GS Nguyễn Văn Tuấn từ Đại học New South Wales, Úc nêu gợi ý về lộ trình 4 bước để TPHCM thực hiện ngừng phong tỏa và những việc quan trọng cần làm ngay để sẵn sàng cho việc sống chúng với Covid-19.
Phong tỏa là biện pháp sau cùng trong các biện pháp y tế ở giai đoạn đại dịch. Thế nhưng lần đại dịch này, việc đa số các quốc gia đều sử dụng biện pháp này khá đặc biệt, hiểu theo nghĩa là chưa từng được áp dụng rộng rãi và lâu dài trước đây. Đại dịch cúm Tây Ban Nha 1918 có lẽ là đại dịch lớn nhất trong 100 năm qua vì nó gây ra 50 triệu ca tử vong, gấp 10 lần con số tử vong Covid-19 hôm nay. Thời đó, theo sách vở và y văn, người ta cũng có chính sách giãn cách xã hội, nhưng không thấy có phong tỏa như cách chúng ta hiểu ngày hôm nay.
Khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu: "Chúng ta phải chấp nhận sống chung lâu dài với dịch bệnh", còn Bí thư Thành ủy TPHCM thì khẳng định: "TPHCM sẽ không thể thực hiện Chỉ thị 16 mãi", tôi hiểu rằng, Việt Nam đã chuẩn bị tinh thần và sẵn sàng cho việc sống chung với Covid-19, sau một quãng thời gian dài thực hiện phong tỏa quyết liệt ở nhiều thành phố lớn.
Từ nhiều tháng nay, tôi luôn kiên trì theo đuổi những quan điểm:
- Chúng ta sẽ phải sống chung lâu dài với virus corona.
- Việc phong tỏa không thể thực hiện lâu dài vì tổn thất quá lớn.
- Không nên cố gắng kiểm soát số ca nhiễm, mà nên tập trung vào kiểm soát số ca bệnh nặng, nhập viện và tử vong.
Tôi không nhớ mình đã bị chỉ trích bao nhiêu lần trong những tháng qua. Nhưng dù thế nào, tôi vẫn kiên trì với quan điểm của mình cho đến tận hôm nay, vì đó dựa vào quan điểm y học thực chứng.
Thật ra ai cũng biết phong tỏa là biện pháp sau cùng trong các biện pháp y tế thời đại dịch. Thế nhưng với đại dịch lần này, đa số các quốc gia đều sử dụng biện pháp đó. Tôi nghĩ đợt phong tỏa trong đại dịch Covid-19 khá đặc biệt - hiểu theo nghĩa là chưa từng được áp dụng rộng rãi và lâu dài trước đây.
Đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 có lẽ là đại dịch lớn nhất trong 100 năm qua vì nó gây ra 50 triệu ca tử vong, gấp 10 lần con số tử vong Covid-19 hôm nay. Thời đó, theo sách vở và y văn, người ta cũng có chính sách giãn cách xã hội, nhưng không thấy có phong tỏa như cách chúng ta hiểu ngày hôm nay.
Riêng ở Trung Quốc, dịch SARS năm 2002 ảnh hưởng hơn 5.000 người và gây ra 349 ca tử vong. Chính quyền Trung Quốc lúc đó áp dụng biện pháp phong tỏa như cách họ làm vào năm ngoái, tức là đóng cửa làng xã, căn hộ, đại học, hay nói chung là phong tỏa gần nửa triệu dân một thời gian ngắn, hạn chế việc tự do đi lại, sinh hoạt.
Chính cách làm này đã thành "mô hình" cho những biện pháp sau này trong đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, phong tỏa ở phương Tây không quyết liệt như ở Trung Quốc. Có điều nếu so sánh tỷ lệ tử vong với nước không phong tỏa (Thụy Điển) thì không khác bao nhiêu. Do đó, chúng ta cần thời gian để phân tích hiệu quả của phong tỏa.
