là trong thời điểm siết chặt giãn cách, quy trình chuyển trẻ qua viện mồ côi cũng bị chậm đi. Có bé được chuyển đi rồi, nhân viên y tế lại tìm cách nhờ các cán bộ bên trong chụp hình, xem các con ở nhà mới có ăn được không, lớn hơn không.
"Lạ hả, thôi bú sữa nè con, má Thúy của con hôm nay bệnh rồi…" - điều dưỡng Uyển dỗ dành khi bé Sữa đang mút tay ngủ ngon lành, giật mình tỉnh giấc.
Má Thúy, là điều dưỡng trưởng Trần Thị Thanh Thúy, người có 30 năm gắn bó với nghiệp chăm sóc bệnh nhi. Quá trình làm việc kéo dài mùa dịch khiến bà bị suy kiệt sức khỏe, phải điều trị ở một khoa khác trong BV.
Trước đây, khoa Bệnh lý sơ sinh có 11 bác sĩ, 26 điều dưỡng trực chiến. Dịch bệnh khiến nhân sự phân tán đi các khu cách ly, điều trị Covid-19 hay các điểm tiêm ngừa cộng đồng. Chỉ còn 23 người, họ gánh khối lượng công việc nặng nề hơn. Nhưng bằng tấm lòng với những đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, mọi áp lực không còn là vấn đề lớn.
12 giờ trưa, một chiếc xe lăn từ phía khoa Sản đẩy đến. Bác sĩ Dung vui mừng cho biết, đó là sản phụ Đinh Thị Minh lên làm thủ tục đón con gái.
Nhìn gương mặt cháu bụ bẫm hồng hào, cô Nguyễn Thị Trung (50 tuổi) vui mừng.
"Nhà con gái tôi gần BV, còn tôi ở quận 12. Hôm qua nó đi sinh một mình, sức khỏe yếu nên vừa đẻ xong thì các bác sĩ cho em bé lên đây chăm sóc. Tôi phải chờ đến khi có kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính mới được lên thăm cháu. Mùa dịch được vậy là may mắn lắm rồi" - cô Trung nói, tiếng bánh xe lăn xa dần.
Không chỉ người bà thấy may mắn, cả các nhân viên y tế khoa Bệnh lý sơ sinh cũng vô cùng hạnh phúc. Vì giữa thời buổi dịch bệnh mà chuyện gì cũng có thể xảy ra, đứa trẻ nào sớm được sum họp với cha mẹ và không bị bỏ rơi, họ lại mừng cho đứa đó.
Nội dung và ảnh: Hoàng Lê
(Còn nữa)
Bài tiếp:
Bé "Vít" bị bỏ rơi ở nhà hoang trong chiều mưa lạnh giữa tâm dịch TPHCM