Vì sao mâu thuẫn giữa người dân với dự án điện gió "căng như dây đàn"?

Từ giữa tháng 9, liên tục xảy ra xô xát giữa cư dân Đắk Nông và người của dự án điện gió. Mới đây, tối 28/9, đã có một số người phải nhập viện vì mâu thuẫn được giải quyết bằng… bạo lực.

Yêu cầu đền bù thỏa đáng

Theo người dân địa phương, hôm 19/9, ông Dương Văn Chương dựng 4 cây tre cao khoảng 10 m quanh nhà, hàng quán của gia đình ở bản Đắk Thốt, xã Thuận Hà, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông. Các cây tre đều dựng trong phần đất của ông Chương nhưng khi xe chở cánh quạt điện gió chạy đến đều bị vướng, không qua được.

Theo ông Chương, đồng bào Dao có phong tục là không để vật gì đi qua nhà có bàn thờ tổ tiên. Thế nhưng, đơn vị vận chuyển cánh quạt điện gió lại đưa cánh quạt qua nhà, gây nguy hiểm và phạm vào điều kiêng kỵ.

Ông Chương dựng tre lên để các thiết bị điện gió không đi qua nóc nhà, đồng thời yêu cầu chủ đầu tư dự án điện gió hỗ trợ 200 triệu đồng nếu hạ xuống.

Do chưa thống nhất được đền bù nên giữa gia đình và chủ đầu tư luôn ở trạng thái căng thẳng, phải nhờ chính quyền địa phương giải quyết.

Vì sao mâu thuẫn giữa người dân với dự án điện gió căng như dây đàn? - 1

Một thân tre được người dân dựng gần đường vận chuyển thiết bị điện gió (Ảnh: Đoàn Thị Tốt).

Tương tự, chị Nguyễn Thị Kim Nhung (thôn Thuận Bắc, xã Thuận Hạnh, huyện Đắk Song) có một phần diện tích đất nằm hai bên đường dẫn vào trụ điện gió số 48, 49 thuộc Dự án điện gió Đắk N'Drung 1,2,3.

Con đường có độ dốc lớn nên nước mưa từ trên cao đổ dồn vào phần đất này,  khiến đất bị ngập. Chị Nhung đề nghị được hỗ trợ nhưng cả hai bên cũng chưa thống nhất được mức tiền.

"Gia đình chúng tôi đã kiểm kê tài sản, trị giá khoảng 1,2 tỷ đồng nhưng chỉ đề nghị hỗ trợ 500 triệu đồng. Tối 28/9, tôi cùng một số hộ dân khác đã chặn đường, không cho xe chở thiết bị điện gió vào để chờ đền bù. Trong quá trình ngăn cản, nhiều người của dự án đã tấn công chúng tôi" - chị Nhung kể lại.

Vì sao mâu thuẫn giữa người dân với dự án điện gió căng như dây đàn? - 2

Một người dân xã Thuận Hạnh bị đánh vào tối ngày 28/9 (Ảnh: Người dân cung cấp).

Theo UBND xã Thuận Hà và xã Thuận Hạnh (Đắk Song), thời gian gần đây, liên tục xảy ra xô xát giữa người của dự án điện gió với cư dân sống gần dự án.

Người dân dùng vật cản chặn đường vận chuyển thiết bị, trong khi đó một số đối tượng khác lại tấn công, hành hung người dân.

Bà Đoàn Thị Tốt - Chủ tịch UBND xã Thuận Hạnh - cho hay, nguyên nhân của việc ngăn cản chủ yếu là đòi bồi thường, hỗ trợ. "Người dân trên địa bàn xã yêu cầu được bồi thường thỏa đáng" - bà Tốt nói.

Vì sao mâu thuẫn giữa người dân với dự án điện gió căng như dây đàn? - 3

Hình ảnh nhóm đối tượng lạ mặt tấn công người dân sống gần dự án điện gió (Ảnh: Người dân cung cấp).

Chủ đầu tư áp lực tiến độ?

Chiều 20/9, ông Lê Trọng Yên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông - đã trực tiếp đến làm việc tại một số "điểm nóng" mâu thuẫn giữa người dân và dự án điện gió, trong đó có gia đình ông Chương.

Sau khi được lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông vận động, ông Chương đã đồng ý tháo dỡ các cây tre và chỉ yêu cầu một số tiền để làm lễ cúng bái theo phong tục.

Trả lời PV Dân trí, ông Lê Trọng Yên- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông - khẳng định: "Quan điểm của tỉnh là đảm bảo quyền lợi của người dân cũng như giữ vững an ninh, trật tự. Ai sai sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Chúng tôi đã khẩn trương chỉ đạo xử lý để sớm có kết quả".

Vì sao mâu thuẫn giữa người dân với dự án điện gió căng như dây đàn? - 4

Sau khi được vận động, ông Chương đã đồng ý hạ cây tre xuống (Ảnh: Đặng Dương).

Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Đắk Nông ngày 23/9, ông Nguyễn Vũ Tuấn, đại diện Chủ đầu tư dự án điện gió Đắk N'Drung 1,2,3 cho biết, dự án có 81 trụ tuabin điện gió. Đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có 33 trụ tuabin đã thi công, các trụ còn lại phải tạm dừng vì chưa giải quyết xong thỏa thuận với người dân.

Ông Tuấn thừa nhận doanh nghiệp muốn đẩy nhanh tiến độ nên đã chủ động thỏa thuận với người dân để nhận quyền sử dụng đất. Do việc thỏa thuận gấp rút nên giá đền bù giữa các hộ cũng có sự chênh lệch. Một số người dân biết được việc này nên đã đòi quyền lợi.

"Chúng tôi không nghĩ đến việc người dân sẽ có nhiều cách ngăn cản vận chuyển, thi công như vậy" - ông Tuấn cho hay.

Vì sao mâu thuẫn giữa người dân với dự án điện gió căng như dây đàn? - 5

Xe chở thiết bị điện gió bị "tắc" vì người dân ngăn cản không cho di chuyển tiếp (Ảnh: Đặng Dương).

Trước việc một số hộ dân sống gần dự án điện gió bị tấn công, gây mất an ninh trật tự, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo Công an huyện Đắk Song khẩn trương điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm trong vụ việc.

Hiện cơ quan công an triệu tập một số đối tượng do liên quan đến các vụ xô xát này.

Theo ông Hồ Văn Mười - Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, việc phát triển năng lượng điện gió đã được Trung ương phê duyệt, có ý nghĩa quan trọng đối với kinh tế - xã hội của tỉnh.

Quan điểm của tỉnh Đắk Nông là ủng hộ việc phát triển, nhưng phải bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.

Ông Mười đề nghị, chủ đầu tư nhanh chóng hoàn tất đầy đủ các thủ tục pháp lý của dự án và tuyệt đối không được vì áp lực tiến độ mà thuê các đối tượng xấu đến gây hấn, tấn công người dân. Đồng thời, UBND huyện Đắk Song và chủ đầu tư phải phối hợp chặt chẽ trong việc tuyên truyền, vận động người dân.

Đặng Dương

Mới hơn Cũ hơn