Các biện pháp phong tỏa được thực hiện với mục tiêu đưa các quốc gia về mốc Zero Covid (không có Covid-PV). Nhưng thực tế dịch diễn ra ở các quốc gia trên thế giới trong hơn một năm qua, buộc chúng ta phải chấp nhận một sự thật: virus này sẽ không bao giờ mất đi. Con virus corona sẽ không đi đâu cả, nó sẽ càng ngày càng biến hóa và không có một vắc xin, hay thuốc nào có thể tiêu diệt nó hoàn toàn.
Dịch Covid-19 đến rồi sẽ đi, chứ không ở lại mãi. Cái ở lại mãi với chúng ta là con virus. Nó đã, đang và sẽ tiến hóa thành nhiều biến thể trong tương lai. Mà theo quy luật tiến hóa, virus corona sẽ có khả năng lây lan nhiều hơn, nhưng đồng thời cũng ít nguy hiểm hơn (hiểu theo nghĩa động lực thấp hơn). Theo quy luật tiến hóa, càng tấn công virus thì nó sẽ càng biến hóa nhanh hơn và có khi độc hại hơn. Do đó chỉ có cách sống chung chứ không có cách nào khác.
Trong lịch sử nhân loại, có lẽ chỉ có virus đậu mùa là được xóa bỏ vĩnh viễn, còn lại tất cả các virus khác đều ở lại với chúng ta. Ngay cả polio (virus gây bệnh bại liệt), cũng chưa hẳn được xóa hết trên toàn thế giới. Chấp nhận việc sống chung với virus là thực tế nhất chúng ta nên làm. Nhưng sống chung với virus corona không có nghĩa là sống chung với dịch bệnh, hai khái niệm này rất khác nhau và cần hiểu cho đúng.
Khi đã chấp nhận sống chung với virus, chúng ta cũng phải chuẩn bị cách đối phó về lâu dài. Sự hiện diện của Covid-19 sẽ trở thành endemic (tức mọi lúc, mọi nơi) nên việc đếm số ca dương tính hay số ca nhiễm mỗi ngày không còn ý nghĩa nữa. Vì con số đếm được không phản ánh số ca nhiễm thực tế trong cộng đồng.
Các quốc gia trong khu vực và trên thế giới cũng đã chấp nhận thực tế này, nên Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng cũng cần chấp nhận nó và chuẩn bị các điều kiện, chuẩn bị việc thay đổi lối sống để thích nghi với hoàn cảnh mới. Những thay đổi sẽ là rất nhiều và cần được thực hiện từng bước.
Một số nghiên cứu phân tích cho thấy nếu phong tỏa có giảm số ca nhiễm, thì các biện pháp ít khắt khe hơn vẫn có thể có hiệu quả như phong tỏa và có thể thay thế phong tỏa.
Vậy cái gì có thể thay thế phong tỏa? Để trả lời câu hỏi này thì cần phải nhận ra vài sự thật (ít ra là đã có dữ liệu khoa học yểm trợ) và nhận thức như sau:
Chúng ta sẽ sống chung lâu dài với Covid-19 vì không có cách nào làm nó biến mất. Mục tiêu là đạt miễn dịch cộng đồng tạm thời. Chỉ tạm thời thôi, bởi vì khi biến thể mới xuất hiện thì tất cả có thể trở nên vô nghĩa.
Có hai cách để đạt miễn dịch cộng đồng là tiêm vắc xin và miễn dịch tự nhiên (sau khi nhiễm và bình phục, cơ thể sẽ sinh kháng thể). Đa số các ca nhiễm sẽ tự bình phục và không cần đến đặc trị, nhưng một số nhỏ các ca nhiễm phải nhập viện và khi nhập viện họ có nguy cơ tử vong cao.
Một nhóm chuyên gia dịch tễ học nổi tiếng trên thế giới khuyến cáo nên tập trung bảo vệ những người có nguy cơ cao hơn là áp dụng phong tỏa vô điều kiện, nhưng quan điểm của họ bị lờ đi.
