Các chuyên gia cùng chung nhận định, thành phố đã có đủ cơ sở để tính toán đến việc mở cửa trở lại.
Sáng 17/9, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM, cùng ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND thành phố, tham dự hội nghị lắng nghe ý kiến chuyên gia về vấn đề phục hồi kinh tế sau khi kiểm soát dịch Covid-19. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh thành phố đang từng bước kiểm soát được dịch bệnh và đang chuẩn bị bước đầu cho việc mở lại các hoạt động, tiến tới trạng thái "bình thường mới".
Tại hội nghị, hầu hết chuyên gia đều cùng chung nhận định, việc từng bước mở lại các hoạt động là hướng đi đúng đắn của TPHCM hiện tại. Thành phố cần xác định tâm thế, chiến lược với việc sống chung với Covid-19 trong lâu dài và cần cân đối, tránh tổn thất quá nhiều nguồn lực cho một giai đoạn ngắn hạn.
"Một điểm thống nhất là sức chịu đựng của xã hội nay đã đến giới hạn, sức chịu đựng của nền kinh tế cũng đã bị tổn thương, cần phục hồi sớm", Bí thư Thành ủy TPHCM nhận định.
Lãnh đạo Thành ủy và UBND TPHCM tại hội nghị.
Loại bỏ tâm lý "đánh nhanh, thắng nhanh"
Tại hội nghị, PGS.TS. Đỗ Văn Dũng (Đại học Y dược TPHCM) nhận định, việc sống chung với Covid-19 là vấn đề tất yếu của thành phố và cả những nơi khác. Thành phố nên xác định công tác phòng, chống dịch bệnh là "cuộc chiến" lâu dài, chứ không nên đặt mục tiêu chấm dứt dịch bệnh trong quãng thời gian ngắn.
"Khi quét sạch được Covid-19 trong đợt này cũng không thể đảm bảo dịch không đến thêm lần nữa. Thành phố không nên tốn quá nhiều sức lực trong một thời gian ngắn, tránh dẫn đến kiệt quệ", ông Đỗ Văn Dũng nêu quan điểm.
Chuyên gia cho rằng, thành phố không nên tốn quá nhiều sức lực trong một thời gian ngắn, tránh dẫn đến kiệt quệ.
Từ nhận định trên, PGS.TS. Đỗ Văn Dũng đề xuất thành phố nên thay đổi chiến lược từ "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, thắng chắc". Theo ông, việc dập dịch Covid-19 là việc cần làm, nhưng không phải trong ngắn hạn mà là cả quá trình, cả chặng đường dài.
Vị chuyên gia cũng đề xuất ngành y tế không nên tiếp tục xét nghiệm, truy vết trên diện rộng bởi với đặc thù của TPHCM, công tác này sẽ rất tốn kém. Thay vào đó, địa phương cần tập trung xét nghiệm cho những người có nguy cơ cao lây nhiễm, những người có bệnh lý, triệu chứng nhiễm SARS-CoV-2.
Đối với câu hỏi "thành phố có nên mở cửa lại không?", ông Đỗ Văn Dũng cho rằng, qua đánh giá tổng thể, thành phố cần tính toán khôi phục kinh tế từng phần. Chuyên gia của Đại học Y dược TPHCM dẫn chứng, một số nước trên thế giới đóng cửa thời gian dài, gây nhiều ảnh hưởng đến tâm lý, thể chất người dân và thiệt hại cho nền kinh tế.
TPHCM cần từng bước mở cửa lại để tránh những thiệt hại cho nền kinh tế.
Hiện tại, thành phố đã đáp ứng các điều kiện về y tế, tiêm chủng vắc xin Covid-19 để từng bước mở lại các hoạt động. Chuyên gia hiến kế, việc mở cửa cần có lộ trình cụ thể, có thể hạn chế giao lưu, tiếp xúc trong thời gian đầu nhưng đảm bảo hoạt động của các dịch vụ thiết yếu khi đảm bảo các quy định phòng, chống dịch
"Cá nhân tôi thấy, thành phố đã đáp ứng được các điều kiện về y tế để mở cửa lại. Nếu không mạnh dạn mở cửa, ngân sách thành phố sẽ thiệt hại rất nhiều", PGS.TS. Đỗ Văn Dũng nhìn nhận.
TPHCM đã đủ những điều kiện cơ bản
Tại hội nghị, các chuyên gia về lĩnh vực y tế cùng nhìn nhận, thời gian qua, thành phố đã có những kết quả ban đầu khả quan để tạo tiền đề cho việc từng bước mở cửa, khôi phục nền kinh tế.
