Bộ Tư pháp vừa tổ chức cuộc họp liên ngành nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
Lãnh đạo liên ngành đã nghe Tổng cục Thi hành án dân sự báo cáo tiến độ, kết quả thi hành án một số vụ việc thuộc danh sách Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo và những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành án như: Khó khăn trong việc xử lý tài sản kê biên quyền sử dụng đất nông nghiệp hết thời hạn sử dụng; việc xử lý tài sản là cổ phần, cổ phiếu của các ngân hàng thương mại cổ phần; việc xem xét đề nghị cấn trừ nghĩa vụ thi hành án trong một số vụ việc.
Theo thông tin từ Bộ Tư pháp, lãnh đạo các bộ, ngành đã ghi nhận, chia sẻ những khó khăn, vất vả và áp lực của cơ quan thi hành án dân sự trước những yêu cầu, thách thức trong bối cảnh, tình hình hiện nay, nhất là trong tổ chức thi hành các vụ việc có giá trị lớn, tính chất pháp lý phức tạp, các vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo; đồng thời cho ý kiến đối với từng khó khăn, vướng mắc cụ thể.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi phát biểu tại cuộc họp (Ảnh: BTP).
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi đề nghị các bộ ngành liên quan kịp thời có văn bản hướng dẫn để thống nhất chỉ đạo tháo gỡ; Tòa án Nhân dân tối cao xem xét giải quyết các kiến nghị theo thẩm quyền, đảm bảo quyền và nghĩa vụ hợp pháp của các bên liên quan.
Ông Khôi yêu cầu Tổng cục Thi hành án dân sự tiếp tục tăng cường kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thi hành án tiến hành xử lý tài sản để thi hành án đảm bảo đúng quy định pháp luật; đề nghị các Bộ, ngành tiếp tục quan tâm, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự trong thời gian tới để nâng cao hiệu quả công tác thi hành án nói chung, công tác thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng nói riêng, thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 04-CT/TW của Ban Bí Thư đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt.
Kết quả thi hành án gặp khó vì Covid-19
Báo cáo về công tác thi hành án năm nay cho thấy, Bộ Tư pháp đã tích cực, chủ động triển khai nhiều giải pháp tổng thể, linh hoạt, phù hợp để chỉ đạo hệ thống thi hành án dân sự cố gắng đạt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên kết quả thi hành án về tiền đạt thấp hơn cùng kỳ năm 2020; kết quả thu hồi các khoản nợ của các tổ chức tín dụng, kết quả thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế vẫn còn thấp hơn so với yêu cầu.
Riêng về kết quả thi hành án đối với các khoản bị chiếm đoạt trong vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, số việc có điều kiện là 3.047 việc, đã thi hành xong 1.745 việc. Số tiền, giá trị tài sản có điều kiện là hơn 33.000 tỷ đồng, đã thu được hơn 2.008 tỷ đồng.
Một trong những nguyên nhân chính ảnh hưởng tới kết quả thi hành án nêu trên là tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài ở nhiều phương có lượng việc, tiền lớn (chiếm tới 80% lượng việc, tiền của cả nước) như TPHCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Hà Nội, Đà Nẵng...
Như Dân trí phản ánh mới đây, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự đã yêu cầu toàn hệ thống xây dựng "Chương trình hành động đẩy mạnh phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng, sai phạm trong thi hành án dân sự giai đoạn 2021-2025" tại đơn vị mình. Trong đó phải cụ thể, các giải pháp phải rõ ràng, bảo đảm tất cả các khâu của quá trình thi hành án dân sự phải được kiểm soát chặt chẽ, không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, sai phạm.
Về tổ chức thi hành án, phải tập trung giải pháp để phòng ngừa, kiểm soát tốt các khâu: Phân công tổ chức thi hành vụ việc cho chấp hành viên; việc thực hiện các trình tự thủ tục, tiến độ thi hành án; cách thức, giải pháp để kiểm soát việc chấp hành viên, nhất là hoạt động kê biên, định giá, đưa tài sản ra bán đấu giá; kiểm soát chặt chẽ việc tổ chức bán đấu giá tài sản; tổ chức cưỡng chế thi hành án có huy động lực lượng; công khai họ tên, chức vụ của người có thẩm quyền giải quyết công việc thi hành án dân sự cho tổ chức, cá nhân có liên quan biết; việc tập trung chỉ đạo, giải quyết những vụ án lớn, phức tạp, các vụ việc liên quan đến thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế...
Đối với các hành vi tiêu cực, tham nhũng, sai phạm đã được phát hiện, kết luận thì phải xử lý thật nghiêm, kể cả phải áp dụng các hình thức xử lý cao nhất, theo đúng tinh thần "không có vùng cấm, không có đặc quyền, không có ngoại lệ, không chịu sức ép của bất cứ tổ chức, cá nhân nào".
Thế Kha