Vội vã rời Kabul trước thời hạn chót ngày 31/8, Mỹ đã vứt bỏ nhiều máy bay, xe thiết giáp, các phương tiện quân sự tiên tiến trị giá hàng chục triệu USD.
Các chiến binh Taliban đi gần một máy bay quân sự tại sân bay Kabul sau khi Mỹ rút quân (Ảnh: Reuters)
Trang SCMP ngày 1/9 dẫn lời Tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM), Tướng Kenneth McKenzie cho biết, các thiết bị quân sự của Mỹ bỏ lại tại Kabul trước khi lực lượng Mỹ rút hoàn toàn khỏi Afghanistan đều đã bị vô hiệu hóa, và về cơ bản không thể sử dụng được.
Các binh sĩ Mỹ được cho là đã sử dụng lựu đạn cháy, tạo ra một lượng nhiệt lên đến 2.200 độ C, để phá hủy nhiều bộ phận quan trọng của thiết bị quân sự, theo một quan chức Lầu Năm Góc giấu tên. Một số thiết bị có thể đã bị cho nổ tung.
Một quan chức Lầu Năm Góc giấu tên khác cũng thừa nhận những âm thanh như nổ bom mà người dân nghe thấy vào tuần trước tại sân bay Kabul là có liên quan đến việc phá hủy các thiết bị quân sự này.
Dàn phi cơ quân sự "khủng" bị Mỹ phá hủy ở sân bay Kabul khi rút quân
Tư lệnh McKenzie đã tiết lộ danh sách một số trang thiết bị bỏ lại sau khi Mỹ kết thúc 20 năm can dự vào Afghanistan, cuộc chiến dài nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Xe bọc thép MRAP: Có tới 70 chiếc MRAP, loại xe chống các cuộc phục kích bằng mìn hay các vụ nổ từ các thiết bị nổ tự chế. MRAP đã được Lầu Năm Góc ghi nhận là có công cứu mạng hàng nghìn binh sĩ. Mỗi chiếc trị giá khoảng 1 triệu USD.
Xe quân sự Humvee: Quân đội Mỹ cũng đã bỏ lại 27 chiếc Humvee, phương tiện chiến thuật hạng nhẹ đã được thay thế bằng MRAP ở Iraq và Afghanistan sau khi chúng dễ bị các thiết bị kích nổ từ xa (IED) tấn công hơn. Giá của Humvee chỉ bằng 1/3 chiếc MRAP, khoảng 300.000 USD/chiếc.
Máy bay: Trên đường băng sân bay Kabul, Mỹ bỏ lại 73 máy bay nhưng Tướng McKenzie không nói rõ gồm những loại máy bay nào. "Những chiếc máy bay đó sẽ không bao giờ bay nữa", ông nói. Các quan chức Lầu Năm Góc thừa nhận và nhiều hình ảnh cũng cho thấy các binh sĩ Mỹ đã vận hành trực thăng tấn công Apache tại sân bay. Một chiếc Apache mới có giá hơn 30 triệu USD.
Hệ thống phản tên lửa, pháo và súng cối: Tướng McKenzie không nói rõ số lượng bỏ lại là bao nhiêu như vậy nhưng cho biết chúng đã được đảm bảo an toàn cho đến phút cuối để ngăn chặn nguy cơ sân bay Kabul bị tấn công bằng tên lửa như vụ việc hôm 26/8.
Một máy bay tấn công A-29 của Mỹ bị phá hủy tại sân bay Kabul (Ảnh: AFP).
Nói về quyết định bỏ lại số vũ khí này, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết: "Chắc chắn, mục tiêu của chúng tôi không phải là để lại cho họ bất kỳ thiết bị nào, nhưng không còn lựa chọn nào khác khi bạn đang tìm cách trở về và di chuyển ra khỏi vùng chiến sự".
Tư lệnh CENTCOM cũng nhấn mạnh rằng thiết bị này sẽ không thể sử dụng trong chiến đấu. Nhưng theo ông, có thể Taliban sẽ dùng nó để khoe chiến tích trong cuộc chiến kéo dài hàng thập niên của nhóm.
Loren Thompson, nhà tư vấn công nghiệp quốc phòng và chuyên gia phân tích tại Viện Lexington, cho rằng số vũ khí trên không có giá trị gì. Theo ông, trực thăng là mặt hàng đắt tiền nhất, nhưng Taliban rõ ràng khó có khả năng vận hành và bảo trì chúng. Và khi không có sự hỗ trợ hậu cần của Mỹ, kho vũ khí còn sót lại này rồi sẽ bị hư hại theo thời gian.
Tuy nhiên, mới đây, trên mạng xã hội đã xuất hiện một đoạn video được cho là ghi lại cảnh Taliban điều khiển trực thăng Black Hawk treo lơ lửng một người đàn ông bay trên bầu trời Afghanistan để thực hiện một màn trình diễn.
Video Taliban treo lơ lửng người trên trực thăng Mỹ gây tranh cãi
Thanh Thành
Theo SCMP