Dự báo bão số 5 có thể đổ bộ vào đất liền sớm, gây mưa to và gió mạnh trên địa bàn, tỉnh Quang Nam yêu cầu người dân không ra đường từ 20h tối nay, 11/9, tỉnh Quảng Trị thì "giới nghiêm" từ 22h đêm...
Quảng Nam: Người dân không ra đường từ 20h tối 11/9 để tránh bão
Chiều 11/9, ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch tỉnh Quảng Nam đã ký văn bản về việc chủ động ứng phó bão số 5 và mưa lớn diễn ra trên địa bàn, bắt đầu từ chiều tối 11/9.
Chủ tịch tỉnh Quảng Nam yêu cầu các lực lượng cứu nạn, cứu hộ duy trì lực lượng và phương tiện, sẵn sàng ứng phó khi có yêu cầu.
Văn bản nêu rõ nội dung khuyến cáo người dân trên địa bàn không nên ra đường từ 20h ngày 11/9 cho đến khi bão tan, trừ lực lượng làm công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp.
Toàn tỉnh Quảng Nam vẫn còn hơn 4.500 ha lúa chưa thu hoạch trước bão số 5.
Trong chiều 11/9, theo ghi nhận của PV Dân trí tại thị xã Điện Bàn và TP Hội An, mưa to kèm gió mạnh do ảnh hưởng bão số 5 đã khiến nhiều diện tích lúa tại các địa phương này bị ngã rạp, nhiều ruộng lúa bị ngập sâu trong nước. Đây đều là lúa đang vào kỳ thu hoạch.
Theo ông Nguyễn Văn Hùng (người dân xã Cẩm Thanh, TP Hội An), máy gặt lúa không xuể, hiện vẫn còn hơn 50% diện tích lúa vẫn chưa được thu hoạch. Do diện tích lúa lớn nên các máy chạy không kịp.
Một ruộng lúa người dân đang thu hoạch phải bỏ dở vì mưa lớn.
Nhà ông Hùng có 2 sào lúa đang kỳ thu hoạch, hiện 60% diện tích bị ngã. Ông Hùng dự đoán khi bão đổ bộ, thiệt hại sẽ lớn hơn.
"Phải đợi bão tan, nắng lên mới đưa máy xuống thu hoạch được. Ở đây dân không có máy tuốt lúa thủ công nên không thể gặt tay, thất thoát cũng đành chịu thôi", ông Hùng cho hay.
Trước đó, để chủ động ứng phó bão số 5, UBND tỉnh và ngành nông nghiệp liên tục có các văn bản chỉ đạo chính quyền các địa phương tập trung đôn đốc, hỗ trợ nông dân gấp rút thu hoạch các loại nông sản sản xuất trong vụ hè thu 2021 với phương châm "xanh nhà hơn già đồng".
Lúa thu hoạch chưa kịp phơi khô, người dân phải bọc lúa để ngoài đường chờ nắng lên.
Theo ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn, vụ hè thu nông dân Điện Bàn canh tác 5.400 ha lúa nước. Để chủ động ứng phó bão số 5, chính quyền các địa phương đã huy động 120 máy gặt đập liên hợp gấp rút thu hoạch những ruộng lúa đã chín. Đến trước khi bão số 5 đổ bộ, diện tích lúa trên địa bàn thị xã đã thu hoạch hơn 4.400 ha.
Dự kiến đến ngày 12/9, khi bão số 5 áp sát bờ tỉnh Quảng Nam sẽ còn khoảng hơn 4.500 ha lúa nước. Trong đó Điện Bàn 1.000 ha, Phú Ninh 400 ha, Đại Lộc 448 ha, Hội An 200 ha...
Trong lúc mưa lớn, người dân đánh bắt cá bất chấp khuyến cáo.
Ngoài , trong chiều 11/9, toàn tỉnh đã thu hoạch được hơn 50% trong gần 5.000 ha, gần 900 ha đậu phộng... Riêng mè và dưa hấu, người dân đã thu hoạch xong.
Đối với ngành nuôi trồng thủy sản, ngành nông nghiệp cùng chính quyền các cấp đã khẩn trương gia cố, đắp cao bờ bao để tránh xảy ra tình trạng mưa lớn gây sạt lở, cuốn trôi. Đặc biệt, khuyến cáo người dân theo dõi sát diễn biến tình hình mưa lũ để chủ động việc thu hoạch tôm, cá... nhằm hạn chế thiệt hại.
