Hàng trăm người đến "hẹn" lại... bỏ nhà chạy!

Nhiều năm qua, 36 hộ dân sống ở núi Gành (thôn Đức Phổ 1, xã Cát Minh, huyện Phù Cát, Bình Định) cứ đến mùa mưa bão lại "bỏ nhà" xin đến nhà người quen lánh nạn vì nỗi lo sạt lở núi vùi nhà.

Hàng trăm người đến hẹn lại... bỏ nhà chạy! - 1

Vợ chồng ông Nguyễn Văn Cảnh bên ngồi nhà cũ kỹ chờ sập nên ông phải chuyển lên nhà con trai sát bên cạnh để ở.

Hiểm họa chờ chực

Đã 14 năm qua, bà Nguyễn Thị Phượng (55 tuổi, nhà ngay sát chân núi Gành, thôn Đức Phổ 1) vẫn chưa hết nguôi ngoai nỗi đau khi nhắc lại cái ngày định mệnh, chồng bà bị vùi trong đất đá từ trên núi đổ xuống, xô sập vách nhà và tử vong. Chồng mất, bà Phượng một mình vất vả, gồng gánh nuôi hai đứa con trai khi đó đang học cấp 3.

9- Doãn Công-2.jpeg

36 hộ dân ở núi Gành sống trong bất an mỗi khi mùa mưa bão đến.

Bà Phượng kể, khoảng năm 2007, do một nhà dân ở ngay phía trên nhà bà đào móc đất núi để mở rộng sân vườn. Chẳng may năm đó mưa bão lớn, nước từ trên núi đổ xuống cuốn theo nhiều khối đất đá sạt lở, đập thẳng xuống nhà bà.

"Hôm đó chồng tôi nằm ngủ ở nhà sau, sự việc xảy ra quá nhanh nên không kịp thoát thân. Chồng tôi sẽ chẳng chết oan, nếu không có việc gia đình nhà ở phía trên nhà tôi đào núi lấy đất để mở rộng sân vườn, cổng ngõ", bà Phượng nói.

Đối diện phía bên kia con đường dốc dẫn lên núi Gành là ngôi nhà cấp 4 đã cũ kỹ của hộ bà Nguyễn Thị Ở (68 tuổi). Phía trên nhà của bà Ở, còn có nhiều ngôi nhà lưng tựa vào núi, hiểm nguy luôn chực chờ khi mùa mưa bão đang đến.

Mùa chạy bão của 36 hộ dân sống ở núi Gành- Bình Định- 27/9- Doãn Công-3.jpg

Bà Nguyễn Thị Ở lo lắng nếu di dời đến khu tái định cư thì lấy tiền đâu xây nhà mới, còn ở lại thì nỗi lo sạt lở núi chờ chực.

Dáng người lọm khọm do bị thoái hóa cột sống nặng, bà Ở cho biết, đa số người dân sống ở núi Gành đều rất nghèo khổ nên phải lên núi đào móc đất lấy chỗ xây nhà để ở. Mỗi năm cứ tới mùa mưa bão, nhất là khi có bão lớn đổ bộ vào đất liền thì chính quyền địa phương đến từng hộ yêu cầu người dân di dời tránh bão, hết bão lại về.

"Khi nào có bão lớn là tôi đóng cửa lên chùa cách nhà vài trăm mét để lánh nạn, hết bão thì về nhà. Hơn 10 năm trước, ở đây từng xảy ra sạt lở núi, cuốn sập nhà làm một người dân trong xóm thiệt mạng. Cuối năm 2019, mưa bão lớn cũng xảy ra sạt lở núi, đất đá đổ xuống nhà dân nhưng may mắn không gây thiệt hại về người", bà Ở kể lại.

Mùa chạy bão của 36 hộ dân sống ở núi Gành- Bình Định- 27/9- Doãn Công-4.jpg

Mùa mưa bão năm 2020, gió quật đổ gãy những cây phi lao cả 15 năm tuổi.

Bà Ở chia sẻ thêm, hiện bà sống một mình, bản thân lại bị thoái hóa cột sống nặng. Hai người con gái đều làm công nhân ở TPHCM, trong khi con gái đầu lấy chồng nhưng cũng ly dị và một mình nuôi con nhỏ 8 tuổi. Con gái út chưa chồng, với đồng lương 5 triệu/tháng, chi tiêu chắt bóp mỗi tháng cũng gắng gửi về 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng để bà mua thuốc men. Song, hơn 3 tháng nay dịch Covid-19 ở TPHCM, con gái thất nghiệp nên khoản "viện trợ" ít ỏi cũng bị cắt.

Vì sao dân không mặn mà với tái định cư?

