CDC Đồng Nai kiến nghị "phong tỏa hẹp" ở từng ổ dịch

Việc kéo dài phong tỏa diện rộng toàn bộ xã phường đến thời điểm này không còn phù hợp, làm tăng nguy cơ lây nhiễm đồng thời tăng thêm gánh nặng cho công tác xét nghiệm tầm soát không cần thiết.

Ngày 10/9, ông Bạch Thái Bình - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai (CDC Đồng Nai) cho biết, đơn vị này đã có văn bản hỏa tốc gửi Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 cùng Trung tâm y tế các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đề nghị rà soát, tổ chức phong tỏa diện hẹp các ổ dịch Covid-19.

Theo CDC Đồng Nai, sau khi thực hiện kế hoạch 9722 của UBND tỉnh và kế hoạch xét nghiệm diện rộng bổ sung của các huyện, thành phố, toàn tỉnh đã cơ bản kiểm soát được lây nhiễm cộng đồng.

Hầu hết các ổ dịch cũ đã bị thu hẹp quy mô thành cụm dân cư, một khu nhà trọ và một số hộ gia đình phụ cận, xen kẽ trong khu nhà trọ hoặc đến quy mô ấp, khu phố có nhiều ổ dịch, khu nhà trọ có ca nhiễm.

Một số ổ dịch mới phát hiện ngoài cộng đồng chủ yếu là do các ca nhiễm về hoặc đến từ các vùng dịch và các ca bệnh bỏ sót trong quá trình xét nghiệm diện rộng. Tuy nhiên đa số các ổ dịch này đều có phạm vi lây nhiễm hẹp.

CDC Đồng Nai kiến nghị phong tỏa hẹp ở từng ổ dịch - 1

Lực lượng y tế Đồng Nai lấy mẫu xét nghiệm diện rộng cho người dân (ảnh Sở Y tế Đồng Nai).

Chính vì vậy, việc kéo dài phong tỏa diện rộng toàn bộ xã, phường đến thời điểm này không còn phù hợp. Do các hộ gia đình trong khu phong tỏa đã cơ bản sạch nguồn lây nhiễm nhưng vẫn bị phong tỏa chung với các ổ dịch sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm.

Song song đó, việc phong tỏa rộng sẽ còn làm tăng thêm gánh nặng cho công tác xét nghiệm tầm soát không cần thiết. Trên thực tế việc phong tỏa diện rộng chỉ có thể giúp quản lý tốt người dân ra, vào khu phong tỏa chứ khó quản lý chặt chẽ các tiếp xúc bên ngoài khu phong tỏa.

Phạm vi phong tỏa lớn còn đòi hỏi phải có nhiều lực lượng kiểm soát và phục vụ, đồng thời công tác cung ứng các dịch vụ thiết yếu trong khu phong tỏa cũng sẽ gặp nhiều khó khăn.

Tổ chức phong tỏa diện hẹp với quy mô, phạm vi từng ổ dịch

Trước thực tế trên, CDC Đồng Nai đề nghị Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các huyện, thành phố chỉ đạo Trung tâm y tế phối hợp với Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tổ chức rà soát các ổ dịch cũ còn ca nhiễm qua các vòng xét nghiệm, các ổ dịch mới phát hiện và đánh giá nguy cơ lây nhiễm tại mỗi ổ dịch. Trên cơ sở đó đề xuất những khu vực cần tiếp tục phong tỏa.

Tổ chức phong tỏa diện hẹp với quy mô, phạm vi theo từng ổ dịch. Chỉ các ấp, khu phố hay xã, phường có nhiều ổ dịch và chưa truy vết, chưa kiểm soát tốt nguồn lây mới thực hiện phong tỏa toàn ấp hay toàn xã.

Đẩy mạnh xét nghiệm làm sạch nguồn lây bằng test nhanh và PCR cho 100% người dân trong các khu phong tỏa, 2-3 ngày/lần cho đến khi không còn ca dương tính. Sau đó tiếp tục phong tỏa thêm 14 ngày và xét nghiệm ngày thứ 7 và ngày thứ 14 kể từ khi xét nghiệm không còn ca dương tính. Nhanh chóng cách ly người có test nhanh dương tính và F0, F1.

Thực hiện giãn cách một số khu nhà trọ mà mật độ người ở trọ đông. Quản lý chặt chẽ thực hiện 5K đối với những người ở trong các khu nhà trọ.

Đồng thời, ưu tiên tiêm vắc xin Covid-19 cho toàn bộ người dân trên 18 tuổi sống trong các khu phong tỏa, nhất là người ở trong nhà trọ ngay sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính.

Những khu vực còn ổ dịch mà CDC Đồng Nai đề xuất tiếp tục phong tỏa, gồm:

TP Biên Hòa

: phường Trảng Dài (khu phố 4A, B, C, khu phố 3A), phường Long Bình (khu phố 6 và khu phố 8, khu phố Long Điềm),  Phường Long Bình Tân (Bình Dương, Thái Hòa); phường Hóa An (khu phố An Hòa, Cầu Hang), Phường Hố Nai (khu phố 8, 12), phường Tân Biên (khu phố 9, 8A, 8B), phường Tân Hòa (khu phố 4).

Huyện Vĩnh Cửu

: xã Thiện Tân (ấp Ông Hường), xã Thạnh Phú (ấp 1, ấp 5).

Huyện Trảng Bom

: xã Hố Nai 3  (ấp Ngũ Phúc, Đông Hải, Lộ Đức, Thanh Hóa), xã Bắc Sơn (ấp Sông Mây, An Chu, Phú Sơn).

Huyện Nhơn Trạch

: toàn bộ thị trấn Hiệp Phước và 2 ấp (Bến Sắn, Bến Cam).

Huyện Định Quán

: xã Phú Ngọc (ấp 1).

Khoa Nam

Mới hơn Cũ hơn