10 năm trở lại đây, Thanh Hóa đã trồng mới được khoảng hơn 20.000 ha rừng lim với kỳ vọng sẽ tái sinh "lá phổi xanh" vốn bị cạn kiệt từ hàng chục năm trước.
"Báu vật" giữa rừng
Lim xanh được xem là cây bản địa, phân bố chủ yếu tại các huyện miền núi Như Xuân, Như Thanh, Thường Xuân, Bá Thước... của tỉnh Thanh Hóa, với tổng diện tích ước có khoảng 200.000 ha. Trong đó, tập trung nhiều nhất tại vườn quốc gia Bến En (huyện Như Thanh, Thanh Hóa).
Cả khu rừng chỉ còn sót lại một cây lim cổ thụ.
Với nhiều người dân vùng ven của Vườn quốc gia Bến En vẫn không thể quên được những cánh rừng lim bạt ngàn của những năm 1980, không khỏi tiếc nuối khi chứng kiến những cây lim hàng chục năm tuổi bị đốn hạ không thương tiếc.
Khoảng 10 năm sau, khi Vườn quốc gia Bến En được thành lập, việc khai thác rừng của các lâm trường mới dừng lại. Thế nhưng, lúc này, những cánh rừng gỗ lớn, trong đó có lim xanh hầu như đã bị khai thác cạn kiệt.
Theo ông Lê Văn Tý (ở xã Phú Nhuận, huyện Như Thanh), khoảng năm 1980 trở về trước, cánh rừng nơi đây vẫn bạt ngàn đinh, lim, sến, táu. Sau đó, do khai thác ồ ạt nên những loại gỗ quý đó dần mất hết.
Cây lim còn sót lại được xem là "báu vật" của xứ Thanh.
"Thời điểm đó, do quá trình khai thác vô tội vạ khiến nguồn nước bị ảnh hưởng, mùa hè giếng trong thôn cạn trơ đáy, có hộ đào sâu cả hàng chục mét nhưng vẫn không có giọt nước nào" - ông Tý nói.
Theo ông Đặng Hữu Nghị - Giám đốc Vườn quốc gia Bến En, cả một khu rừng rộng hàng nghìn ha giờ chỉ duy nhất một cây lim cổ thụ còn sót lại. Cây lim xanh này có độ tuổi cả nghìn năm, nằm trên địa phận giáp ranh giữa 2 xã Xuân Khang (huyện Như Thanh) và xã Tân Bình (huyện Như Xuân).
Trên thân cây lim có 2 vết cắt, trong đó có một vết khá lớn được cắt sâu vào thân cây. Đây là dấu tích của những lần "lâm tặc" cố tình tìm cách triệt hạ cây lim. Tuy nhiên, nhờ sự quyết liệt bảo vệ cây đến cùng của lực lượng kiểm lâm mà "cụ cây" còn tồn tại tới bây giờ.
Cũng theo ông Nghị, cây lim hiện không chỉ là "báu vật" tại Vườn quốc gia Bến En mà nó còn có giá trị rất lớn về mặt bảo tồn, để duy trì nguồn gen của loài cây quý hiếm này.
Tái sinh "lá phổi xanh"
Để loài cây nguy cấp, quý hiếm này không bị tuyệt chủng, gần 10 năm qua, ngành lâm nghiệp tỉnh Thanh Hóa đang từng bước khoanh nuôi, bảo vệ, trồng mới hàng ngàn ha, với kỳ vọng tái sinh "lá phổi xanh", phát triển hệ sinh thái, chống xói mòn, ngăn lũ lụt.
Được biết, hiện tại Vườn quốc gia Bến En đang có khoảng gần 11.000 ha lim xanh, phân bố rải rác trong vườn. Trong đó, lim tập trung nhiều nhất tại khu vực Điện Ngọc và Sông Chàng.
Lim được ươm tại Vườn quốc gia Bến En.
Theo ông Nguyễn Đình Hiếu - Phó Giám đốc Vườn quốc gia Bến En, để có giống phục vụ việc trồng và cung cấp cây giống cho các đơn vị trong vùng, cán bộ phải vào tận rừng sâu tìm, lựa chọn những cây lim tự nhiên có sức phát triển tốt, tuổi đời khoảng 12 năm trở lên làm cây bố mẹ để lấy hạt về ươm cây con. Mỗi năm, đơn vị thu hoạch được khoảng 3 tạ hạt, phục vụ cho việc ươm cây giống.
"Theo kế hoạch, đến năm 2030, Vườn quốc gia Bến En sẽ trồng mới thêm khoảng 1.000 ha rừng lim xanh. Chúng tôi kỳ vọng khoảng 20-30 năm nữa, du khách đến đây sẽ được chứng kiến những cánh rừng lim xanh bạt ngàn" - ông Hiếu cho biết.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa (NN&PTNT) cho biết, đến nay địa phương đã trồng mới được khoảng hơn 20.000 ha rừng có lim xanh, bằng 10% diện tích trước đây.
Để tiếp tục mở rộng diện tích, tỉnh Thanh Hóa đang đề ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ khôi phục và phát triển thêm 10.000 ha lim xanh, đưa diện tích lim xanh toàn tỉnh lên 30.000 ha.
Hàng chục ha lim được trồng mới trong 10 năm qua.
Sở NN&PTNT cũng yêu cầu các địa phương, các lâm trường phối hợp điều tra, đánh giá cụ thể diện tích, mật độ, tình hình sinh trưởng và phát triển, sâu bệnh của lim xanh hiện có; tình hình tái sinh tự nhiên, diễn thế lim xanh trên các trạng thái rừng làm cơ sở xác định biện pháp kỹ thuật khôi phục và phát triển lim xanh; tuyển chọn loại giống lim xanh bảo đảm chất lượng phục vụ trồng rừng tập trung và phân tán.
Bình Minh