Quảng Trị: Người dân tuyệt đối không ra khỏi nhà từ 22h đêm nay
Ngày 11/9, tỉnh Quảng Trị ra công điện khẩn yêu cầu các ngành, địa phương tập trung ứng phó với bão số 5. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương hoàn thành công tác sơ tán dân tránh bão trước 20h ngày 11/9.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị kiểm tra công tác phòng, chống bão ngày 10/9.
Nhằm đảm bảo an toàn về người, tỉnh Quảng Trị yêu cầu các địa phương tuyệt đối không để người dân ra khỏi nhà từ 22h, ngày 11/9 (trừ các lực lượng tham gia công tác phòng, chống bão, lũ và các công việc cấp bách khác).
Giao Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn theo dõi, nắm tình hình, thường xuyên tổng hợp báo cáo và tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo công tác phòng, chống bão, mưa lũ phù hợp với diễn biến thực tế.
Trước đó, tỉnh Quảng Trị đã lên kế hoạch sơ tán dân tránh bão (cấp độ 3), dự kiến cần sơ tán hơn 9.000 hộ với 28.140 nhân khẩu của 4 huyện ven biển và huyện đảo Cồn Cỏ; trong đó, ưu tiên phương án di dời khẩn cấp 1.800 hộ với 6.340 nhân khẩu dễ bị ảnh hưởng của các xã ven biển.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị lưu ý, các địa phương cần trưng dụng các cơ sở kiên cố như: Trụ sở, nhà văn hóa, trường học... để hỗ trợ người dân sơ tán, tránh bão. Công tác sơ tán cần đảm bảo phòng dịch, không tập trung quá đông người trong cùng một địa điểm, tránh nguy cơ dịch lây lan. Tại các cơ sở tránh trú bão cần đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch.
Theo dự báo mới nhất của Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia, hiện nay bão số 5 (bão Conson) đang di chuyển nhanh hướng về đất liền các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi, thời gian dự kiến đổ bộ sớm hơn, gây mưa to và gió mạnh trên địa bàn Quảng Trị từ rạng sáng 12/9.
Bộ đội Biên phòng giúp người dân đưa thuyền lên bờ.
Tại Quảng Trị, theo ghi nhận từ chiều tối 11/9, nhiều địa bàn xuất hiện mưa lớn kèm sấm sét.
Ông Võ Viết Cường, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đảo Cồn Cỏ cho biết, nhằm chủ động ứng phó với bão số 5, chính quyền địa phương cùng các lực lượng vũ trang đã kêu gọi người dân đưa tàu, thuyền vào nơi tránh trú an toàn, gia cố, chằng chéo nhà cửa và các công trình.
Sáng cùng ngày, địa phương đã huy động lực lượng đưa thuyền của người dân lên bờ. Trong chiều nay, địa bàn huyện đảo Cồn Cỏ mưa không đáng kể, gió nhẹ khoảng cấp 4, cấp 5.
Theo thông tin từ UBND huyện Hướng Hóa, địa phương có hàng chục thôn, bản nằm ở khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Trong đó, có 12 thôn/6 xã với gần 150 hộ dân có nguy cơ cao sạt lở đất, lũ ống, lũ quét do ảnh hưởng thi công công trình điện gió.
Ông Nguyễn Đăng Quang, Phó Bí thư Thường trực tỉnh Quảng Trị kiểm tra tình hình tại huyện Hướng Hóa.
Huyện này đã chỉ đạo các địa phương tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi sát diễn biến mưa bão để kịp thời xử lý các tình huống, chủ động sơ tán người dân đến nơi an toàn.
Trước đó, trong buổi kiểm tra một số công trình điện gió ở huyện Hướng Hóa, ông Nguyễn Đăng Quang, Phó Bí thư Thường trực tỉnh Quảng Trị yêu cầu các ngành, địa phương đôn đốc chủ đầu tư chủ động các biện pháp đảm bảo an toàn cho người lao động, phương tiện và người dân sinh sống trong khu vực; gia cố kịp thời các bãi thải, xử lý những đoạn đường thi công có nguy cơ chia cắt; chủ động nạo vét thông thoáng dòng chảy, tháo dỡ, dọn dẹp những vật cản trên bờ kênh, mương để tiêu thoát nước; cắm biển cảnh báo những khu vực xung yếu, khu vực nguy cơ cao để cảnh báo người dân.
Thanh Hóa: Test Covid-19 cho ngư dân, chuẩn bị sơ tán dân ven biển
Test Covid-19 cho ngư dân, lên phương án sơ tán vùng ngập lụt ven biển.
Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 5, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu các địa phương, đơn vị sẵn sàng ứng phó với thiên tai, đặc biệt là phương án sơ tán dân, đảm bảo an toàn trong trường hợp xảy ra bão mạnh, mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất...
Để chủ động ứng phó với bão số 5, ông Lê Trương Dương, ở xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa đã thu dọn hành lý, dừng đi biển để về nhà chuẩn bị cho việc chống bão.
Những ngày qua, mặc dù bão số 5 chưa đổ bộ vào đất liền nhưng các địa phương vùng biển Thanh Hóa đã khẩn trương lên phương án để chủ động ứng phó.
Theo ghi nhận tại xã ven biển Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa, đến ngày 11/9, địa phương này đã hoàn tất phương án sơ tán cho các hộ dân sinh sống ven biển có nguy cơ ngập lụt.
Theo ông Lê Thanh Cảnh, Chủ tịch UBND xã Hoằng Trường, địa phương đã có phương án sơ tán gần 600 hộ dân với hơn 2.500 nhân khẩu sinh sống dọc bờ biển. Địa phương đã chọn 3 địa điểm gồm hai trường học và Trạm rada quân sự đóng trên địa bàn xã để làm địa điểm tập trung cho người dân thuộc diện sơ tán.
Khu vực dân cư tại thôn Liên Minh (xã Hoằng Trường, Hoằng Hóa) nằm trong diện có nguy cơ ngập lụt khi bão đổ bộ.
Để đảm bảo công tác vừa ứng phó với bão vừa phòng, chống dịch Covid-19, địa phương này cũng đang triển khai việc test nhanh cho người dân thuộc diện sơ tán. Hơn 200 người đã được test và cho kết quả âm tính, địa phương này sẽ thực hiện khẩn trương việc test nhanh trước khi bão đổ bộ đất liền.
Cũng theo ông Lê Thanh Cảnh, tính đến ngày 11/9, toàn bộ số tàu, bè mảng (105 tàu, bè mảng 358) trên địa bàn đã vào bờ, neo đậu an toàn.
Các trường học sẽ được trưng dụng làm nơi ở cho người dân sơ tán khi bão đổ bộ.
Tại xã Hòa Lộc (huyện Hậu Lộc), địa phương này cũng đã lên phương án sơ tán hơn 400 hộ dân với hơn 1.000 nhân khẩu tại 3 thôn nghề cá trên địa bàn.
"Về phương án thì chính quyền địa phương sẽ sử dụng trường tiểu học và công sở xã để làm nơi tập trung cho các hộ sơ tán. Đối với tàu thuyền thì tất cả 142 phương tiện đã cập bến an toàn", ông Nguyễn Văn Huân, Phó chủ tịch UBND xã Hòa Lộc, cho biết.
Tàu thuyền neo đậu vào nơi tránh trú an toàn trước giờ bão đổ bộ tại huyện Hoằng Hóa.
Đối với các ngư dân sau khi vào bờ sẽ thực hiện việc khai báo y tế, đối với các trường hợp hoạt động đánh bắt ở tỉnh ngoài hoặc các ngư dân ở tỉnh ngoài vào tránh trú thì sẽ thực hiện test nhanh để tầm soát Covid-19.
Tại cảng cá Lạch Bạng, phường Hải Bình (thị xã Nghi Sơn), hàng trăm ngư dân sau khi vào bờ đã được hướng dẫn đến khu vực tổ chức lấy mẫu để test nhanh Covid-19 theo quy định.
Chính quyền phường Hải Bình, thị xã Nghi Sơn thực hiện test Covid-19 đối với các ngư dân vào tránh trú bão.
Trước đó, ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương lên phương án vừa phòng, chống bão số 5 đồng thời đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19. Đối với tàu thuyền của các tỉnh khác vào tỉnh Thanh Hóa trú bão thì các thuyền viên trên tàu phải được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 và bố trí khu cách ly tập trung tạm thời riêng cho các thuyền viên; sau khi bão tan, khẩn trương bố trí các thuyền viên quay trở lại tàu.
Đối với người dân khu vực ven biển phải sơ tán, thì các địa phương phải tổ chức xét nghiệm Covid-19 cho người dân. Riêng khu vực đang thực hiện giãn cách xã hội thì hạn chế đến mức tối đa việc sơ tán tập trung; ưu tiên việc chằng chống, gia cố an toàn nhà cửa để ứng phó với bão. Trong trường hợp bắt buộc phải sơ tán tập trung, thì cần tuân thủ thực hiện "5K"…
Đăng Đức - Thanh Tùng - Công Bính - Ngô Linh