Mưa lớn khiến đồi Vó Nước ở Ninh Bình nứt toác, đất đá sạt xuống có nguy cơ lở đất vùi lấp nhiều nhà dân dưới chân đồi. Người dân đã phải sơ tán, di chuyển đồ đạc đến nơi an toàn.
Di dời khẩn cấp người dân khỏi chân đồi có nguy cơ sạt lở hàng nghìn m3 đất
Ngày 26/9, UBND huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình cho biết, do ảnh hưởng của mưa bão, trên địa bàn đã xuất hiện hiện tượng bị sạt lở đất đá thuộc khu vực đồi Vó Nước, thôn Sấm 3, xã Cúc Phương. Một số hộ dân sống dưới chân đồi bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đã phải sơ tán người và tài sản đến vùng an toàn.
Khu vực bị sạt lở đất đá tại đồi Vó Nước, thôn Sấm 3, xã Cúc Phương, huyện Nho Quan, Ninh Bình.
Ông Đinh Văn Thi - thôn Sấm 3, xã Cúc Phương - kể, buổi sáng thức dậy, gia đình ông cùng gia đình anh Đinh Văn Hiền sống dưới chân đồi Vó Nước đã phát hiện hàng trăm khối đất đá sạt lở từ trên đồi xuống vườn cây và vào sát móng nhà.
"Sau khi phát hiện, tôi cùng cháu Đinh Văn Hiền đã nhanh chóng báo cáo sự việc cho chính quyền địa phương về xem xét, để có phương án ứng phó, trợ giúp người dân chúng tôi" - ông Thi nói.
Hộ gia đình anh Đinh Văn Hiền phải sơ tán người và tài sản đến nơi an toàn.
Ông Đinh Trọng Hiệp - Phó Chủ tịch UBND xã Cúc Phương - cho biết, qua kiểm tra hiện trường, chính quyền địa phương ghi nhận hiện tượng lún, nứt, có nguy cơ sạt lở cao tại đồi Vó Nước, ảnh hưởng đến 3 hộ gia đình đang sinh sống gồm hộ anh Đinh Văn Hiền, ông Đinh Văn Thi và ông Đinh Văn Hảo.
"Vị trí nhà và đất của gia đình anh Đinh Văn Hiền nằm dưới chân đồi có nguy cơ cao bị đất sạt lở, ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản. UBND xã đã chỉ đạo lực lượng đến sơ tán các hộ gia đình và phong tỏa toàn thể khu vực. Mặt khác, xã cũng tích cực tuyên truyền để người dân không đến gần khu vực có nguy cơ sạt lở cao, bố trí lực lượng canh gác 24/24h tại khu vực, theo dõi tình hình và báo cáo thường xuyên" - ông Đinh Trọng Hiệp thông tin.
Hàng nghìn khối đất đá có nguy cơ sạt lở vào nhà dân bất cứ lúc nào.
Được biết, khu vực đồi có nguy cơ sạt lở là đất rừng sản xuất đã được giao cho các hộ gia đình trồng cây keo được khoảng 3 năm tuổi.
Theo lãnh đạo xã Cúc Phương, nguyên nhân ban đầu hiện tượng sạt lở là do mưa lớn tại khu vực, kết hợp địa hình đồi đất cao, độ dốc lớn, các hộ gia đình trong quá trình xây dựng nhà ở mới và canh tác đã san gạt mặt bằng...
Ghi nhận của PV Dân trí tại hiện trường, khu vực đồi có nguy cơ sạt lở, hàng nghìn khối đất đá có thể trượt xuống ngôi nhà, sân vườn của hộ gia đình anh Đinh Văn Hiền bất cứ lúc nào. Phía trên đỉnh đồi cao hơn 10 mét, nhiều vết nứt kéo dài, rộng cả mét.
Người dân địa phương mong muốn có phương án hỗ trợ kịp thời để sớm đảm bảo cuộc sống, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản.
Ông Nguyễn Cao Các - Phó Chủ tịch UBND huyện Nho Quan - cho biết, sau khi phát hiện hiện tượng sạt lở đất đồi ở xã Cúc Phương, UBND huyện đã vào kiểm tra trực tiếp và chỉ đạo kịp thời với phương châm đảm bảo tuyệt đối an toàn về tính mạng và tài sản của nhân dân.
"Trước mắt, huyện đã chỉ đạo xã di dời hộ dân và tài sản đến nơi an toàn, theo dõi thường xuyên để có ứng phó kịp thời tại khu vực nguy cơ sạt lở cao này. Về lâu dài, huyện đã đề xuất UBND tỉnh cho thực hiện thu hồi diện tích đất của gia đình anh Hiền, sau đó cấp diện tích đất ở mới, tránh xa vùng nguy hiểm" - ông Nguyễn Cao Các nói.
Khu vực nguy hiểm có thể xảy ra sạt lở đất đồi bất cứ lúc nào.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nho Quan, để khắc phục sự việc sạt lở tại khu vực đồi Vó Nước, địa phương sẽ tiến hành san ủi khối lượng đất, đá có nguy cơ sạt lở, đồng thời xây dựng kè rọ đá hộc phía chân đồi, chiều dài kè khoảng 100 m, rộng 3,5 m, cao 4 m để đảm bảo an toàn phòng chống thiên tai.
Thái Bá