Các hình ảnh vệ tinh cho thấy Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã phá hủy khu phức hợp ở ngoại ô thủ đô Kabul, được xem là một trong những khu bí mật nhất ở Afghanistan.
Ảnh vệ tinh khu phức hợp của CIA ở ngoại ô thủ đô Kabul, Afghanistan ngày 24/8 (Ảnh: Planet Labs)
Trong những tuần trước thời hạn chót rút quân ngày 31/8 của Tổng thống Mỹ Joe Biden, một khu phức hợp bí mật và an toàn tuyệt đối của CIA đã trở thành trung tâm cho các cuộc sơ tán bí mật trước khi nhiều tòa nhà ở đây bị phá hủy, theo New York Times.
CIA đã sử dụng một phần của căn cứ có tên Eagle (Đại bàng) nhằm huấn luyện các đơn vị chống khủng bố Afghanistan. Một khu vực khác, trung tâm giam giữ đầu tiên của CIA ở Afghanistan, được gọi là Salt Pit (Hố muối), là nơi theo một báo cáo của chính phủ Mỹ là dùng để tra hỏi những người bị giam giữ.
Trước khi rời đi, Mỹ phá hủy cả hai căn cứ này để đảm bảo rằng, Taliban sẽ không tiếp cận được bất kỳ thiết bị hoặc tài liệu nhạy cảm nào bị bỏ lại. Tuy nhiên, ngay cả khi tại những nơi này xảy ra một số vụ nổ trong kế hoạch phá hủy, sân bay trực thăng tại khu phức hợp vẫn được sử dụng cho việc sơ tán bí mật.
New York Times đã phân tích hình ảnh vệ tinh, hồ sơ các nhà thầu, dữ liệu về các vụ nổ và các đường bay để đánh giá cách thức sơ tán và phá hủy theo kế hoạch diễn ra, cũng như việc Taliban cuối cùng đã dễ dàng tiếp cận khu phức hợp này như thế nào.
Căn cứ "Đại bàng"
Căn cứ Đại bàng trước và sau khi phá dỡ (Ảnh: Planet Labs)
Từ một tiền đồn nhỏ đặt tại xưởng gạch cũ, sau 20 năm, căn cứ Đại bàng đã được mở rộng và trở thành một trung tâm rộng lớn nằm ở khu phức hợp của CIA, nằm cách sân bay Kabul chưa đến 3 km.
Người dân Afghanistan biết rất ít thông tin về căn cứ Đại bàng vì nó được thiết kế để người ngoài không thể xâm nhập. Những bức tường cao tới 3 m bao quanh cùng cửa kim loại dày đóng mở rất nhanh để cho phép phương tiện ra vào. Khi đã vào bên trong, xe vẫn phải qua 3 trạm kiểm soát an ninh, được khám xét và kiểm tra tài liệu kỹ lưỡng. Hầu như không có bức ảnh thực địa nào ở bên trong căn cứ này mà chỉ có những hình ảnh vệ tinh.
Một cựu nhà phân tích tình báo của chính phủ Mỹ cho biết, một kho đạn dược và địa điểm huấn luyện công phu, dường như đã bị phá hủy hoàn toàn vào ngày 27/8. Đây là những nơi có thể chứa tài liệu, ổ cứng và các thông tin nhạy cảm khác. Các quan chức Mỹ cũng đã xác nhận căn cứ Đại bàng đã bị phá hủy.
Căn cứ "Hố muối"
Hình ảnh vệ tinh từ đầu năm nay cho thấy một số tòa nhà tại căn cứ Hố muối đã bị san phẳng hoàn toàn (Ảnh: Planet Labs).
Căn cứ Hố muối này cũng nằm trong khu phức hợp của CIA. Mỹ lần đầu tiên bắt đầu phá hủy các tòa nhà tại Hố muối từ tháng 4 và tháng 5, sau khi Tổng thống Biden thông báo các lực lượng Mỹ sẽ rút quân vào tháng 9.
Các tòa nhà bị phá bỏ này được xây dựng từ năm 2002-2004, những năm mà CIA bị cáo buộc tham gia vào "kỹ thuật thẩm vấn nâng cao" tại đây. Nhiều vụ phá hủy hơn diễn ra vào ngày 27/8, ngày mà Lầu Năm Góc tuyên bố các lực lượng Mỹ phá hủy có kiểm soát các thiết bị của họ. Dữ liệu công khai từ các cảm biến của NASA cho thấy các dấu hiệu nhiệt tại địa điểm này, có thể do các vụ cháy và nổ. Hình ảnh vệ tinh được chụp vào ngày hôm sau cũng cho thấy hai nhà kho bị cháy.
Chiến dịch sơ tán bí mật
Hình ảnh vệ tinh ngày 24/8 cho thấy hàng chục phương tiện xếp hàng bên trong khu phức hợp của CIA cho chiến dịch sơ tán bí mật (Ảnh: Planet Labs).
Trong tháng 8, khi Mỹ gấp rút đóng cửa các cơ quan đại diện ngoại giao ở Afghanistan, các công dân Mỹ và người Afghanistan có khả năng là mục tiêu của Taliban đã được sơ tán khỏi khu vực này.
Hình ảnh vệ tinh của Planet Labs chụp vào ngày 24/8 cho thấy hàng chục phương tiện xếp hàng bên trong khu phức hợp của CIA, vượt xa con số thường thấy tại địa điểm này. Nhiều phương tiện dường như sau đó đã cố tình gây cháy nổ.
Những người sơ tán đã được trực thăng sơ tán đến sân bay Kabul để tránh các trạm kiểm soát của Taliban. Dữ liệu chuyến bay tiết lộ, 3 máy bay trực thăng Mi-17 đã thực hiện ít nhất 35 chuyến bay đến hoặc đi từ khu phức hợp này kể từ khi Taliban nắm quyền kiểm soát Kabul vào ngày 15/8. Hàng trăm người đã được sơ tán khỏi địa điểm kể từ ngày hôm đó.
Các tuyến đường đi của các máy bay này thường đến sân bay Kabul và đôi khi đến khu đại sứ quán Mỹ. Điều này cho thấy các chuyến bay này rất có thể liên quan đến một hoạt động bí mật hay các nhiệm vụ nhạy cảm khác. Theo dữ liệu theo dõi chuyến bay, các trực thăng chủ yếu hoạt động ngoài khu vực 7, một phần hẻo lánh của sân bay Kabul.
Taliban nắm quyền kiểm soát
Mỹ được cho là hoàn tất chiến dịch sơ tán và phá dỡ các tòa nhà của CIA vào ngày 28/8. Các video được chia sẻ trên mạng vào ngày 30/8 cho thấy các chiến binh Taliban đã nắm quyền kiểm soát khu phức hợp này.
Ngay cả khi tiếp nhận khu nhà đổ nát, có vẻ như Taliban vẫn biết rõ họ đã tiếp quản một nơi quan trọng như thế nào. "Đây là một nơi rất quan trọng", một thành viên của Taliban nói khi máy quay của anh ta lia qua đống đổ nát.
Thanh Thành
Theo New York Times