"Đã đến lúc cần mạnh dạn đưa ra những quyết định nhanh hơn dựa trên nền tảng phân tích dữ liệu, chấp nhận thử để tìm được điểm cân bằng giữa khôi phục các hoạt động KTXH và phòng, chống dịch".
(Dân trí) - Để TPHCM không có ca nhiễm nào, chi phí xã hội quá lớn. Nhưng nếu thả lỏng hoàn toàn, có quá nhiều ca nhiễm, hậu quả, gánh nặng cho xã hội cũng rất lớn. Vì vậy, phải tìm ra điểm cân bằng ở giữa hai thái cực đó, cả hai chính sách "Zero-Covid" và thả lỏng hoàn toàn đều không phù hợp.
Trong cuộc trò chuyện với Dân trí, TS Huỳnh Thế Du, giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam, nhấn mạnh đã đến lúc TPHCM cần mạnh dạn đưa ra những quyết định nhanh hơn dựa trên nền tảng phân tích dữ liệu, chấp nhận thử để tìm được điểm cân bằng giữa việc khôi phục các hoạt động kinh tế xã hội và phòng, chống dịch.
- Theo ông, đâu là vấn đề mấu chốt trong quá trình mở cửa lại TPHCM?
Theo quan sát của tôi, vấn đề là chiến lược, cách thức ứng phó với dịch bệnh đôi lúc chưa thống nhất. Cách tiếp cận ban đầu là "Zero-Covid" (không có ca Covid-19 trong cộng đồng), hiện tại đã chuyển sang sống chung với Covid-19.
TS Huỳnh Thế Du, Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam (Ảnh: NV).
Nguyên tắc cơ bản của việc chống dịch bệnh hiểu đơn giản là giúp tổng thiệt hại của xã hội ở mức thấp nhất, chứ không chỉ số ca tử vong vì Covid-19 thấp nhất. Khi nhìn theo cách này, vấn đề sẽ rất tường minh.
Khi chúng ta chống dịch càng chặt chẽ, khắt khe, số người nhiễm Covid-19 sẽ giảm, số người thiệt mạng vì Covid-19 cũng giảm theo. Nhưng khi đóng cửa các hoạt động xã hội, vô hình trung hoạt động y tế cho những bệnh nhân khác ngoài Covid-19 có thể bị ảnh hưởng, dẫn đến họ có thể không được quan tâm, chăm sóc đúng mức.
Nếu cứu được một người không bị thiệt mạng vì Covid-19, nhưng có 2 người tử vong vì các loại bệnh khác, như vậy chi phí sẽ lớn hơn lợi ích. Đây chỉ là ví dụ về y tế, còn nhìn rộng ra, rõ ràng khi đóng cửa các hoạt động, kinh tế bị đình trệ, cả xã hội thiệt hại.
Khi nhìn vào điểm cân bằng, vấn đề sẽ rất tường minh, sẽ không có các thái cực đóng hoặc mở. Khi các chính sách được đưa ra, đương nhiên không ai biết được điểm cân bằng ở đâu. Chúng ta cần chấp nhận quá trình thử nghiệm, thay vì giảm tốc hoặc dừng ga đột ngột, chuyển từ thái cực này sang thái cực khác.
Ví dụ, khi hạn chế các hoạt động kinh tế xã hội về mức tối thiểu, số ca F0 giảm nhưng kinh tế bị ảnh hưởng nặng, nên cần nới lỏng để tình hình cân bằng trở lại. Với cơ chế chuyển mạch tự động, mọi thứ sẽ rõ ràng hơn so với cách chỉ có hai thái cực đóng hoặc mở.
Theo tôi, một số địa phương có thể vẫn duy trì được cách tiếp cận "Zero-Covid" nhưng TPHCM thì không thể, và tổng thể cả nước cũng như vậy.
Để đưa ra chính sách, cần xác định một cách rõ ràng tổng chi phí và tổng lợi ích xã hội. Để TPHCM không có ca nhiễm nào, chi phí xã hội rất lớn. Nhưng nếu thả lỏng hoàn toàn, có quá nhiều ca nhiễm, hậu quả, gánh nặng cho xã hội cũng rất lớn. Vì vậy, phải tìm ra điểm cân bằng ở giữa hai thái cực đó. Cả hai chính sách "Zero-Covid" và thả lỏng hoàn toàn đều không phù hợp.
