Theo lãnh đạo Công an thành phố, việc Hà Nội cho phép mở một số hoạt động kinh doanh tại 19 quận, huyện khiến đơn vị gặp khó khăn khi kiểm soát người và phương tiện.
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền kết luận buổi giao ban trực tuyến chiều 16/9 (Ảnh chụp màn hình).
Thông tin nêu trên được Đại tá Nguyễn Hồng Ky - Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội đưa ra tại cuộc họp giao ban trực tuyến của Sở Chỉ huy phòng, chống dịch thành phố với các cơ quan, đơn vị liên quan vào chiều 16/9.
Cụ thể, Đại tá Nguyễn Hồng Ky cho biết, Chủ tịch UBND TP đã ra quyết định từ 12h ngày 16/9 cho phép mở một số cơ sở kinh doanh tại 19 quận, huyện. Điều này đã khiến đơn vị gặp một số khó khăn trong cơ chế kiểm soát người và phương tiện ra đường.
Vì vậy, Đại tá Ky kiến nghị UBND TP Hà Nội có quy định rõ để làm căn cứ kiểm tra, kiểm soát người và phương tiện di chuyển từng vùng và liên vùng sau khi nới lỏng hoạt động.
Về đề nghị của Công an thành phố Hà Nội, ông Quyền cho biết, thành phố sẽ có hướng dẫn chi tiết hơn nữa để lực lượng Công an thành phố thực hiện.
Tiếp tục phát biểu chỉ đạo tại buổi giao ban, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đánh giá cao sự vào cuộc chủ động, có trách nhiệm của các sở, ngành, quận, huyện, thị xã trong công tác phòng, chống dịch. Theo ông, về cơ bản các địa bàn đã "phủ" hết mũi 1 vắc xin phòng Covid-19 cho các nhóm đối tượng theo kế hoạch đề ra.
Cụ thể, thành phố đã xét nghiệm được 85% số người theo kế hoạch, việc tiêm vắc xin mũi 1 đạt 93,18%. Hơn 6% những người còn lại chưa được tiêm vắc xin là nằm trong đối tượng chống chỉ định, người già có bệnh nền sức khỏe yếu, không đủ điều kiện tiêm chủng.
Trong thời gian tới, ông Quyền đề nghị Sở Y tế tiếp tục tham mưu cho thành phố để đảm bảo triển khai tiêm vắc xin mũi 2 theo quy định.
Lãnh đạo Công an thành phố cho biết, việc Hà Nội cho phép mở một số hoạt động kinh doanh tại 19 quận, huyện khiến đơn vị gặp khó khăn khi kiểm soát người và phương tiện (Ảnh minh họa).
Sẽ dừng chống dịch theo phân vùng
Đáng chú ý, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, Thường trực Thành ủy đã có chỉ đạo điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch theo hướng không triển khai 3 vùng "đỏ-cam-xanh" như hiện nay.
Bên cạnh đó, việc phong tỏa các ổ dịch phải bám sát chỉ đạo của Thủ tướng, hướng dẫn của Bộ Y tế. Vì vậy, Hà Nội sẽ không phong tỏa ở quy mô lớn, chỉ thực hiện quy mô hẹp nhất ở tại điểm phong tỏa để kiểm soát dịch bệnh nhưng vẫn tạo điều kiện tối đa đảm bảo hoạt động phục hồi kinh doanh, đời sống nhân dân.
"Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã giao Ban cán sự Đảng UBND thành phố rà soát, có phương án cụ thể báo cáo vào tuần tới để có phương pháp, giải pháp triển khai sau ngày 21/9" - ông Quyền cho hay.
Trước đó, báo cáo tại buổi giao ban, đại diện Sở Y tế Hà Nội cho biết, thời gian vừa qua, Hà Nội đã tập trung xét nghiệm thần tốc, kịp thời phát hiện, phân loại F0. Bên cạnh đó, các ca mắc mới chủ yếu ở các khu cách ly và số lượng ca mắc trong cộng đồng hạn chế; công tác truy vết được tổ chức kỹ không để sót, lọt các trường hợp liên quan.
Đại diện Sở Y tế Hà Nội đề nghị, các địa phương "vùng xanh" kiểm soát chặt hoạt động của các nhà hàng, quán ăn, cơ sở kinh doanh văn phòng phẩm, đảm bảo an toàn công tác phòng, chống dịch...
Trước đó, Hà Nội cho phép mở hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống (chỉ bán mang về), kinh doanh văn phòng phẩm… tại các quận, huyện chưa ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng từ 12h trưa 16/9.
Các cơ sở dịch vụ kinh doanh được phép hoạt động gồm:
- Cơ sở kinh doanh văn phòng phẩm, sách, thiết bị, đồ dùng học tập;
- Cơ sở kinh doanh dịch vụ sửa chữa phương tiện giao thông, điện tử, điện lạnh và đồ gia dụng;
- Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (chỉ bán hàng mang về) và đóng cửa trước 21h hàng ngày.
Theo Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 6/9 đến tối 15/9 có 19 quận, huyện không ghi nhận ca mắc Covid-19 mới ở cộng đồng, gồm: Ba Đình, Ba Vì, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Đan Phượng, Gia Lâm, Hoài Đức, Long Biên, Mê Linh, Mỹ Đức, Nam Từ Liêm, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Quốc Oai, Sóc Sơn, Sơn Tây, Thanh Oai, Ứng Hòa, Tây Hồ.
Nguyễn Trường