Một chiến lược dỡ bỏ phong tỏa sẽ cần được cân nhắc dựa trên các yếu tố trên.
TPHCM là địa phương đầu tiên trong cả nước đạt được tỷ lệ tiêm vắc xin mũi một gần như tuyệt đối (98,2%) cho nhóm người trên 18 tuổi (theo số liệu từ Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19). Dĩ nhiên số người được tiêm đủ 2 liều vẫn còn thấp, nhưng với tốc độ tiêm chủng hiện nay, cuối năm 2021 TPHCM có thể đạt tỉ lệ 40% người được tiêm 2 mũi.
Con số ca dương tính tiếp tục tăng trong mấy tháng qua, chứng tỏ số ca nhiễm trong cộng đồng cao hơn nhiều so với số ca phát hiện được. Rất khó để thống kê chính xác có bao nhiêu người ở TPHCM đã bị mắc Covid-19.
Với tỷ lệ tiêm vắc xin mũi một gần như đạt 100% cho người trên 18 tuổi thì đã đến lúc, TPHCM có thể ngưng phong tỏa và sống chung với virus, nhất là khi hiện nay đã có các loại thuốc điều trị Covid-19 được sản xuất và đưa về Việt Nam để hỗ trợ điều trị người nhiễm.
Theo suy nghĩ của tôi, TPHCM có thể thực hiện ngưng phong tỏa theo từng bước, với lộ trình như sau:
- Đầu tiên là cho phép các công sở, cơ sở sản xuất được mở cửa hoạt động trở lại (ít nhất 50% công suất). Cho phép những người đã tiêm vắc xin được đi chợ trong bán kính nhất định và hạn chế sự đi lại ở nhóm người cao tuổi (trên 65) và nhóm có bệnh nền để giảm tối đa tỷ lệ tử vong.
- Bước thứ hai cần thực hiện, mở cửa các khu vực công cộng (quán ăn, nhà hàng, khách sạn, khu du lịch nội địa...), nên ưu tiên cho người đã tiêm chủng và không hạn chế đi lại.
- Bước thứ ba, cho phép du lịch đến một số quốc gia và nhận du khách từ các quốc gia đã được tiêm chủng. Bình thường hóa các hoạt động khác và không hạn chế đi lại với nhóm người cao tuổi và người có bệnh nền.
- Bước thứ tư, xem Covid-19 như các ca bệnh truyền nhiễm khác. Không giãn cách xã hội, không hạn chế đi lại trong và ngoài nước, không giới hạn du khách.
Lộ trình này có thể được thực hiện từ bây giờ cho đến tháng 12, hoặc đến tháng 3/2022, khi sẵn sàng mở cửa toàn bộ và đón nhận khách nước ngoài vào Việt Nam.
Nhiều người lo lắng rằng các ca nhiễm trong cộng đồng sẽ tăng trở lại sau khi ngưng phong tỏa. Đó là thực tế xảy ra ở nhiều quốc gia trên thế giới có tỷ lệ tiêm vắc xin ở mức cao, nhưng đây là quy luật chung của dịch tễ học. Đến một lúc, chúng ta sẽ hiểu rằng, số ca dương tính không có ý nghĩa quan trọng như số ca tử vong và nhập viện.
Sau khi đa số người dân đã được tiêm vắc xin, chúng ta có thể tin rằng số ca nhiễm vẫn sẽ được ghi nhận, nhưng số ca nhập viện và tử vong sẽ giảm vì hiệu quả của vắc xin và thuốc điều trị, và tỷ lệ các ca tử vong so với các căn bệnh khác không chênh lệch. Đó là thực tế đã được chứng minh ở các quốc gia có tỷ lệ tiêm vắc xin cao như Mỹ, Anh, Israel.
Họ dỡ bỏ phong tỏa khi số ca nhiễm trong ngày vẫn ở mức cao, nhưng tỷ lệ các ca nhiễm nặng phải nhập viện và tỷ lệ tử vong đã giảm hẳn.
