Việt Nam - Nga đã tích cực hợp tác phòng chống Covid-19, chia sẻ vật tư, thiết bị y tế, trong đó Nga đã chuyển giao sinh phẩm để Việt Nam sản xuất một triệu liều vắc xin Sputnik V.
Thông tin nói trên được Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov và Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn trao đổi tại cuộc hội đàm diễn ra ở Moscow hôm nay (28/9), trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam từ ngày 25-28/9.
Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov và Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn (Ảnh: BNG).
Tại cuộc hội đàm, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh Việt Nam nhất quán coi Nga là một trong những đối tác quan trọng và tin cậy hàng đầu của Việt Nam.
Bộ trưởng Lavrov đánh giá cao chuyến thăm song phương chính thức đầu tiên của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn trên cương vị mới đến Liên bang Nga, cũng như quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt Việt - Nga, khẳng định Việt Nam là đối tác rất quan trọng trong chính sách đối ngoại của Nga cũng như ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Hai Bộ trưởng đánh giá quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nga tiếp tục phát triển năng động mặc dù gặp nhiều trở ngại do dịch Covid-19 gây ra. Tin cậy chính trị được củng cố thông qua thường xuyên tiếp xúc trực tuyến, điện đàm giữa lãnh đạo cấp cao, các Bộ, ngành hai nước.
Hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước giữ được đà tăng trưởng tích cực, với kim ngạch thương mại hai chiều trong 6 tháng đầu năm nay tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 2,6 tỷ USD.
Hai bên đã tích cực hợp tác phòng chống Covid-19, chia sẻ vật tư, thiết bị y tế, trong đó Nga đã chuyển giao sinh phẩm để Việt Nam sản xuất một triệu liều vắc xin Sputnik V. Đến nay, Sputnik V là vắc xin ngừa Covid-19 nước ngoài đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị Nga tiếp tục hỗ trợ, ưu tiên cung cấp và chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin, thuốc điều trị Covid-19 của Nga cho Việt Nam theo kế hoạch đã thống nhất.
Vắc xin Sputnik V (Ảnh: AFP/TTXVN).
Người đứng đầu ngành ngoại giao Việt Nam cũng đề nghị Nga mở rộng hơn nữa hợp tác nghiên cứu chung về y học, khoa học vũ trụ, quản lý tài nguyên, trong đó có tài nguyên biển; tạo điều kiện cho nông sản Việt Nam tiếp cận hơn nữa thị trường Nga; thúc đẩy hợp tác, giao lưu giữa các địa phương.
Nhằm tạo xung lực mới cho quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga, hai bên nhất trí tăng cường trao đổi đoàn các cấp, nhất là các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao, qua các kênh Đảng, Nhà nước, Quốc hội và giao lưu nhân dân, mở rộng và làm sâu sắc hơn hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, nhất là quốc phòng, an ninh, phát huy hơn nữa tiềm năng Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu, khoa học công nghệ, giáo dục, văn hóa…
Hai bên nhất trí tập trung triển khai các dự án trọng điểm trong lĩnh vực năng lượng - dầu khí và mở rộng sang các lĩnh vực năng lượng mới, năng lượng tái tạo; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước tiếp cận thị trường, đầu tư vào mỗi nước trong các lĩnh vực cùng có lợi như nông nghiệp, chế tạo…; tăng cường hợp tác phát triển nguồn nhân lực, trong đó Nga duy trì cung cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam; sớm khôi phục đi lại bình thường của công dân hai nước.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cảm ơn và đề nghị Bộ Ngoại giao cũng như các cơ quan chức năng Nga tiếp tục tạo thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam tại Nga sinh sống, học tập và làm việc ổn định; được tiêm chủng và điều trị Covid-19.
Cuộc hội đàm của hai Bộ trưởng Ngoại giao Việt - Nga ngày 28/9 (Ảnh: BNG).
Bộ trưởng Lavrov nhấn mạnh Việt Nam là thị trường quan trọng ở Đông Nam Á, ủng hộ các đề xuất của Việt Nam và đề nghị tăng cường hợp tác, giao lưu văn hóa và nhân dân, trong đó có hoạt động của Viện Pushkin tại Việt Nam. Bộ trưởng Lavrov cảm ơn Việt Nam đã quan tâm và hỗ trợ đảm bảo an toàn sức khỏe cho công dân Nga tại Việt Nam thời gian qua.
Hai bên cũng dành thời gian trao đổi và chia sẻ nhiều điểm đồng về các vấn đề quốc tế và khu vực; nhất trí tiếp tục tăng cường phối hợp tại các tổ chức, diễn đàn đa phương quan trọng, nhất là Liên Hợp Quốc và ASEAN, cũng như trong ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống như dịch bệnh, an ninh nước, biến đổi khí hậu, an ninh mạng…
Bộ trưởng ngoại giao hai nước cũng khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình; nhất trí tầm quan trọng của việc đề cao và tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, đối với hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực…
Châu Như Quỳnh