Bộ Tư pháp nói về vụ trúng mỏ cát gần 3.000 tỷ nhưng… muốn xin lại tiền cọc

Bà Nguyễn Thị Mai - Phó cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp - khẳng định, nếu bỏ kết quả trúng mỏ cát, doanh nghiệp có thể sẽ không được hoàn trả tiền đặt trước và có thể bị "cấm" tham gia đấu giá...

Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Tư pháp chiều 22/10, bà Nguyễn Thị Mai cho biết đã nhận được phản ánh liên quan đến việc doanh nghiệp trúng đấu giá mỏ cát "khủng" gần 3.000 tỷ đồng nhưng lại đang muốn "xin lại tiền cọc" nếu tỉnh An Giang không cho giãn thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính.

"Đây là cuộc đấu giá đã hoàn thành và chuyển sang trách nhiệm của người có tài sản là UBND tỉnh An Giang. Giá khởi điểm của mỏ cát chỉ là 7,2 tỷ đồng nhưng người ta đã trả giá rất cao, lên tới gần 3.000 tỷ, tăng 390 lần. Vậy thì sẽ xử lý thế nào khi doanh nghiệp không khai thác mà lại xin trả lại tiền đặt cọc?"- bà Mai đặt vấn đề.

Bộ Tư pháp nói về vụ trúng mỏ cát gần 3.000 tỷ nhưng… muốn xin lại tiền cọc - 1

Bà Nguyễn Thị Mai trả lời tại cuộc họp báo (Ảnh: T.K).

Bộ luật Dân sự và Nghị định số 22/2012 của Chính phủ quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản đã quy định rất rõ về việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản, quy định về việc không trả lại tiền đặt trước nếu tổ chức trúng đấu giá không thực hiện quyền khai thác khoáng sản và quyền cấp phép thăm dò.

Vì thế, nếu hủy bỏ kết quả trúng thầu, doanh nghiệp sẽ không được hoàn trả tiền đặt trước nếu thuộc vào trường hợp quy định tại Điểm d, khoản 2, Điều 6 Nghị định số 22/2012 của Chính phủ.

Ngoài ra, đơn vị trúng đấu giá này sẽ không được tham gia bất kỳ phiên đấu giá nào trong thời hạn một năm kể từ ngày kết thúc phiên đấu giá mỏ cát theo quy định tại khoản 3, Điều 8 Nghị định số 22/2012 của Chính phủ.

"Có thể nói rằng quy định về chế tài và cách thức xử lý việc này đã có đầy đủ. Quả bóng thuộc về UBND tỉnh An Giang xử lý như thế nào theo đúng quy định mà thôi" - bà Mai cho hay.

Bà Mai khẳng định, Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) rất quan tâm tới vụ việc này, bởi có thể trở thành tiền lệ xấu, hủy đấu giá nhiều lần dẫn tới việc cơ quan nhà nước phải bán chỉ định với tài sản công.

"Điều này có thể dẫn tới nguy cơ bán chỉ định theo giá khởi điểm, không có sự cạnh tranh trong đấu giá và cuối cùng dẫn tới nguy cơ thất thoát tài sản có thể xảy ra nếu không có sự cạnh tranh, đấu giá công khai minh bạch" - bà Mai cho hay.

Lãnh đạo Cục Bổ trợ tư pháp cho biết đã có rất nhiều văn bản kiến nghị cơ quan có thẩm quyền, UBND các cấp khi đưa tài sản ra đấu giá phải thuê tổ chức định giá, xác định đúng giá trị tài sản thì mới bán được đúng theo nhu cầu của người tham gia đấu giá. Điều này nhằm tránh đấu giá dưới mức thị trường hoặc đẩy lên cao quá dẫn tới chuyện như xảy ra trong đấu giá mỏ cát ở tỉnh An Giang…

Bộ Tư pháp nói về vụ trúng mỏ cát gần 3.000 tỷ nhưng… muốn xin lại tiền cọc - 2

Người dân sống gần khu vực mỏ cát Bình Phước Xuân lo lắng tình trạng nhà của, vườn cây của họ bị sạt lở nếu doanh nghiệp đến khai thác mà thiếu sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của ngành chức năng (Ảnh: Nguyễn Hành).

Như Dân trí đã phản ánh, Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang cho biết, với số tiền trúng đấu giá quyền khai thác cát lên tới hơn 2.800 tỷ đồng, Công ty T-S. Home phải nộp hơn 140 tỷ đồng trước khi được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác khoáng sản. Với số tiền còn lại, công ty sẽ nộp trong 4 năm, mỗi năm phải nộp số tiền tạm tính là hơn 667 tỷ đồng.

Tuy nhiên, phía công ty lại đề xuất cho nộp tiền trúng đấu giá lần đầu là 50 tỷ đồng trước khi cấp phép khai thác và số tiền hơn 90 tỷ đồng sẽ được nộp trong năm khai thác đầu tiên.

Trong trường hợp UBND tỉnh không chấp thuận đề xuất này, Công ty T-S.Home xin nhận lại tiền đặt cọc sau khi trừ chi phí tổ chức đấu giá tại khu mỏ cát.

Thế Kha

Mới hơn Cũ hơn