Sẽ sớm thôi, chúng ta có thể coi Covid-19 như cúm mùa. Và xã hội cũng sẽ chấp nhận một số ca tử vong Covid-19 như xã hội đã chấp nhận số ca tử vong vì cúm mùa hàng năm.
Sẽ có nhiều biện pháp cần được thực hiện, buộc chính quyền và người dân cần phải thay đổi để thích nghi với bình thường mới. Các phương tiện công cộng, nhà hàng, rạp phim có thể sẽ phải tuân thủ về giãn cách một cách lâu dài. Vấn đề vệ sinh cá nhân như rửa tay trước và sau khi ăn (vốn chưa được chú ý tại nhiều khu vực ở Việt Nam) sẽ cần được đảm bảo ở mức cao.
Cũng phải chấp nhận thực tế rằng chúng ta sẽ phải làm việc tại nhà nhiều hơn, chấp nhận rằng chúng ta sẽ phải làm quen với chế độ kiểm soát mới từ các ứng dụng theo dõi dịch bệnh.
Về phía chính quyền, cần tập trung vào những điểm quan trọng như:
- Cải thiện hệ thống giám sát dịch bệnh: Trong thời đại công nghệ thông tin, việc thiết kế các hệ thống báo động và theo dõi dịch bệnh trực tuyến từ cấp cơ sở có thể giúp cho việc dự báo và tiên lượng dịch bệnh nhanh hơn và chính xác hơn.
- Đầu tư vào y tế cộng đồng, tăng cường về nhân sự và thiết bị xét nghiệm xuống đến cấp huyện, cấp xã để có thể kiểm soát dịch bệnh nhanh hơn.
- Đầu tư cho nghiên cứu khoa học và vắc xin: Chúng ta đã thấy khi đại dịch xảy ra mà quá lệ thuộc vào nguồn vắc xin nước ngoài thì sự bị động trong việc tiêm chủng, đẩy lùi dịch bệnh là tất yếu. Bài học từ đợt dịch này là Việt Nam cần đầu tư cho nghiên cứu ứng dụng, cũng như phát triển vắc xin và thử nghiệm lâm sàng ở quy mô lớn. Nghiên cứu vắc xin có thể có xác suất thất bại cao, nhưng một xác suất thành công nhỏ vẫn đem lại lợi ích rất lớn cho quốc gia.
Không chỉ bàn đến việc dỡ bỏ phong tỏa, mà cũng nên bàn đến việc có nên phong tỏa hay không với một địa phương có dịch. Vì ngoài TPHCM, rất nhiều địa phương khác của Việt Nam cũng đang áp dụng các biện pháp phong tỏa theo mức độ khác nhau và có thể sẽ còn những địa phương khác xuất hiện các ca dịch bệnh. Nhưng như tôi đã nói ở trên, phong tỏa là biện pháp sau cùng và khắc nghiệt nhất trong các biện pháp y tế công cộng, vì nó ảnh hưởng đến toàn bộ xã hội và hàng triệu người.
Vì thế quyết định phong tỏa là một việc làm hệ trọng, phải xem xét nhiều khía cạnh. Nếu đã xác định sống chung với Covid-19 thì những nơi mà số ca dương tính quá thấp và không tăng trong vòng một tuần, hay những nơi không có ca tử vong hoặc số ca quá thấp thì không nên áp dụng phong tỏa. Nếu phong tỏa cũng chỉ áp dụng chiến lược phong tỏa ở những nhóm người có nguy cơ cao.
Thủ tướng Morrison của Australia nói rất có lý: "Mục tiêu của chúng ta là sống chung với con virus, chứ không phải sống trong nỗi sợ hãi con virus".
Người dân Việt Nam cũng nên chuẩn bị cho mình một tâm thế như thế cho giai đoạn tiếp theo.
Nội dung: Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn
Thiết kế: Khương Hiền