Các toa tàu được sản xuất từ năm 1979-1982 đã ngừng sử dụng, trong đó 37 toa có thể chuyển giao ngay cho Việt Nam với giá 0 đồng. Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam xin nhập về để cải tạo, khai thác.
Dưới đây là những hình ảnh các toa tàu 40 năm tuổi mà Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đang xin phép được nhập khẩu:
Các toa tàu được Nhật Bản sản xuất từ năm 1979-1982 vừa ngừng sử dụng.
Toa tàu tự hành DMU thì một, hai toa cũng có thể tự chạy, mà không cần đầu máy kéo.
Nhật Bản ngừng sử dụng vì lý do môi trường và chuyển sang dòng xe mới.
Kết nối giữa 2 toa tàu, hành khách có thể đi lại qua khu vực kết nối giữa các xe.
Bên trong các toa tàu "40 tuổi". Các toa xe có thể sử dụng cho đoàn tàu nội đô.
Loại ghế ngang thường dùng cho đoàn tàu để ngắm cảnh, cho gia đình hoặc ghế đặt chỗ trước.
Không gian sàn dành cho hành khách lên xuống.
Một loại ghế ngồi khác trên tàu.
Cửa đi lại giữa các toa.
Hệ thống điều hòa không khí.
Khu vực nhà vệ sinh trên tàu.
Đầu xe có cabin lái và các móc nối giữa các toa xe.
Hình ảnh nội thất, ngoại thất của các toa tàu 0 đồng.
Sau khi được cải tạo lại thành các toa tàu phục vụ khách du lịch.
Hồi tháng 3 năm nay, Công ty Đường sắt Đông Nhật Bản (JR East) - đối tác của VNR - thông báo ngừng khai thác toa tàu tự hành diesel DMU loại Kiha 40 và Kiha 48 với lý do về biện pháp môi trường và chuyển sang dòng xe mới hơn.
Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) nêu rõ, 61 toa tàu được sản xuất từ năm 1979-1982 Nhật Bản JR East đã ngừng sử dụng, trong đó 37 toa có thể chuyển giao ngay cho Việt Nam. Các toa xe không có vấn đề gì nghiêm trọng về an toàn và chất lượng.
Doanh nghiệp này kiến nghị Thủ tướng cho phép được đăng kiểm toàn bộ các toa tàu nhập khẩu sau khi cải tạo, sửa chữa để vận dụng, khai thác trên đường sắt Việt Nam theo quy định của quy chuẩn Việt Nam.
Sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương, VNR sẽ triển khai các thủ tục nhập khẩu, sửa chữa cải tạo toa xe phù hợp với quy chuẩn Việt Nam; vận dụng khai thác an toàn, hiệu quả loại toa tàu trên theo đúng quy định của pháp luật.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Vũ Anh Minh - Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR - cho hay: "Phía đường sắt Việt Nam chỉ bỏ chi phí nhập khẩu và hoán cải. VNR dự kiến tổng chi phí khoảng 140 tỷ đồng, trong đó có 40 tỷ đồng vận chuyển, 80 tỷ đồng hoán cải và các chi phí khác như đăng kiểm, tư vấn, dự phòng".
Trước câu hỏi về lợi hay hại khi nhập các toa tàu đã hết hạn sử dụng về khai thác, Chủ tịch VNR thẳng thắn: "Nếu không có lợi thì chúng tôi đã không đề xuất. Lợi ở đây không phải là với doanh nghiệp tư nhân chỉ tính hiệu quả kinh tế của đồng vốn, mà đây là doanh nghiệp Nhà nước, lợi ích cho doanh nghiệp Nhà nước chính là lợi ích cho Nhà nước. Người đại diện phần vốn Nhà nước giao cho Hội đồng thành viên thì phải đề xuất điều gì có lợi nhất".
Châu Như Quỳnh
Ảnh: JR East, VNR