Hàng trăm người dân tự phát đi xe máy về các tỉnh miền Tây bị công an dừng lại, yêu cầu quay đầu. Sự việc gây ùn ứ quốc lộ 1 ở cửa ngõ TPHCM đêm 30/9, trong dòng người có những bà bầu và trẻ nhỏ.
Khuya 30/9, hàng trăm người dân đi xe máy xếp hàng dài trên quốc lộ 1, đoạn qua giao lộ Bùi Thanh Khiết (huyện Bình Chánh, TPHCM) để chờ xin lực lượng chức năng cho về quê ở miền Tây.
Họ dừng xe, liên tục hô lớn để mong lực lượng xả chốt.
Hàng trăm người dân xếp hàng xin qua chốt để về quê
Ẵm con trai 20 ngày tuổi trên tay đang ngủ say, chị Trần Thị Thùy Trang (23 tuổi) cho biết, vợ chồng nghĩ thành phố dỡ các chốt kiểm soát thì người dân được về quê nên trả phòng trọ, lấy xe máy chở con về Hậu Giang.
Hàng trăm người dân xếp hàng trước chốt kiểm soát (Ảnh: Hoàng Thuận).
Chị Trang mệt mỏi vì đợi nhiều tiếng mà không được đi qua chốt (Ảnh: Hoàng Thuận).
Đến giao lộ trên, gia đình nhỏ của chị Trang cùng hàng trăm người dân khác bị kẹt lại vì chưa thể rời thành phố theo Chỉ thị của UBND TPHCM.
"Tôi đăng kí từ lúc có bầu cho đến khi đẻ mà cũng chưa được về quê nữa. Tôi đi đẻ phải xin tiền từng đồng, từng cắc. Mình đâu thể xin tiền hoài được. Không làm ra tiền mà phải lo tiền mua sữa, tã, tiền ăn uống, tiền phòng trọ nữa. Có hôm vợ chồng tôi phải ăn cơm với nước tương" - chị Trang chia sẻ.
Hơn 6 tiếng mắc kẹt tại đây, chị Trang được công an và người dân địa phương hỗ trợ nước uống, cơm hộp và sữa.
Xung quanh chị là những tiếng hô lớn với mong muốn lực lượng chức năng xả chốt. Chị Trang đứng cách xa đám đông, liên tục đu đưa cánh tay để con không thức giấc.
"Bây giờ tôi chỉ mong được đi về quê. Tôi nói với mấy anh trực chốt là về dưới tôi đi cách ly liền mà họ cũng không chịu" - chị Trang buồn rầu nói.
Người dân lỉnh kỉnh đồ đạc trên xe (Ảnh: Hoàng Thuận).
Cặp vợ chồng và em bé bị mắc kẹt giữa dòng phương tiện (Ảnh: Hoàng Thuận).
Ngồi bệt trước nhà dân bên đường, anh Trần Tám Đại (35 tuổi, quê Sóc Trăng) duỗi thẳng một chân để làm gối cho người vợ mang bầu gần 8 tháng nằm nghỉ mệt vì mắc kẹt nhiều giờ.
Anh Đại cho biết, anh đăng kí về quê 2 lần nhưng không có kết quả. Hôm nay xin được giấy đi đường nên chở vợ về quê vì sắp sinh em bé.
Anh Đại duỗi chân làm gối cho vợ nằm nghỉ mệt (Ảnh: Hoàng Thuận).
"Hơn một tháng nữa vợ tôi sinh rồi mà ở trên này không làm gì ra tiền. Bây giờ mà quay lại phòng trọ thì phải trả 3 triệu tiền thuê, một triệu tiền đặt cọc mà trong túi hai vợ chồng chỉ còn vài đồng" - anh Đại lo lắng.
Do không còn tiền để cầm cự, anh Nguyễn Hoàng Phương (25 tuổi, quê Sóc Trăng) cũng chở vợ và con gái đi từ quận 7 để về quê. Như nhiều người khác, vợ chồng anh Phương bị kẹt lại vì không thể đi qua chốt kiểm soát.
"Tôi làm phụ hồ, dịch bệnh các công trình nghỉ nên cũng chẳng làm gì ra tiền. Gia đình dưới quê phải gửi tiền lên để lo cho vợ và con nhỏ" - anh Phương cho hay.
Ngồi trên xe máy lỉnh kỉnh đồ dùng cá nhân, anh Nguyễn Văn An (22 tuổi, quê Sóc Trăng) nói làm nghề tự do và gần 4 tháng nay đã mất việc, không còn tiền để đóng trọ, mua đồ ăn.
Anh An chất hết đồ dùng cá nhân trên xe để về quê (Ảnh: Hoàng Thuận).
Xe máy xếp hàng dài hơn 200 m (Ảnh: Hoàng Thuận).
Sáng 30/9, anh An vào Bệnh viện Nhi Đồng làm xét nghiệm PCR rồi gom hết đồ đạc chất lên xe máy đi về quê. Bị chốt kiểm soát trên tuyến đường dẫn cao tốc chặn lại, An chuyển lộ trình sang quốc lộ 1 và bị mắc kẹt tại giao lộ Bùi Thanh Khiết.
"Tiền tích cóp từ mấy tháng trước giờ xài hết rồi. Không có tiền trả tiền trọ, mua đồ ăn nên phải về quê thôi, chứ ở lại không chịu nổi" - anh An chia sẻ.
Theo ghi nhận của phóng viên, hàng trăm người dân lỉnh kỉnh đồ đạc xếp hàng dài trước chốt kiểm soát với hi vọng lực lượng chức năng xả chốt để được về quê.
Trong khi đó, lực lượng làm nhiệm vụ liên tục phát loa đề nghị người dân quay trở về nơi xuất phát để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Hàng trăm người dân tự phát đi xe máy về quê khi TPHCM vừa nới lỏng giãn cách xã hội (Ảnh: Hoàng Thuận).
Trao đổi với PV Dân trí qua điện thoại, ông Đào Gia Vượng - Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh - cho biết ông đang có mặt tại hiện trường để xử lý sự việc nên chưa thể trả lời câu hỏi của phóng viên về phương án bố trí chỗ ở tạm, hoặc tạo điều kiện cho người dân tiếp tục về quê.
Hoàng Thuận