"Những cam go, khốc liệt, đau khổ do đại dịch sẽ dịu dần. Nhưng những hình ảnh cao đẹp của chiến sĩ tuyến đầu, các lực lượng chi viện TPHCM sẽ được lưu giữ mãi" - Bí thư TPHCM khẳng định.
Sáng 8/10, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cùng đoàn lãnh đạo thành phố đã tới dự lễ tuyên dương đoàn công tác tăng cường và tham gia hỗ trợ phòng, chống Covid-19 trên địa bàn TPHCM.
Mở đầu buổi lễ, các đại biểu có mặt đã dành phút tưởng niệm nhân viên y tế, lực lượng tuyến đầu đã hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ công tác phòng, chống dịch và những người đã mất vì Covid-19 tại TPHCM.
Các đại biểu dành phút mặc niệm cho những người không may hy sinh, qua đời do Covid-19 (Ảnh: Hải Long).
Trong thời điểm đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 diễn ra căng thẳng nhất, TPHCM đã nhận được sự chi viện lớn từ các đoàn công tác thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, và các địa phương trực thuộc trung ương. Suốt quãng thời gian ấy, người dân tại thành phố đã dần quen thuộc với hình ảnh những cán bộ, chiến sĩ quân đội đi từng ngõ, gõ từng nhà, phát túi an sinh, gói thuốc cho người dân.
Những hình ảnh còn mãi
Xuyên suốt bài phát biểu của mình tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Nên - Bí thư Thành ủy TPHCM - nhiều lần gửi lời cảm ơn đến các Bộ, ngành đã tạo điều kiện hỗ trợ địa bàn vượt qua khoảng thời gian căng thẳng nhất. Gần 30.000 cán bộ, chiến sĩ, nhân viên y tế từ mọi miền đất nước đã đến với thành phố bằng lương tâm, trách nhiệm và lòng dũng cảm, không ngại hy sinh.
Bí thư Thành ủy TPHCM chia sẻ, trong gần 2 năm qua, đại dịch Covid-19 đã tàn phá nặng nề tới trên 200 quốc gia, vùng lãnh thổ với mức độ thiệt hại khác nhau. TPHCM không may trở thành tâm dịch với mức độ căng thẳng nhất.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên gửi lời cảm ơn đến lực lượng chi viện thành phố (Ảnh: Hải Long).
"Trong thời điểm các lực lượng tuyến đầu thành phố đã chiến đấu hết sức, hết khả năng. Sự xuất hiện của lực lượng chi viện từ mọi miền như những người lính cảm tử, kịp thời chia lửa cùng đồng đội đang phải oằn mình chống dịch" - Bí thư Thành ủy TPHCM nhận định.
Người đứng đầu Đảng bộ thành phố cho rằng, trước khi bước vào "cuộc chiến", có thể nhiều người chưa hình dung được rõ mức độ khốc liệt của đại dịch. Khoảng thời gian qua, những vất vả, cam go, đau đớn của các lực lượng đã chạm sâu vào trái tim trắc ẩn của nhiều người.
Bí thư Nguyễn Văn Nên nhắc lại, thời gian qua, người dân đã quen với hình ảnh người lính đi chợ hộ, các bác sĩ quân y, dân y, sinh viên y khoa đều giống nhau trong bộ đồ bảo hộ.
"Chắc chắn năm tháng sẽ đi qua, những cam go, khốc liệt, đau khổ do đại dịch sẽ dịu dần. Nhưng, những hình ảnh cao đẹp của chiến sĩ tuyến đầu, các lực lượng chi viện TPHCM trong những ngày khó khăn, khốc liệt sẽ được lưu giữ mãi" - Bí thư Thành ủy TPHCM nhấn mạnh.
Người dân TPHCM đã quen với hình ảnh những chiến sĩ quân đội đi chợ giúp dân (Ảnh: Nguyễn Quang).
Đến nay, những hy sinh, cống hiến thầm lặng của các lực lượng chi viện đã góp phần cùng Đảng bộ, nhân dân TPHCM làm ra những kết quả đáng trân trọng. Trong đó, số người mắc Covid-19, bệnh nhân nặng và đặc biệt là số ca tử vong đã được kéo giảm.
Những kết quả này là tiền đề giúp thành phố kiểm soát được dịch Covid-19, từng bước chuẩn bị cho giai đoạn bình thường mới.
