Theo đề xuất của Sở Giao thông vận tải (GTVT), thành phố sẽ tiến hành đưa người lao động từ các tỉnh, thành quay lại địa bàn bằng đường bộ từ ngày 1/10.
Ngày 24/9, Sở GTVT TPHCM có văn bản khẩn gửi UBND thành phố về phương án phối hợp vận chuyển người lao động từ các tỉnh, thành về lại địa bàn làm việc trong thời gian khôi phục hoạt động kinh tế.
Những người được vận chuyển về TPHCM là người lao động từ các địa phương khác có nhu cầu về lại thành phố. Để trở lại làm việc và sinh sống tại TPHCM, người lao động cần đáp ứng một số yêu cầu nhất định.
Cụ thể, người lao động cần có kế hoạch làm việc được các doanh nghiệp, hợp tác xã xác nhận bằng văn bản hoặc gửi thông báo. Người có nhu cầu quay lại thành phố cần tiêm ít nhất một mũi vắc xin Covid-19, đã qua 14 ngày kể từ khi tiêm mũi cuối cùng, hoặc có xác nhận đã khỏi bệnh Covid-19.
Sở GTVT đề xuất các phương án vận chuyển bằng đường bộ đối với người lao động có nhu cầu quay lại TPHCM.
Ngoài ra, những đối tượng này cần có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính còn hiệu lực và được UBND tỉnh, thành phố nơi cư trú cho phép di chuyển.
Đối với việc vận chuyển người lao động bằng đường bộ, Sở GTVT TPHCM đề xuất 3 phương thức:
Phương thức một:
Đơn vị sử dụng lao động tự tổ chức. Những đơn vị có nhu cầu gửi phương án vận chuyển đến cơ quan đầu mối là UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức, Ban Quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, ban quản lý dự án, tổng công ty. Đơn vị đầy mối sẽ tổng hợp gửi Sở GTVT TPHCM để xem xét, tổ chức triển khai.
Phương án vận chuyển đối với phương thức này là xe ô tô trên 10 chỗ có đăng ký kinh doanh. Sở GTVT sẽ cấp giấy nhận diện có mã QR cho phương tiện, thông báo đến các tỉnh thành phố về kế hoạch vận chuyển.
Chi phí vận chuyển đối với phương thức này sẽ do đơn vị sử dụng lao động tự chi trả hoặc thỏa thuận với người lao động.
Phương thức 2:
Ban Quản lý Khu chế xuất và công nghiệp, Ban Quản lý khu công nghệ cao làm đầu mối tổng hợp nhu cầu của các đơn vị đang hoạt động trong các khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao và phối hợp với đơn vị vận chuyển lên kế hoạch.
Chi phí vận chuyển đối với phương thức này sẽ do đơn vị sử dụng lao động chi trả hoặc thỏa thuận với người lao động.
TPHCM lên phương án dự kiến đưa người dân từ các tỉnh, thành quay lại (Ảnh: Hữu Khoa).
Phương thức 3:
Tổ chức tuyến vận tải hành khách cố định xuất phát từ bến xe khách liên tỉnh của các tỉnh, thành phố đến Bến xe Miền Đông và Bến xe Miền Tây. Tần suất tối đa đối với phương thức này là 4 chuyến/ngày/tuyến.
Chi phí vận chuyển đối với phương thức này được tính theo giá vé doanh nghiệp kê khai, niêm yết phù hợp quy định.
Về thời gian triển khai, Sở GTVT đề xuất trong giai đoạn một từ ngày 1/10 đến ngày 31/10, thành phố sẽ triển khai tổ chức vận chuyển bằng đường bộ theo phương thức một và hai.
Đối với giai đoạn 2, từ ngày 1/11 trở đi, thành phố sẽ áp dụng cả 3 phương thức trên.
Ngoài ra, đối với phương án đón người lao động về lại thành phố bằng đường sắt và đường hàng không, Sở GTVT đề xuất thực hiện theo kế hoạch, phương án của Bộ GTVT để đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 và phù hợp với nhu cầu các địa phương nơi đi, nơi đến.
Sở GTVT cũng yêu cầu các doanh nghiệp, phương tiện, người điều khiển, người phục vụ phải đáp ứng Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động giao thông vận tải an toàn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 đã được ban hành. Người ngồi trên phương tiện phải đeo khẩu trang, thực hiện rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, được kiểm tra y tế trước khi lên phương tiện và khai báo y tế theo quy định.
Bên cạnh đó, người tổ chức vận chuyển bằng ô tô phải quy định cụ thể danh sách xe, vị trí người ngồi trên xe để đảm bảo công tác truy vết khi có xảy ra tình huống dịch tễ liên quan Covid-19. Trong suốt hành trình, các phương tiện chỉ được phép dừng tại trạm nghỉ để đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch.
Quang Huy