Bác sĩ Lê Trường Giang, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, dẫn chứng thời gian gần đây, số ca tử vong do Covid-19 liên tục giảm. Điều đó thể hiện cho việc hệ thống điều trị đã được nâng cấp, cải thiện so với quãng thời gian đầu.
Ngành y TPHCM đã đảm bảo những điều kiện cơ bản cho việc mở lại các hoạt động.
Bên cạnh đó, thành phố đã có đủ công cụ là vắc xin Covid-19 và thuốc điều trị. Thuốc kháng virus đang bước đầu tạo ra những hiệu quả nhất định, một số cơ sở cũng từng bước nghiên cứu các loại thuốc đông y trong điều trị Covid-19.
Nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho rằng, với việc sự đáp ứng của ngành y đảm bảo năng lực, cộng với yếu tố vắc xin, thuốc điều trị, thành phố đã đủ điều kiện để mở cửa một cách an toàn.
PGS.TS. Đỗ Văn Dũng cũng đánh giá, thành phố đã đạt được nhiều thành quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Ngành y TPHCM đảm bảo tiêm chủng vắc xin Covid-19 cho người có nguy cơ cao, có bệnh nền.
"Trong thời gian đầu, chúng ta còn có sự bối rối một số nơi, một số lúc. Tuy nhiên, thành phố đã giải quyết được những vấn đề tồn tại", ông Đỗ Văn Dũng nhìn nhận.
Ông Đỗ Văn Dũng điểm lại, trong công tác điều trị, mô hình chăm sóc F0 tại nhà, đảm bảo cấp phát thuốc, cung cấp oxy cho người bệnh đã góp phần kéo giảm số bệnh nhân Covid-19 tử vong trên địa bàn.
PGS Vũ Minh Phúc, Đại học Y Dược TPHCM, chia sẻ khi địa bàn mở cửa lại, số ca F0 có thể sẽ tăng lên. Tuy nhiên, khả năng truy vết, xét nghiệm của TPHCM có thể đáp ứng được trong bối cảnh này.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, hiện tại, dịch bệnh tại TPHCM có nhiều dấu hiệu thuyên giảm. Minh chứng rõ nét nhất là số bệnh nhân Covid-19 tử vong đang trên đà giảm nhiều ngày qua.
Sức chịu đựng của nền kinh tế đã tổn thương
Kết luận tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM, đánh giá tất cả ý kiến trong hội nghị đều cho rằng, dịch Covid-19 không thể loại được hoàn toàn ra khỏi cộng đồng thời điểm này. Thành phố đã chuẩn bị các điều kiện tương đối đảm bảo để vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.
Trong đó, sự chấp hành, ủng hộ, đồng cam cộng khổ, thắt lưng buộc bụng của người dân là một trong những yếu tố quan trọng để thành phố vượt qua giai đoạn tới.
"Một điểm thống nhất là sức chịu đựng của xã hội, sức chịu đựng của nền kinh tế cũng đã bị tổn thương, cần phục hồi sớm", ông Nguyễn Văn Nên nhìn nhận.
Bí thư Thành ủy TPHCM cho rằng nền kinh tế của địa bàn cần sớm phục hồi.
Trong thời gian sắp tới, Bí thư Thành ủy TPHCM cho rằng, điều thành phố cần tập trung là cải thiện hệ thống y tế dự phòng. Ông Nên nhìn nhận, hệ thống dự phòng của thành phố còn một số chuệch choạc nhất định.
Ngoài ra, chiến lược y tế phải quy định rõ các bước khi phát hiện F0 trong cộng đồng. Việc đóng cửa cả đơn vị khi phát hiện F0 chỉ phù hợp với giai đoạn trước đây, thành phố cần tìm cách ứng phó phù hợp trong tình hình mới.
Đối với vấn đề an sinh xã hội, Bí thư TPHCM đề nghị các đơn vị cần có chiến lược rõ ràng, cụ thể. Người đứng đầu Đảng bộ thành phố kể lại, thời gian qua, có quận 700.000 dân nhưng danh sách gửi lên đến hơn 600.000 người cần hỗ trợ.
Việc giãn cách kéo dài đã khiến nhiều người mất việc, phát sinh nhiều vấn đề. Ông Nguyễn Văn Nên cho rằng, về lâu dài, thành phố cần tính toán đến các chiến lược về di dân, xây dựng nhà ở xã hội.
Quang Huy