Bí thư Nguyễn Văn Nên cũng chia sẻ, đến nay, sự nguy hiểm của biến chủng Delta và những biến chủng SARS-CoV-2 mới vẫn chưa thể đoán định. Tuy nhiên, dịch bệnh chắc chắn chưa kết thúc, thành phố không được chủ quan trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
"Chúng ta sẽ giữ mãi kỷ niệm đẹp về những ngày tháng bi hùng vừa qua của thành phố. Chúng tôi trân trọng mời các bạn trở lại thành phố lần sau với tư cách những vị khách quý, những ân nhân của mình" - Bí thư Thành ủy TPHCM tri ân lực lượng chi viện cho địa bàn chống dịch.
Những ngày căng thẳng nhất của TPHCM
Báo cáo kết quả phòng, chống dịch của địa bàn suốt thời gian qua, ông Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TPHCM - thuật lại đại dịch Covid-19 do biến chủng Delta bùng phát trên địa bàn bắt đầu từ những ngày cuối tháng 4, tính đến nay toàn địa bàn đã ghi nhận hơn 400.000 bệnh nhân mắc Covid-19.
Trong thời gian đầu tháng 5, chỉ số lây nhiễm trong cộng đồng của các quận, huyện, thành phố Thủ Đức đều ở cấp độ 1 (dưới 20 ca mắc/100.000 dân/tuần). Chỉ sau 4 tuần, chỉ số lây nhiễm đã chuyển sang cấp độ 2 (từ 20 đến dưới 50 ca mắc/100.000 dân/tuần), số ca mắc trong tuần tăng nhanh từ 1.674 ca/tuần lên 3.317 ca/tuần, tử vong tăng từ 7 ca/tuần lên 20 ca/tuần.
TPHCM đã tặng bằng khen cho 55 tập thể và 119 cá nhân hỗ trợ thành phố chống dịch (Ảnh: Hải Long).
Giai đoạn này, thành phố đã thành lập 2 bệnh viện dã chiến (900 giường) và chuyển công năng của 9 bệnh viện trở thành bệnh viện chuyên điều trị Covid-19 (4.238 giường).
Đến ngày 7/7, chỉ số lây nhiễm trong cộng đồng đã chuyển sang cấp độ 3, đây cũng là thời điểm dịch bùng phát mạnh nhất với số ca tăng cao tại hầu hết địa phương trong thành phố. Số ca mắc mới mỗi ngày vượt con số 3.000 ca/ngày.
Ngày 16/7, tình trạng dịch của Covid-19 của thành phố tiếp tục chuyển sang cấp độ 4, số ca nhập viện tăng nhanh từ 3.317 ca/tuần lên đến 11.069 ca/tuần, số ca tử vong tăng nhanh mỗi ngày. Ở giai đoạn này, dù thành phố đã liên tục thành lập thêm các bệnh viện dã chiến, chuyển công năng hàng loạt bệnh viện, các cơ sở y tế đều trong tình trạng quá tải.
Trong vòng một tháng sau đó, TPHCM tiếp tục thành lập thêm các bệnh viện dã chiến và đầu tư khẩn cấp bổ sung thêm nguồn oxy cho các bệnh viện.
"Có thể nói, suốt gần 2 tháng từ 15/7 đến 15/9, cả thành phố đã trải qua những ngày khó khăn đỉnh điểm của dịch bệnh. Những tín hiệu khả quan chỉ xuất hiện từ khoảng giữa tháng 9 đến nay" - ông Tăng Chí Thượng chia sẻ.
Lãnh đạo TPHCM trao bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc phòng, chống dịch (Ảnh: Hải Long).
Cũng trong 2 tháng khó khăn ấy, TPHCM đã nhận được sự hỗ trợ nguồn nhân lực y tế từ 132 đơn vị gồm các bệnh viện Bộ ngành, Trung ương, các Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các trường Đại học, Cao đẳng trung ương, tỉnh, thành phố và Học Viện Quân y, các lực lượng chiến sĩ của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các lực lượng khác cùng tham gia các hoạt động phòng, chống dịch, chăm lo an sinh xã hội cho người dân trên đại bàn thành phố.
Tính đến hết tháng 9, tổng lực lượng tham gia phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn lên đến 187.275 người. Trong đó, lực lượng tham gia hỗ trợ là 28.989 người.
"Chính nhờ sự hỗ trợ kịp thời nguồn nhân lực y tế trên cả nước, ngành Y tế thành phố đã triển khai hiệu quả đồng thời '2 mũi giáp công' là triển khai mô hình điều trị 3 tầng và tập trung điều trị từ tuyến cơ sở" - Giám đốc Sở Y tế TPHCM ghi nhận.
Quang Huy