TPHCM đã trải qua nhiều cấp độ giãn cách xã hội trong gần 4 tháng từ 31/5 đến nay (Ảnh: Hữu Khoa).
- Làm thế nào để TPHCM tìm ra điểm cân bằng khi thực hiện chính sách mở cửa?
TPHCM không thể tìm ra ngay điểm cân bằng mà phải qua quá trình tính toán, thử và sai. Tình trạng hiện nay rõ ràng không có gì chắc chắn, nên TPHCM cần lộ trình mở cửa từ từ, dần dần từng hoạt động theo kiểu "bóc hành".
Nền kinh tế có rất nhiều lớp, rất nhiều hoạt động như các lớp của một củ hành. Chúng ta nên xem nền kinh tế như vậy, mở cửa dần dần từng lớp, từ những hoạt động thiết yếu nhất đối với xã hội, kinh tế, ít rủi ro rồi nới lỏng dần ra.
Thay vì đặt ra một mốc thời gian cụ thể hay chờ khoảng thời gian 2 tuần để mở cửa lại, Thành phố có thể ra những quyết định nhỏ hơn rồi đánh giá tình hình. Ví dụ hôm nay mở lại chợ, sau khi theo dõi, đánh giá trong một khoảng thời gian, nếu tình hình tốt lên có thể tiếp tục mở thêm một số hoạt động khác. Ngược lại, nếu tình hình dịch bệnh nghiêm trọng hơn, Thành phố lại giảm số hoạt động được mở cửa.
Trong khi đó, nếu cứ hẹn thời gian 2 tuần, người dân có tâm lý kỳ vọng rất lớn nhưng đến hết mốc đó Thành phố vẫn tiếp tục đóng cửa, tâm lý sẽ rất mệt mỏi, căng thẳng. Thực tế, TPHCM đã nhiều lần hy vọng kiểm soát được dịch trong tháng 6, tháng 7, tháng 8 nhưng thực tế chưa được như kỳ vọng làm cho cả xã hội hết sức căng thẳng.
Cách làm trên giống như trị thủy, điều tiết lưu lượng nước tăng hay giảm để cho dòng chảy hợp lý nhất thay vì đóng, mở van một cách cực đoan. TPHCM vừa qua bắt đầu nới lỏng giãn cách ở một số khu vực, cho quán ăn mở cửa bán mang về rồi tiếp tục đánh giá tình hình để ra quyết định tiếp theo là cách tiếp cận hợp lý.
Nếu chúng ta mở hết hay đóng hết đều sẽ tạo ra tác động rất lớn. Vì vậy, cần cách tiếp cận chính sách linh hoạt, theo từng vùng một, vùng nào xanh mở ra để cuộc sống trở lại bình thường, vùng vàng hạn chế một số hoạt động không thiết yếu, vùng đỏ chỉ duy trì những hoạt động thiết yếu nhất mà thôi. Phương pháp thử và sai theo vết dầu loang là cách tốt nhất trong bối cảnh hiện tại khi không thể có đầy đủ thông tin dữ liệu, bức tranh tổng thể.
Lãnh đạo TPHCM từng nhiều lần hy vọng sớm khống chế được dịch Covid-19 để đưa cuộc sống trở lại bình thường nhưng thực tế chưa như kỳ vọng (Ảnh: Hữu Khoa).
- Có mô hình nào của những nước đi trước, đã trải qua các đợt bùng phát dịch bệnh và trở về bình thường mới để TPHCM có thể học hỏi?
Thật ra, ở những nơi khác, họ cũng thử và sai, giãn cách nghiêm ngặt hoặc thả lỏng rồi sau đó gia giảm hay tăng cường các biện pháp để cuối cùng đến điểm cân bằng hợp lý.