Ngôi nhà cũ chờ sập, vợ chồng Nguyễn Xuân Cảnh (68 tuổi, thôn Đức Phổ 1) phải chuyển lên nhà con trai, hiện làm công nhân tại TPHCM để ở. Theo chia sẻ của ông Cảnh, ngày trước để xây được ngôi nhà lấy chỗ che nắng mưa, vợ chồng ông bà cũng mất cả 2-3 tháng trời túc tắc đưa từng viên gạch, cộ cát (xe rùa) tập kết sẵn để thuê thợ xây nhà. Giờ đây, việc di dời đến khu tái định cư là điều tốt nhưng để xây nhà mới lại nằm ngoài khả năng tài chính, dẫu ông bà biết rằng hiểm nguy luôn rình rập khi mùa mưa bão đến.

Mùa chạy bão của 36 hộ dân sống ở núi Gành- Bình Định- 27/9- Doãn Công-5.jpg

Những lớp nhà xây dựng ngay lưng chừng núi Gành thuộc thôn Đức Phổ 1, xã Cát Minh.

Ông Cảnh tâm sự, biết là sống ở đây là rất nguy hiểm nhưng khổ lắm vợ chồng ông mới lên đây đục núi để xây tạm ngôi nhà nhỏ mà ở. "Chủ trương của Nhà nước di dời người dân đến khu tái định cư mới an toàn là rất điều tốt, nhưng đến nơi ở mới thì phải có tiền để xây dựng. Còn hoàn cảnh gia đình tôi quá khó khăn!" - ông Cảnh nói - "Con cái lấy chồng lấy vợ rồi vào TPHCM làm công nhân, cũng phải chạy ăn từng bữa. Vợ tôi bị tai biến liệt nửa người nằm một chỗ suốt 3 năm nay. Nếu vợ chồng còn trẻ có thể vay mượn ngân hàng, rồi làm trả nợ sau chứ giờ già sức đâu nữa để làm trả nợ".

Còn bà Phượng thì bày tỏ, gia đình bà chỉ đồng ý di dời với điều kiện đất đổi đất, còn trị giá ngôi nhà trước đây gia đình tôi xây dựng bao nhiêu thì bây giờ phải bồi thường bằng như vậy.

"Lẽ ra bố trí khu tái định cư cho người dân phải thuận tiện, đằng này lại đưa chúng tôi vào trong hốc núi", bà Phượng nói thêm.

Mùa chạy bão của 36 hộ dân sống ở núi Gành- Bình Định- 27/9- Doãn Công-6.jpg

Ngôi nhà chờ sập của gia đình ông Cảnh ở núi Gành xây cách đây hơn 30 chục năm.

Ông Trịnh Minh Bình - Chủ tịch UBND xã Cát Minh cho biết, đến nay địa phương đã bố trí xong khu tái định cư, nhưng hiện chưa thống nhất phương án bồi thường nhà cửa, cấp đất… nên chưa thể di dời người dân đến khu tái định cư mới trước mùa mưa bão năm nay.

Trong khi đó, ông Phạm Dũng Luận - Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát cho rằng, do địa phương đang lo chống dịch Covid-19 nên chưa triển khai được.

Ngày 14/9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh đã ký văn bản chỉ đạo về việc bố trí, di dời để ổn định dân cư khẩn cấp đối với 36 hộ dân vùng sạt lở đất dưới chân núi Gành (xã Cát Minh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định), sử dụng nguồn ngân sách Trung ương 720 triệu đồng để hỗ trợ bồi thường, giao đất nơi ở mới cho người vùng sạt lở núi Gành.

UBND tỉnh Bình Định giao UBND huyện Phù Cát hoàn thiện, phê duyệt phương án bố trí, ổn định dân cư khẩn cấp cho 36 hộ dân nói trên.

Cụ thể, tiến hành bồi thường đất ở tại vùng phải dời đi; giao đất cho 36 hộ dân tại khu tái định cư mới; xác định số tiền sử dụng đất, số tiền người dân vùng thiên tai được miễn giảm và bố trí ngân sách huyện và các nguồn vốn hợp pháp khác để hỗ trợ, bồi thường cho người dân yên tâm đến nơi ở mới ổn định, an toàn…

Nhiều năm qua, hàng chục hộ dân sống dưới chân núi Gành, sống thấp thỏm dưới vùng núi liên tục bị sạt lở, làm hư hại nhiều nhà dân. Trước mỗi mùa mưa bão, lãnh đạo tỉnh Bình Định nhiều lần yêu cầu huyện Phù Cát khẩn trương bố trí tái định cư, di dời khẩn cấp. Thế nhưng, đến mùa mưa 2021 này, người dân dưới chân núi Gành vẫn chưa được di dời và hiểm nguy vẫn chực chờ.

Doãn Công

Mới hơn Cũ hơn