Hàng chục "người mẹ không chuyên", chưa có gia đình - là tiếp viên hàng không, sinh viên, giáo viên... đang nhận chăm sóc những đứa trẻ - con của sản phụ F0, như con ruột của mình.
"Chị Hằng ơi, pha giúp em bình sữa. Con khóc rồi, chắc bé đang đói", Kim Tuyền phải nói lớn để đồng nghiệp nghe được giữa tiếng khóc của hàng chục đứa trẻ sơ sinh. Vừa bước sang tuổi 22, cô sinh viên năm cuối Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM, chưa bao giờ hình dung "công việc" đầu tiên trong đời lại là bảo mẫu.
Là một trong những tình nguyện viên đầu tiên có mặt ở trung tâm H.O.P.E từ ngày đầu, Tuyền vẫn chưa hết bỡ ngỡ với việc làm mẹ. Cô là một trong số 40 tình nguyện viên xuất thân từ y tá, sinh viên, giáo viên... đến tiếp viên hàng không, đang làm việc tại trung tâm H.O.P.E đặt tại trường Mầm non Họa Mi 2 (Quận 5, TPHCM).
Những "bà mẹ" là sinh viên, giáo viên, tiếp viên hàng không,... xem những đứa bé sơ sinh con của F0 như là con ruột của mình để tận tâm chăm sóc.
Trung tâm chính thức hoạt động từ ngày 25/8, trở thành nơi chăm sóc cho các bé sơ sinh là con của các sản phụ F0 đang điều trị tại Bệnh viện Hùng Vương (Quận 5). Không phân biệt nghề nghiệp, các tình nguyện viên đều tận tâm với công việc "làm mẹ", chăm sóc cho những đứa trẻ con của các sản phụ F0, 24/24h.
Đọc được thông báo của Bệnh viện Hùng Vương tuyển tình nguyện viên chăm sóc các bé sơ sinh, Tuyền không do dự mà đăng ký ngay nhưng lại không dám kể với gia đình, vì sợ bố mẹ lo lắng. Sau vài ngày làm việc, Tuyền mới dám gọi điện về cho gia đình. Nhưng trái với lo lắng của cô, bố mẹ nghe xong câu chuyện lại động viên cô con gái hết lời.
Ngày đầu bước vào trung tâm, kinh nghiệm chăm sóc trẻ sơ sinh của cô sinh viên năm cuối hoàn toàn là con số 0. Vừa làm vừa học hỏi những người xung quanh, Tuyền tự nhủ chỉ cần tình thương với các bé, mình sẽ vượt qua mọi khó khăn.
Kim Tuyền mới 22 tuổi, chưa từng làm mẹ nhưng gần một tháng qua vẫn tận tụy chăm lo cho những đứa trẻ ở H.O.P.E như con của mình.
Mỗi khi nghĩ đến việc các bé vừa lọt lòng đã phải xa mẹ đang cách ly trong bệnh viện, Tuyền lại trào nước mắt. "Chỉ hy vọng thay mẹ các bé chăm sóc được các con phần nào", Tuyền vừa kể, vừa vỗ về em bé trên tay, vừa hướng mắt quan sát những chiếc nôi bên cạnh, xem có bé nào thức giấc hay không.
Luống cuống đưa bình sữa cho Tuyền, Thu Hằng quay lại dỗ "đứa con" của mình. "Con của tui dậy rồi, lại khóc nữa hả. Để mẹ cho con uống sữa", Hằng vỗ về đứa trẻ sơ sinh.
Vốn là tiếp viên hàng không, lại chưa lập gia đình, xưa nay Hằng chỉ quen với bầu trời, các chuyến bay, chứ chưa bao giờ đụng đến bỉm sữa. Ngày đầu bước vào trung tâm H.O.P.E, cô gái 26 tuổi hốt hoảng, không biết làm gì khi thấy các bé quấy khóc liên tục. Nhờ sự chỉ dẫn của các y tá có kinh nghiệm, nữ tiếp viên hàng không dần quen với vai trò người mẹ.
Nhớ lại ngày đầu khi thấy những đứa trẻ đầu tiên được đưa từ bệnh viện sang trung tâm, Hằng vừa hồi hộp, lo lắng... lại vừa vui khi được bế trên tay một em bé sơ sinh. Chỉ sau vài ngày, cô thuộc lòng giờ giấc ăn, ngủ, uống sữa của từng bé.
Thu Hằng là một nữ tiếp viên hàng không chỉ quen với bầu trời, chưa có gia đình nhưng giờ lại thuần thục với việc "làm mẹ".
Bà Nguyễn Thị Hồng Quế, Hiệu trưởng trường Mầm non Họa Mi 2 chia sẻ, khi nhận thông báo thành lập trung tâm H.O.P.E do Bệnh viện Hùng Vương quá tải khu vực chăm sóc trẻ sơ sinh, trường chỉ có chưa đầy một tuần để phối hợp với các đơn vị liên quan chuẩn bị.
Sau khi nhận chỉ thị, toàn bộ giáo viên nhanh chóng dọn dẹp, bố trí lại phòng ốc, cải tạo các lớp học thành phòng chăm sóc trẻ sơ sinh, vận động thêm các tình nguyện viên làm công việc bảo mẫu.