Ở một số nước, họ đặt ra các chế độ cụ thể như đỏ, vàng, xanh với các tiêu chí rõ ràng về dịch bệnh. Ví dụ nếu số ca bệnh từ mức đỏ sang vàng, các biện pháp giãn cách cũng chuyển trạng thái tương ứng với những kịch bản có sẵn. Hoặc khi tình hình đã ổn, chuyển từ vàng sang xanh, việc giãn cách sẽ được gỡ bỏ.
Đó là quá trình thay đổi liên tục, đòi hỏi sự điều hành chính sách linh hoạt, dựa vào nguyên tắc cân bằng tổng chi phí và lợi ích xã trong việc chống dịch với duy trì các hoạt động xã hội, kinh tế.
- Để có thể ứng phó một cách linh hoạt như vậy sau khi mở cửa trở lại TPHCM cần chuẩn bị gì?
Vấn đề lớn với TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung là dữ liệu. Nếu không có dữ liệu cập nhật có tính hệ thống, đầy đủ, chúng ta không thể hình dung được bức tranh chính xác, sẽ gặp khó khăn để ra quyết định.
Một ví dụ cho sự trục trặc công nghệ thời gian qua là có quá nhiều phần mềm, ứng dụng liên quan đến dịch bệnh, khai báo, dẫn đến người dân không biết được đâu là phần mềm chính xác để theo dõi dịch. Cần khắc phục ngay vấn đề áp dụng công nghệ, phân tích dữ liệu trong phòng chống dịch thời gian tới.
TPHCM đang lên kế hoạch ứng dụng công nghệ, "thẻ xanh" Covid-19 để quản lý việc di chuyển, sản xuất trở lại khi mở cửa (Ảnh: Nguyễn Quang).
Hiện tại, chúng ta chưa có bộ phận tập trung phân tích, đánh giá dữ liệu về dịch bệnh một cách hệ thống, bài bản mà còn phân tán. Lực lượng làm công việc này rất mỏng. Chúng ta cần có những kịch bản ứng phó một các bài bản dựa trên những đánh giá, phân tích, nhận định về dịch bệnh bài bản, khoa học. Đây là việc chúng ta đang thiếu.
Đây là vấn đề tầm quốc gia chứ không chỉ của riêng TPHCM. Cần tổ chức tập trung hơn về lực lượng tham mưu, phân tích, nghiên cứu về dịch bệnh cũng như tác động đến kinh tế xã hội để có thể đưa ra các khuyến nghị, chính sách chính xác.
- Ông nói TPHCM cần chấp nhận thử và sai để tìm ra điểm cân bằng trong chính sách mở cửa. Tuy nhiên, làm sao để tránh được tình trạng một số chính sách sau khi ban hành lại phải điều chỉnh ngay sau đó?
Việc thử và sai phải dựa trên nền trên nền tảng thông tin dữ liệu tin cậy, phân tích, nhận định rõ ràng. Ví dụ sau khi phân tích, có 60% khả năng tình hình sẽ tốt lên nếu chọn phương án A, và 40% theo hướng ngược lại, thì phương án A nên được chọn rồi sau đó điều chỉnh tùy theo thực tế.
Ngược lại, nếu không dựa trên sự tính toán, phân tích dữ liệu thấu đáo, chính sách có thể gặp trục trặc ngay sau khi đưa ra, gặp tình trạng sáng ban hành văn bản, chiều lại thu hồi. Cần phải cải thiện bộ phận phân tích, đánh giá đang còn mỏng này.
Việc công bố thông tin cho người dân là hết sức quan trọng. Tôi cho rằng, người đứng đầu địa phương nên làm việc này để đảm bảo sự nhất quán và trách nhiệm giải trình.
Với TPHCM, Chủ tịch UBND TP có thể đích thân đứng ra cập nhật thông tin liên quan dịch bệnh cho người dân mỗi ngày. Người đứng đầu chính quyền thành phố trực tiếp đưa ra thông điệp sẽ tạo ra sự nhất quán, tránh được tình trạng thông tin đôi khi mâu thuẫn do có nhiều người phát ngôn khác nhau. Ở nhiều nước, thị trưởng cũng là người phát ngôn chính, hàng ngày về tình hình dịch bệnh, các chính sách của thành phố đó.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trực tiếp trả lời người dân trên chương trình livestream "Dân hỏi, Thành phố trả lời" ngày 6/9 (Ảnh: Hữu Khoa).
