Nhiều ngư dân xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ, TPHCM) phấn khởi ra khơi đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản sau hơn hai tháng thực hiện giãn cách xã hội.
Ông Trần Thanh Hùng (44 tuổi, ngụ ấp Thạnh Bình, xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, TPHCM) cười rạng rỡ khi cùng bạn rời bến neo tàu ra bãi nuôi hàu. Hơn hai tháng qua, ông Hùng và nhiều ngư dân khác không ra khỏi nhà vì giãn cách xã hội.
Chèo chiếc xuồng nhỏ len lỏi qua các bè nuôi hàu, ông Hùng cho biết: "Dịch bệnh ác liệt quá, hơn hai tháng neo tàu ở nhà. Tâm huyết của mình đổ vào đây hết, mong dịch bệnh qua nhanh để công việc của tôi và người dân xã đảo thuận lợi hơn".
"Hơn hai tháng không được chăm sóc, rong rêu bám đầy các vỉ hàu. Những vỉ bê tông này giờ phải cắt bỏ. Mặc dù đang khó khăn nhưng phải thay cái mới hàu mới bám được", ông Hùng than thở.
Theo ông Hùng, khi nghề nuôi hàu mới rộ chưa đến một năm là có thể thu hoạch. Nhưng hiện tại mất khoảng hai năm mới có bán do số hộ nuôi tăng cao khiến nguồn nước không đủ thức ăn, hàu lớn chậm.
Một giàn nuôi hàu của ông Hùng vừa được sửa xong, đang chờ dây buộc vỉ bê tông. Các cọc bị gãy đa phần do những con hà, cua đá ăn mòn sau thời gian dài không ra chăm sóc.
Ngoài niềm vui được ra bè nuôi hàu, đây cũng là ngày đầu tiên ông Hùng thả lưới đánh cá sau hai tháng ở nhà tránh dịch.
Niềm vui hiện rõ trên những gương mặt của các ngư dân xã đảo khi được ra khơi tham gia đánh bắt và nuôi thủy sản. Xã Thạnh An hiện có 122 hộ với 193 lao động hành nghề đánh lưới cá, tôm, cua, ghẹ. Nghề bắt bãi có 43 hộ với hơn 40 lao động.
Một hộ nuôi hàu bằng phao nổi đang kiểm tra lại dàn phao xem có hư hại gì không sau nhiều tháng không ra chăm sóc.
Em Bùi Văn Khánh (19 tuổi) tranh thủ ra thả lưới kiếm ít cá về cải thiện bữa ăn. "Hơn hai tháng toàn nhờ người đi chợ hộ và đồ cứu trợ của địa phương. Nay xã cấp giấy cho phép đánh bắt em mới ra, nói thiệt là nhớ biển lắm", Khánh nói.
Sau khi được cấp "Phiếu tham gia sản xuất thủy sản" nhiều người dân tranh thủ ra đánh bắt cá gần bờ kể cả vào ban đêm.
"Dịch rồi tui kẹt lại ở đây hơn hai tháng. Mỗi đêm giăng câu kiếm con cá chờ qua dịch để về quê", ông Nguyễn Tùng (Tiền Giang) nói.
Ông Lê Hữu Tình đã hơn hai tháng qua sống trên ghe để giữ hàu. "Hai tháng rồi mới được mấy chú cấp cho cái giấy, nói thiệt là nhớ nhà lắm. Tôi tranh thủ lên nhà lấy ít đồ, giấy phép ra biển rồi quay lại ngay, không dám đi đâu hay gặp ai", ông Tình trình bày.
Theo UBND xã Thạnh An, người tham gia sản xuất thủy sản phải tiêm 2 mũi hoặc ít nhất 1 mũi vắc xin phòng Covid-19 đã qua 14 ngày sau khi tiêm và xét nghiệm 5 ngày/một lần.
Phải đăng ký sản xuất và thực hiện các quy định phòng, chống dịch Covid-19 để được cấp giấy đi đường; thực hiện nguyên tắc "một cung đường 2 địa điểm" trong quá trình lưu thông và sản xuất.
Cầu cảng xã đảo Thạnh An cũng nhộn nhịp ghe thuyền hơn trước vì một số người dân được cấp giấy ra khơi đánh bắt.
UBND xã Thạnh An, huyện Cần Giờ xây dựng phương án tổ chức thí điểm sản xuất, kinh doanh một số lĩnh vực kinh tế sau ngày 16-30/9 trên địa bàn xã với mục đích:
- Từng bước khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên nguyên tắc vừa đảm bảo phát triển kinh tế vừa an toàn phòng, chống dịch Covid-19.
- Phát huy, nâng cao tính chấp hành các quy định phòng, chống dịch Covid-19 đối với các chủ thể thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước và Nhân dân trên địa bàn xã trong công tác tái phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
- Ưu tiên phục hồi các hoạt động sản xuất đặc thù, sản xuất chính, mang lại giá trị kinh tế cho người dân, địa phương và hoạt động cung ứng lương thực, thực phẩm thiết yếu trên nguyên tắc phải đảm bảo công tác và các quy tắc trong phòng, chống dịch Covid-19.