Theo tính toán ban đầu, trung tâm sẽ chăm sóc 100 trẻ sơ sinh, vì vậy cần có ít nhất 100 chiếc nôi. Bà Quế và lãnh đạo Bệnh viện Hùng Vương chạy đôn chạy đáo, vận động mạnh thường quân, tìm mua nôi cho các bé. Nhiều cửa hàng đóng cửa hay khó giao hàng trong giai đoạn giãn cách, nên công việc này lại càng phức tạp. Đến trước ngày trung tâm hoạt động, cuối cùng trường cũng chuẩn bị đủ.
Song song với việc lo cơ sở vật chất, trung tâm mở ra phải có tình nguyện viên. Ngay khi mở thông báo, đã có 22 người đăng ký tham gia. Nhưng phần lớn lại chưa có kinh nghiệm chăm sóc trẻ nhỏ, nhiều tình nguyện viên còn chưa có gia đình. Vừa tiếp nhận tình nguyện viên, trung tâm ngay lập tức tập huấn cho các "bà mẹ" trẻ.
Toàn trung tâm H.O.P.E hiện có 40 tình nguyện viên tham gia làm bảo mẫu cho các bé sơ sinh là con của sản phụ F0.
Chỉ sau vài ngày hoạt động, số lượng trẻ sơ sinh được đưa tới trung tâm đã vượt con số dự kiến. Bà Quế cùng đồng nghiệp tiếp tục vận động thêm 18 giáo viên mầm non làm việc tại các đơn vị khác tham gia hỗ trợ chăm sóc các bé.
Tan ca sau một đêm thức trắng chăm các bé, đôi mắt tình nguyện viên Nguyễn Thị Nghĩa lộ rõ vệt thâm quầng. Tại trung tâm, chị Nghĩa và các bảo mẫu chia làm 2 ca, thay nhau làm việc để chăm sóc các con 24/24h. Ban ngày, mỗi người làm việc 10 tiếng, còn ca đêm 14 tiếng.
"Ban đêm ở đây cứ như dàn đồng ca, các bé khóc từ đầu tới cuối. Ai cũng xác định là không chợp mắt, chỉ để tạm chiếc chiếu bên cạnh nôi, khi cho các con ăn xong một lượt có thể tranh thủ nghỉ 15-20 phút. Nhưng đặt lưng xuống cũng không nhắm mắt được vì lo, cứ sợ bé nào bị ho, sặc sữa là phải có mặt ngay để vỗ về, cứ như vậy hết đêm đến sáng", Nghĩa kể lại.
Nghĩa khóc nghẹn khi phải chia tay một bé sơ sinh do cô chăm sóc nhiều ngày, bé được bố mẹ tới đón về nhà.
Sáng 30/8, như mọi ngày, lại có thêm nhiều bé chia tay các mẹ nuôi để về với gia đình. Sau khi điều trị khỏi Covid-19, bố mẹ ruột hoặc người thân của các em lại đến trung tâm H.O.P.E đón trẻ về nhà. Khi nhận con, gia đình các bé chứng minh đầy đủ thông tin, bệnh viện sẽ xác thực, lưu trữ lại hồ sơ, hình ảnh các bé, người nhà để tránh trường hợp trao nhầm.
Tự tay bế các bé trao lại cho cha mẹ ruột, Hằng đứng nép vào một góc, từ xa chứng kiến niềm vui đoàn tụ của các gia đình. "Thấy các con được gia đình đón về, được mẹ ruột ôm vào lòng mình vui lắm. Nhưng xa các con cũng buồn, lưu luyến vì đã ở bên các con nhiều ngày, biết thói quen từng bé như con ruột của mình", Hằng vừa nói, vừa lấy tay lau những giọt nước mắt đang lăn trên má.
Thu Hằng đứng vào một góc nhìn con rời đi. Hàng nước mắt chảy dài vì thương, nhớ các bé.
Trầm ngâm một lúc, nữ tiếp viên hàng không lại quay về với công việc. Bên trong căn phòng với hơn 10 bé sơ sinh, Hằng cùng hai bảo mẫu khác tiếp tục cần mẫn chăm sóc các "con" của mình. Người thay tã, người cho bé bú bình, người bế trên tay, vỗ về các bé. Ai nấy đều phải xoay như chong chóng, không lúc nào ngơi tay.
Theo TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương (TPHCM), từ tháng 4 đến nay, Bệnh viện Hùng Vương đã tiếp nhận khoảng 1.000 thai phụ, trong đó gần 600 trẻ có mẹ mắc Covid-19 được sinh tại bệnh viện. May mắn tỷ lệ trẻ mắc Covid-19 trong nhóm này rất thấp, chỉ dưới 1%.
Bệnh viện Hùng Vương đang chăm sóc khoảng 130 trẻ có mẹ mắc Covid-19, trong đó một nửa đã có đủ điều kiện xuất viện, nhưng chưa có người thân đến đón. Những trường hợp này sẽ được đưa về Trung tâm H.O.P.E để các bảo mẫu chăm lo.
Hiện tại, mỗi ngày trung tâm Trung tâm H.O.P.E đều tiếp nhận thêm các bé được tới từ Bệnh viện Hùng Vương, và cũng nhiều bé được người thân tới làm thủ tục để nhận về nhà.
Hải Long