Theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có hiện tượng "chạy" thành tích, dùng thành tích khen thưởng để nâng lương, thăng cấp hàm.
Sáng 23/10, cho ý kiến về dự án Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi) tại phiên họp tổ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết hiện chỉ tập trung nhiều vào khen thưởng mà chưa chú ý phát động phong trào thi đua một cách mạnh mẽ.
"Phải làm sao thi đua thực tế hơn, tránh hình thức. Thi đua cần thấm sâu vào cơ quan, đơn vị, tạo nên phong trào quần chúng", Chủ tịch nước nói.
Trong khen thưởng, Chủ tịch nước nói có hiện tượng "chạy" thành tích, dùng thành tích khen thưởng để nâng lương, thăng cấp hàm. "Một số ngành tôi ký quá mỏi tay vì khen thưởng quá nhiều", Chủ tịch nước chia sẻ.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, thi đua cần phải thực tế hơn, tránh hình thức (Ảnh: Quốc Chính).
Theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, khen thưởng phải phù hợp chứ không phải chỉ chú trọng khen thưởng mà không chú trọng thi đua. Đặc biệt, cần phát động theo chuyên đề, gắn với đề cao trách nhiệm thì nhất định tình hình sẽ tốt hơn.
Chủ tịch nước cho biết, có nhiều lần ông đề nghị có hình thức tôn vinh cá nhân, tổ chức có thành tích trong dịch Covid-19, ở cả tuyến đầu và tuyến sau. Bởi theo Chủ tịch nước, có những người ủng hộ từng quả trứng hay bán cả mảnh đất để hỗ trợ chống dịch.
"Đó là những hình ảnh tuyệt vời, chúng ta nên tôn vinh như tấm gương thể hiện tinh thần nhân văn, thương yêu, đoàn kết", Chủ tịch nước nói.
Vì khen thưởng được nhiều quyền lợi sau đó nên Chủ tịch nước cho rằng cần gắn liền với chế tài về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong quá thực hiện khen thưởng. Cụ thể, khi có người bị thu hồi khen thưởng thì những người chịu trách nhiệm thẩm tra, thẩm định cá nhân này cũng phải có trách nhiệm.
Điện ảnh có trách nhiệm đưa văn hóa, lịch sử ra thế giới
Đề cập đến Luật Điện ảnh, Chủ tịch nước cho biết, luật này ra đời từ lâu khi công nghệ chưa phát triển mạnh mẽ, nhiều vấn đề chưa lường hết được. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay phải sửa luật này.
Nhấn mạnh nhiều nước có nền công nghiệp điện ảnh sâu rộng, quảng bá được hình ảnh đất nước, con người, ông dẫn chứng những bộ phim của Hàn Quốc như Giày thủy tinh, Nàng Dae Jang Geum… cách đây 20 năm chiếu ở Việt Nam.
"Văn hóa soi đường quốc dân đi" - Chủ tịch nước nói và nhấn mạnh: "vai trò của công nghiệp điện ảnh với phát triển đất nước rất lớn". Theo ông, làm điện ảnh phải giữ gìn văn hóa dân tộc thông qua truyền bá những hình ảnh đất nước, con người, truyền thống Việt Nam.
Chủ tịch nước đề nghị phải xây dựng luật Điện ảnh "dài hơi để sống nhiều thời gian hơn"; nghiên cứu thêm kinh nghiệm các nước, nhất là nên xã hội hóa, khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân được làm phim.
"Nhà nước nên đặt hàng, dành nguồn kinh phí hỗ trợ cần thiết cho những tác phẩm phim về lịch sử, tư liệu giới thiệu đất nước, con người Việt Nam", ông Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Về chính sách phát hành phim, Chủ tịch nước nhận thấy còn thiếu, nhất là quảng bá phim ra nước ngoài, hợp tác quốc tế quảng bá, xúc tiến.
Chủ tịch nước cho biết hôm qua (22/10) ông tiếp Đại sứ Algeria và vị đại sứ này nhớ về Việt Nam qua bộ phim về Điện Biên Phủ.
"Người ta biết về Việt Nam qua những bộ phim chiến tranh", lãnh đạo Nhà nước nói và cho hay, bây giờ người ta hiểu Việt Nam nhiều hơn nhưng chưa đủ. Từ đó, một lần nữa, Chủ tịch nước nhấn mạnh trách nhiệm của điện ảnh rất quan trọng để đưa văn hóa, lịch sử nước ta ra thế giới.
Quang Phong