- Ông nói TPHCM cần mở cửa dần dần theo từng lớp hoạt động của nền kinh tế để thử nghiệm? Vậy những hoạt động nào nên được ưu tiên mở lại trước?
Một lộ trình cụ thể cần dựa trên sự phân tích kỹ lưỡng. Hiểu một cách đơn giản, những hoạt động liên thiết yếu nhất, liên quan đến đời sống hàng ngày như cái ăn, cái mặc, sức khỏe của người dân phải được ưu tiên trước hết.
Sau đó dần dần đến các nhóm hoạt động nền tảng cho nền kinh tế mà nếu không mở ra, chúng ta có nguy cơ rớt ra khỏi chuỗi giá trị toàn cầu. Chúng ta ở trong chuỗi cung ứng toàn cầu nên nếu đóng cửa quá lâu, người ta có thể chọn đối tác khác, dẫn đến nguy cơ cao mất đơn hàng, hợp đồng. TPHCM có thể mở cửa từng thứ một theo kiểu "bóc hành" rồi tiếp tục dần dần đến mở lại các hoạt động ít cấp bách, ít thiết yếu hơn.
- Sau một thời gian dài giãn cách, cả doanh nghiệp và người dân đều đang gặp rất nhiều khó khăn. Theo ông, cần có những chính sách kích thích kinh tế như thế nào khi mở cửa trở lại?
Trước đây, tôi từng đề xuất về một gói cứu trợ toàn dân để đa phần người dân yên tâm ở nhà. Gói hỗ trợ này còn có tính chất giúp kích cầu, đồng thời giúp các doanh nghiệp bù đắp những chi phí tăng thêm do dịch bệnh, duy trì các hoạt động kinh tế ở mức bình thường nhất có thể. Hiện tại, tôi cho rằng chúng ta vẫn cần những gói giải cứu, kích cầu, hỗ trợ kinh tế xã hội như vậy, để người dân chi tiêu, thúc đẩy các hoạt động kinh tế.
TPHCM đang đứng trước sức ép khôi phục các hoạt động kinh tế, xã hội sau thời gian "đóng băng" quá dài (Ảnh: Hải Long).
Tất nhiên, trong quá trình thực thi chính sách hỗ trợ người dân, việc phát sinh trục trặc, xuất hiện hiện tượng tiêu cực khó tránh khỏi. Chính quyền sẽ có giải pháp để giải quyết việc đó. Ví dụ nhà đang cháy, việc đổ nước dập lửa có thể sẽ làm ướt, hỏng đồ bên trong nhưng không thể vì sợ ướt, sợ hư hỏng đồ đạc mà không dập lửa.
Nhà nước sẽ cần thể hiện vai trò hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bằng cả chính sách tài khóa, tiền tệ. Cần có những gói kích cầu, chi tiêu công, nới lỏng hơn nữa để doanh nghiệp, đối tượng cần thiết vay vốn dễ hàng hơn.
- Khi TPHCM mở cửa trở lại, cần giải pháp nào để kết nối liên vùng? TPHCM không thể tự sản xuất, cung cấp nguyên vật liệu cho mình nhưng tình hình dịch, độ phủ vắc xin giữa các địa phương lại khác nhau.
Việc này yêu cầu một khung chính sách tổng thể của quốc gia, không phải là câu chuyện TPHCM có thể tự giải quyết. Khi một vấn đề liên quan đến 2 địa bàn hành chính trở lên, cần có chính sách từ cấp cao hơn.
Chúng ta chưa tạo ra sự thông suốt liên vùng thật sự...
- Chúng ta có những nền tảng nào để kỳ vọng nền kinh tế sẽ sớm phục hồi khi mở cửa trở lại?
Chúng ta cần phải hành động ngay, làm ngay những việc có thể làm để khôi phục từ từ. Chúng ta phải có tư duy thử và sai, nhưng việc thử phải dựa trên cơ sở, dữ liệu.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Việt Đức