Tại xã Trung Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình), người dân muốn ra đường trong trường hợp cấp bách, cần thiết sẽ liên hệ qua điện thoại đến UBND xã và được cấp giấy đi đường tận nhà.
Người dân cần giấy tờ gì để ra đường khi cần thiết?
Chiều 8/9, UBND tỉnh Quảng Bình đã có quyết định về việc điều chỉnh thời gian giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó tỉnh này tiếp tục gia hạn thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ tại TP Đồng Hới, huyện Bố Trạch và một số xã thuộc các huyện Quảng Ninh, Tuyên Hóa đến 19h ngày 15/9.
Quảng Bình quyết định kéo dài thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại TP Đồng Hới và huyện Bố Trạch đến ngày 15/9.
Trong 2 tuần qua, để phòng, chống dịch, tỉnh Quảng Bình siết chặt việc thực hiện Chỉ thị 16 tại các địa bàn đang thực hiện giãn cách xã hội. Địa phương này cũng lập các chốt kiểm soát chỉ cho phép người làm nhiệm vụ, các trường hợp cấp bách, cần thiết có giấy đi đường di chuyển nội huyện, thành phố.
Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã chịu trách nhiệm cấp giấy đi đường cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động để thực hiện các nhiệm vụ cấp bách, cần thiết, với số lượng tối đa không quá 20% tổng số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trực tiếp tại cơ quan.
Quảng Bình lập các chốt kiểm soát chỉ cho phép người làm nhiệm vụ, các trường hợp cấp bách, cần thiết có giấy đi đường di chuyển nội huyện, thành phố.
Đối với các địa phương tại Quảng Bình đang giãn cách theo Chỉ thị 16, người dân chỉ được phép ra đường trong các trường hợp cấp bách, cần thiết như đau ốm, thu hoạch nông sản, thủy hải sản đến vụ và các tiểu thương, đầu mối cung cấp hàng hóa thiết yếu…
Các trường hợp nói trên để có thể ra đường phải có giấy đi đường do UBND xã, phường cung cấp, có ghi rõ điểm đi, điểm đến, mục đích, theo mẫu của UBND cấp huyện, thành phố.
Để đảm bảo cung ứng đầy đủ lương thực, thực phẩm cho người dân, các địa phương tại Quảng Bình đã cung cấp giấy đi đường để các tiểu thương có thể phân phối, bán hàng hóa tận nhà người dân.
Tiểu thương kinh doanh hàng hóa thiết yếu có giấy đi đường sẽ được di chuyển qua các chốt tại địa bàn nội huyện, thành phố.
Đối với các tiểu thương kinh doanh hàng hóa thiết yếu, khi có giấy đi đường do cấp xã, phường cung cấp sẽ được di chuyển qua các chốt tại địa bàn nội huyện, thành phố nhưng phải trong lộ trình đã được ghi rõ trên giấy đi đường.
Bên cạnh đó, để hạn chế người dân ra đường nhưng vẫn có đầy đủ lương thực, thực phẩm thiết yếu, các địa phương tại Quảng Bình đã thành lập và cấp giấy đi đường cho đội ngũ "shipper xanh", cung ứng hàng hóa tận nhà người dân.
Cấp giấy đi đường tận nhà dân
Trong những ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, xã Trung Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) đã triển khai mô hình "shipper xanh" để cung ứng cũng như tiêu thụ hàng hóa, nông sản giúp bà con nông dân. Bên cạnh đó, đội ngũ "shipper xanh" này cũng đảm nhận luôn công tác chuyển giấy đi đường đến tận nhà người dân trong trường hợp cần thiết muốn đi ra ngoài.
Bên cạnh đi chợ, tiêu thụ nông sản giúp người dân, đội "shipper xanh" xã Trung Trạch cũng nhận nhiệm vụ đưa giấy đi đường đến tận nhà người dân.
Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Minh Quang, Chủ tịch UBND xã Trung Trạch cho biết, tại địa phương này, việc xác minh mục đích ra đường của người dân để quyết định cấp giấy hay không đều được thực hiện qua điện thoại. Xã Trung Trạch đã thông báo đến tận thôn, xóm về quy định phòng, chống dịch cũng như việc cấp giấy ra đường cho người dân.
Theo ông Nguyễn Minh Quang, trong các trường hợp cấp thiết, phải ra đường, người dân sẽ gọi vào số điện thoại của xã, trực 24/24 để trình bày nội dung ra đường, thời gian, nơi đến. Sau khi xem xét, xã sẽ lập tức cấp giấy và cử người đưa đến tận nhà dân.
Cơ quan chức năng tại huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình kiểm tra giấy đi đường của người dân.
Để hạn chế việc người dân có giấy đi không đúng mục đích, xã Trung Trạch cũng yêu cầu người được cấp giấy khi đi qua các chốt kiểm soát phải ký xác nhận để thể hiện lộ trình đi lại, phải đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.
"Các trường hợp cần thiết cấp bách như đau ốm, thu hoạch nông sản, thủy hải sản đến vụ thì đều được xem xét cấp giấy đi đường. Khi nắm được mục đích chính đáng, cần thiết của người dân, xã sẽ cấp giấy đi đường và giao đội shipper do Đoàn xã phụ trách đưa đến tận nhà dân", ông Quang cho hay.
Mẫu giấy đi đường tại huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Cũng như xã Trung Trạch, tại phường Đức Ninh Đông, TP Đồng Hới, UBND phường này cũng thực hiện việc xác minh mục đích ra đường của người dân bằng điện thoại. Khi được UBND phường đồng ý thì người dân mới đến trụ sở phường để nhận giấy đi đường, cách làm này sẽ giảm được tình trạng người dân ồ ạt chạy đến phường xin giấy khi mục đích chưa đáp ứng.
"Chúng tôi đã công bố số điện thoại lãnh đạo phường đến người dân, ai cần sẽ gọi điện, qua đó phường sẽ xác nhận luôn là trường hợp nào được cấp giấy. Đối với các trường hợp có mục đích chính đáng và cần thiết, phường cũng sẽ linh động để họ về trụ sở nhận giấy đi đường", ông Bùi Xuân Thường, Chủ tịch UBND phường Đức Ninh Đông nói.
Tại nhiều địa phương của Quảng Bình, các trường hợp có mục đích chính đáng và cần thiết sẽ được linh động để về trụ sở xã, phường nhận giấy đi đường.
Về vấn đề các phương tiện vận tải chở hàng hóa tại Quảng Bình, thời gian qua, Sở Giao thông vận tải tỉnh này cũng tích cực hướng dẫn, tư vấn để tài xế các phương tiện vận chuyển hàng hóa qua các địa bàn đăng ký luồng xanh để được cấp mã QR online một cách nhanh chóng, giảm các thủ tục rườm rà, không cần thiết, đảm bảo lưu thông hàng hóa qua các chốt kiểm soát, cũng như công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Sau gần 2 tuần bùng phát dịch, với sự chủ động, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự linh hoạt, áp dụng kịp thời kinh nghiệm của các tỉnh đi trước, Quảng Bình đã cơ bản khoanh vùng được các ổ dịch. Tỉnh Quảng Bình cũng sẽ cân nhắc, quyết định cho một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà máy... được phép hoạt động một cách cụ thể, bảo đảm các điều kiện an toàn phòng, chống dịch.
Tiến Thành