Theo đại biểu Quản Minh Cường (Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai), không nên đặt vấn đề Cảnh sát cơ động sử dụng máy bay sẽ gây tốn kém, lãng phí mà vấn đề là sử dụng như thế nào, trong trường hợp nào.
Sáng 26/10, cho ý kiến về dự án Luật Cảnh sát cơ động, đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) đề nghị cần làm rõ tính đặc thù của lực lượng này so với lực lượng khác của Công an nhân dân.
Liên quan tới quy định về trang bị phương tiện của cảnh sát cơ động, theo đại biểu Thắng, lực lượng cảnh sát cơ động hoàn toàn có thể sử dụng máy bay khi thực hiện một số nhiệm vụ đặc biệt.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) cho ý kiến về dự án Luật Cảnh sát cơ động.
Tuy nhiên, đại biểu đoàn Quảng Trị lưu ý, vấn đề là có cần phải trang bị riêng máy bay cho lực lượng Cảnh sát cơ động để thực hiện nhiệm vụ thay bằng việc có thể phối hợp với lực lượng khác hay không. Đại biểu gợi ý lực lượng Cảnh sát cơ động có thể sử dụng phương tiện của lực lượng quân đội.
Theo đại biểu, hiện nay cho thấy, chúng ta có đầy đủ khả năng để phối hợp giữa lực lượng quân đội với Cảnh sát cơ động trong việc sử dụng máy bay. Đại biểu cho rằng, hai vấn đề đặt ra ở đây là Cảnh sát cơ động cần thiết phải sử dụng máy bay và một bên là Cảnh sát cơ động có cần thiết phải trang bị máy bay hay không?
Do vậy, đại biểu Hoàng Đức Thắng cho rằng, chúng ta cần làm rõ việc phối hợp, huy động lực lượng phương tiện thì sẽ tốn nguồn lực hơn hay tiết kiệm hiệu quả hơn.
Từ phân tích trên, đại biểu Hoàng Đức Thắng đề nghị cân nhắc kỹ, đánh giá tác động nhiều chiều, lấy ý kiến Đại biểu Quốc hội về vấn đề này trước khi thống nhất, vì đây là vấn đề có tác động rất lớn.
Phát biểu từ điểm cầu tỉnh Đồng Tháp, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, quy định về trang bị phương tiện tàu bay, tàu biển cho Cảnh sát cơ động là không hợp lý. Bởi theo đại biểu lực lượng phòng không không quân, cảnh sát biển, bộ đội biên phòng, kiểm ngư đã có tàu bay và tàu biển.
"Tại sao chúng ta không sử dụng lực lượng và phương tiện kỹ thuật này khi cần thiết để có sự phối hợp? Quân đội sẽ sẵn sàng hỗ trợ tích cực, đắc lực cho lực lượng công an, cảnh sát cơ động khi cần thiết để làm nhiệm vụ", ông Hòa băn khoăn.
Theo ông Hòa, nếu trang bị tàu bay cho Cảnh sát cơ động sẽ gây tốn kém ngân sách, sau đó lại phải trang bị kỹ thuật, huấn luyện thường xuyên kỹ thuật sân bay, tàu bay riêng.
Tranh luận với đại biểu Phạm Văn Hòa, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (đoàn Khánh Hòa) cho rằng, cần khẳng định Cảnh sát cơ động là lực lượng chống khủng bố, bạo loạn, đảm bảo an ninh trật tự. Do vậy, đây là lực lượng nòng cốt quan trọng nhất của công an trong lĩnh vực này. Không thể nói là vì tiết kiệm mà chúng ta không trang bị cho lực lượng Cảnh sát cơ động.
Theo đại biểu Thịnh, nếu như lực lượng này ngăn chặn được khủng bố, bạo loạn, trật tự an ninh quốc gia thì không thể đong đếm bằng đồng tiền. "Chúng ta phải khẳng định, cứu được con người và giải quyết vấn đề quốc gia thì không gì có thể đong đếm được", đại biểu Thịnh nêu ý kiến.
Từ phân tích trên, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh nêu quan điểm việc trang tàu bay, sân bay, tàu biển cho cảnh sát cơ động là cần thiết. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, lực lượng cảnh sát cơ động cần phải được trang bị một cách hiện đại nhất.
Theo đại biểu Quản Minh Cường không nên đặt vấn đề Cảnh sát cơ động sử dụng máy bay sẽ gây tốn kém.
Đại biểu Quản Minh Cường (Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai) cho rằng, việc cảnh sát cơ động được sử dụng tàu bay đã được quy định trong Pháp lệnh cảnh sát cơ động. Cụ thể, Cảnh sát cơ động được ưu tiên trang bị vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, tàu bay, tàu thủy, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ và trang thiết bị đặc chủng chuyên dụng hiện đại.
Ông Cường cho rằng, không nên đặt vấn đề Cảnh sát cơ động sử dụng máy bay sẽ gây tốn kém, lãng phí về mặt tài chính mà vấn đề là sử dụng như thế nào, trong trường hợp nào và với lực lượng ra sao? Bên cạnh đó, khi lực lượng này sử dụng máy bay, cần quy định rõ việc huấn luyện, quy chế phối hợp với lực lượng quân đội, vấn đề quản lý không lưu, đường bay…
Quang Phong