Đại biểu Phạm Đình Đoàn đề nghị thành phố đánh giá về tính hiệu quả của chiến lược chống dịch đã áp dụng, bởi lẽ việc khoanh vùng diện rộng gây tổn thất rất lớn đến các doanh nghiệp...
Ông Phạm Đình Đoàn đã nêu ra nhiều đề xuất của cộng đồng các doanh nghiệp tại kỳ họp sáng 22/9 (Ảnh chụp màn hình).
Ứng dụng công nghệ để giảm thiểu phiền hà
Sáng 22/9, phát biểu tại kỳ họp thứ 2 Hội đồng Nhân dân (HĐND) TP Hà Nội khóa XVI, đại biểu HĐND Phạm Đình Đoàn đã nêu ra 3 đề xuất của cộng đồng các doanh nghiệp gửi HĐND thành phố xem xét.
Theo ông Đoàn, thực tế cho thấy, để đảm bảo sản xuất kinh doanh, đầu tư thì các doanh nghiệp, tổ chức phụ thuộc rất nhiều vào việc chống dịch của thành phố và chịu ảnh hưởng rất nhiều vào các quyết định của thành phố.
"Đề nghị đánh giá về tính hiệu quả của chiến lược áp dụng như vừa rồi. Chúng ta từng áp dụng là "zero Covid" nhưng mà bây giờ chúng ta chắc chắn là phải sống chung với Covid-19 và giảm thiểu việc phong tỏa diện rộng. Bởi nếu tính chi ly tổn thất của các doanh nghiệp trong thời gian khoanh vùng diện rộng rất là lớn" - ông Đoàn khẳng định và đề nghị nên khoanh vùng hạn chế.
Tiếp tục nêu ý kiến, vị đại biểu này đề nghị thành phố cần triển khai tối đa việc áp dụng công nghệ thông tin vào trong công tác phòng, chống dịch, như: khai báo điện tử, sử dụng mã QR, hệ thống tiêm chủng vắc xin… bởi những điều này đều nằm trong "chương trình dài hạn".
"Chúng ta xây dựng Smart city (thành phố thông minh - PV) thì phải đi đầu cả nước về áp dụng công nghệ cao để giảm thiểu sự phiền hà đối với người dân và doanh nghiệp" - ông Đoàn phân tích.
Về đề xuất thứ 3, theo ông Đoàn, cần đặc biệt lưu ý việc đảm bảo lưu thông hàng hóa tối thiểu của người dân trong bất kỳ tình huống nào. Thực tiễn vừa qua cho thấy, Hà Nội đã có rất nhiều quyết định làm cho công tác phục vụ nhu cầu thiết yếu cho người dân không được thông suốt.
Ông Phạm Đình Đoàn đề nghị, thành phố đánh giá về tính hiệu quả của chiến lược chống dịch đã áp dụng, bởi lẽ việc khoanh vùng diện rộng gây tổn thất rất lớn đến các doanh nghiệp... (Ảnh minh họa).
Cần có chính sách "giãn" và "giảm" hỗ trợ doanh nghiệp?
Về nhóm giải pháp các chính sách hiệu quả cho doanh nghiệp, ông Đoàn đề nghị ngoài việc triển khai hỗ trợ doanh nghiệp thì thành phố nên đưa ra khái niệm "doanh nghiệp tốt" để có những chính sách áp dụng với doanh nghiệp thuộc diện này.
Bên cạnh đó, trong việc xây dựng chính sách, thành phố cần phải có các cuộc đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp. Ông Phạm Đình Đoàn đề nghị trong Ban xây dựng chính sách cần có thành phần "tinh hoa" của hiệp hội, doanh nghiệp vì họ sống hàng giờ, hàng ngày với "nhịp đập" kinh tế nên sẽ cho "chính sách đúng".
Đề xuất thứ 3 tiếp tục được nêu ra là các nhóm giải pháp về chính sách thuế, phí và lãi suất ngân hàng. Ông Đoàn phân tích, đối với doanh nghiệp hiện đang gặp 2 khó khăn lớn nhất là mất cân đối dòng tiền và không có lợi nhuận vì chi phí bỏ ra lớn.
Riêng chi phí phòng, chống dịch của từng doanh nghiệp đã cần nhiều tiền, lại còn chi phí không làm ra lợi nhuận mà vẫn phải trả lương… Vì vậy, ông đề xuất thành phố và Chính phủ cần có chính sách "giãn và giảm".
Trong đó, "giãn" quan trọng hơn vì nguồn lực của thành phố và Chính phủ không thể vô hạn nhưng rõ ràng, ở thời điểm hiện tại thì người dân, doanh nghiệp cần thời gian "giãn nợ" rồi trả tiền sau 6 tháng hoặc một năm. Riêng những vấn đề gì "giảm" được thì giảm cho người dân, doanh nghiệp và điều này sẽ rất tốt. Sau đó, ông Đoàn cho biết sẽ có đề xuất cụ thể hơn.
"Thủ đô có 8 triệu dân, gần 300 nghìn doanh nghiệp. Đó là một "kho chất xám" rất lớn và nếu như thành phố để cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp đóng góp, hiến kế thì không những vượt qua được dịch bệnh mà còn vượt qua được nhiều việc lớn khác để xây dựng thành phố văn minh, giàu đẹp" - ông Đoàn cho hay.
Kỳ họp thứ 2 HĐND TP Hà Nội khóa XVI sẽ tập trung đánh giá khách quan, toàn diện về tình hình phát triển kinh tế, xã hội 8 tháng đầu năm, thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế và đề ra các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2021, phù hợp với thực tiễn của thành phố.
Xem xét, thảo luận và thông qua 15 báo cáo, 2 nghị quyết thường kỳ và 16 nghị quyết chuyên đề. Trong đó, có những nghị quyết rất quan trọng như: Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm; Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025; trong đó, TP sẽ tập trung, cân đối, bố trí nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông khu vực ngoại thành (Quốc lộ 1A, Quốc lộ 6, Quốc lộ 32...). Đặc biệt là việc đầu tư đường vành đai 4 nhằm mở rộng không gian phát triển, kết nối giao thông với các tỉnh, TP vùng Thủ đô.
Cùng với đó, tiếp tục quan tâm xây dựng, nâng cấp các bệnh viện, trường học, các thiết chế văn hóa và tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử; xem xét thông qua Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ nhằm tạo cơ sở cho UBND TP khẩn trương triển khai kế hoạch thực hiện hiệu quả trong thời gian tới; chính sách về hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non và học sinh phổ thông năm học 2021-2022 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19; quy định đối tượng và mức chuẩn trợ cấp xã hội trên địa bàn TP và nhiều nội dung quan trọng khác.
Nguyễn Trường