Nối tiếp truyền thống gia đình, H'Thương- nữ Phó Chủ tịch xã ở Đắk Nông - luôn sống vì đồng bào, tìm mọi cách giúp bà con M'nông ở quê hương có căn cứ địa cách mạng Nam Nung thoát cái khó, cái nghèo.
Ngày đi chống dịch, tối dệt vải
Những ngày cuối tháng 8, chúng tôi tìm về xã Nam Nung (Krông Nô, Đắk Nông), căn cứ địa cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Mặc dù trời đổ mưa, lại rơi đúng vào ngày cuối tuần, thế nhưng chị H'Thương- Phó Chủ tịch UBND xã Nam Nung vẫn không ngại, dẫn chúng tôi đi khắp các tuyến đường trên địa bàn xã.
H'Thương (bên trái) cùng người dân xã Nam Nung thi giã gạo năm 2020.
"Chị tham gia công tác xã hội, có lẽ sẽ không biết đan lát, dệt thổ cẩm nhỉ?"- chúng tôi hỏi trong lúc rong ruổi trên xe cùng chị.
H'Thương dí dỏm nói: "Mình đã biết đan lát, dệt thổ cẩm, nấu rượu cần từ thủa nhỏ như bao cô gái M'nông ở Nam Nung!".
Chị H'Thương tự hào khoe, chỉ mới năm ngoái, chị cùng bà con trong xã tham gia Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam do Đắk Nông tổ chức. May mắn, chị đạt giải nhì cuộc thi đan lát và thuyết trình hoa văn thổ cẩm.
Nhiều người cũng nghĩ rằng, Phó Chủ tịch xã H'Thương không biết "nữ công gia chánh". Thế nhưng chị tự nhận: "Cái gì cũng biết một ít vì mình là người con gái M'nông".
"Mình dệt vải, đan lát, nấu rượu cần không chỉ để cho gia đình dùng, mà còn để giữ văn hóa của cộng đồng. Xã Nam Nung đang cố gắng khôi phục, bảo tồn nghề truyền thống, mình là cán bộ xã, càng phải làm gương", nữ cán bộ xã bộc bạch.
Chị H'Thương (thứ 2 từ trái qua) cũng là một trong số ít những người phụ nữ M'nông được học đến đại học.
Nữ Phó Chủ tịch UBND xã năm nay bước sang tuổi 35. Sinh ra trong gia đình có 6 anh chị em, chị H'Thương là người duy nhất trong nhà và cũng nằm trong số ít thanh niên theo đuổi con chữ từ vùng quê xa xôi đến giảng đường đại học.
Trở về quê hương ngay khi cầm trên tay tấm bằng cử nhân, H'Thương bắt đầu công tác trong Hội phụ nữ xã. Đến năm 2015, chị được bầu làm Phó Chủ tịch UBND xã và trở thành đại biểu HĐND huyện Krông Nô.
Phụ trách những vấn đề Văn hóa - Xã hội của địa phương, chị H'Thương càng hiểu rõ tầm quan trọng của những giá trị văn hóa truyền thống trong sự phát triển của quê hương.
"Bây giờ muốn mua cái gì ra chợ hoặc lên mạng xã hội đều có. Tuy nhiên, phần lớn lại là sản phẩm công nghiệp. Chính vì thế, trong suốt thời gian qua, mình luôn suy nghĩ, làm sao để duy trì nét đẹp truyền thống của đồng bào dân tộc", chị H'Thương tâm sự.
H'Thương (đứng giữa, áo đỏ) tham gia vào đội cồng chiêng của xã Nam Nung.
Những ngày này, khi xã Nam Nung ghi nhận những ca mắc Covid-19, hàng ngày H'Thương cùng cán bộ ngành y đi từng thôn, buôn để tuyên truyền về phòng chống dịch. Tuy nhiên, mỗi khi trở về nhà, người con M'nông lại miệt mài với công việc đan lát, dệt thổ cẩm mà chị được truyền lại từ bà, từ mẹ.
"Mình rất thích dệt thổ cẩm. Bao năm nay cứ duy trì thói quen này, vừa để giữ nghề truyền thống vừa cân bằng cuộc sống với công việc của một cán bộ xã", H'Thương giọng khấp khởi rằng, chỉ vài năm nữa, đứa con gái đầu của chị cũng thành thạo việc này.
Luôn trăn trở tìm cách giúp đồng bào thoát cái khó, cái nghèo.
H'Thương đã có hơn 5 năm là Phó Chủ tịch UBND xã Nam Nung. Suốt thời gian qua, điều làm chị suy nghĩ nhất là "thấy đời sống của người dân vẫn chưa thay đổi", xã vẫn còn nhiều hộ nghèo.
Là người con Nam Nung, chị H'Thương trăn trở khi thấy cảnh bà con vẫn duy trì lối sản xuất tự cung, tự cấp, sản phẩm làm ra chỉ tiêu thụ trong phạm vi hẹp. "Giấc mơ" làm giàu từ thổ cẩm, đan lát, rượu cần vẫn còn xa vời với người dân Nam Nung.
Nữ cán bộ người M'nông cho biết, xem trên ti vi, đọc trên báo, chị thấy rất nhiều địa phương giúp dân thoát nghèo nhờ phát triển các ngành nghề truyền thống.
Chị ấp ủ suy nghĩ và tự hỏi mình: "Bà con xã Nam Nung có thể làm như vậy được không ?"
Trong suốt nhiều năm qua, nữ cán bộ xã Nam Nung luôn trăn trở về cách để bà con thoát nghèo.
"Trên địa bàn xã có rất nhiều nghệ nhân thành thạo nghề truyền thống. Thế nhưng hiện nay để sống được với nghề thực sự khó. Nguyên nhân là sản phẩm chưa có thị trường tiêu thụ ổn định", Phó Chủ tịch UBND xã Nam Nung nói.
H'Thương tâm niệm, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc phải gắn liền với công tác xóa đói, giảm nghèo. Trong những lần được đi giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, tham dự các sự kiện văn hóa, chị luôn tranh thủ cơ hội để quảng bá sản phẩm, hình ảnh và con người ở quê hương có căn cứ địa cách mạng Nam Nung.
"Hiện tôi đã kết nối được với một số cá nhân tại Đắk Nông và Đắk Lắk để tìm đầu ra cho sản phẩm truyền thống xã Nam Nung. Bà con biết được thông tin nên thích lắm. Hy vọng trong tương lai không xa, những sản phẩm truyền thống đặc sắc của Nam Nung sẽ đến tay nhiều người tiêu dùng", H'Thương chia sẻ thêm.
Ông Nguyễn Xuân Danh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Nô đánh giá: "Trong những năm qua, chị Thương đã nỗ lực rất nhiều trong việc phát huy những bản sắc văn hóa đồng bào M'nông. "Sợi dây văn hóa" được nối dài, một phần nhờ sự nỗ lực, tâm huyết của nữ Phó chủ tịch UBND xã người N'nông".
Đặng Dương