Bộ Công an sẵn sàng hỗ trợ Hà Nội cấp giấy đi đường có mã QR

Thượng tá Tô Anh Dũng, Phó cục trưởng Cục Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) Bộ Công an cho biết, đơn vị sẵn sàng hỗ trợ TP Hà Nội trong việc cấp giấy đi đường có mã QR.

Sáng 9/9, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) Bộ Công an đã tổ chức gặp mặt báo chí để thông tin về việc thực hiện 3 phần mềm liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid-19, có kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. 

Bộ Công an sẵn sàng hỗ trợ Hà Nội cấp giấy đi đường có mã QR - 1

Quang cảnh cuộc làm việc.

Sẵn sàng hỗ trợ các địa phương cấp giấy đi đường có mã QR

Tại buổi làm việc, phóng viên báo chí nêu vấn đề về việc vừa qua TP Hà Nội liên tục thay đổi về việc cấp giấy đi đường gây khó khăn cho các cá nhân, tổ chức. Trong khi đó, các địa phương như TP Đà Nẵng việc cấp giấy đi đường có mã QR được thực hiện bằng hình thức trực tuyến rất nhanh chóng, vậy C06 có hỗ trợ TP Hà Nội về mặt giải pháp kỹ thuật để thực hiện việc này được đơn giản hơn?

Trả lời câu hỏi trên, Thượng tá Tô Anh Dũng, Phó cục trưởng Cục C06 cho biết, đơn vị luôn sẵn sàng hỗ trợ Hà Nội và các địa phương trên cả nước về nhân lực, chuyên gia trong việc cấp giấy đi đường có mã QR dựa trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Theo Thượng tá Tô Anh Dũng, trước đó, C06 cũng đã phối hợp với TP Hà Nội  triển khai thí điểm giấy đi đường có mã QR tại chốt kiểm soát dịch trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Đồng thời, C06 cũng đã trình bày các giải pháp kỹ thuật này với UBND TP Hà Nội, với Công an TP Hà Nội và đã cho chạy thí điểm tại TPHCM, một số tỉnh khác.

"Còn chuyện Hà Nội sử dụng hệ thống này như thế nào thì do Hà Nội quyết định. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ Hà Nội về mặt kỹ thuật, hỗ trợ về nguồn nhân lực. Ngoài ra, bất kỳ địa phương nào cần C06 hỗ trợ về mặt giải pháp trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ bất kỳ lúc nào", Thượng tá Tô Anh Dũng nói.

Ba phần mềm hỗ trợ phòng, chống Covid-19

Bộ Công an sẵn sàng hỗ trợ Hà Nội cấp giấy đi đường có mã QR - 2

Thượng tá Tô Anh Dũng thông tin tại buổi làm việc.

Đối với phần mềm quản lý công dân vùng dịch, Thượng tá Tô Anh Dũng cho biết, đến nay đã có gần 17.000 tài khoản cán bộ sử dụng, hơn 6.600 chốt kiểm soát và 5.263.863/5.310.217 (tỷ lệ 99.1%) tờ khai qua chốt; hơn 26.500 shipper (hoạt động tại TPHCM).

Về tính tiện ích và kết quả của phần mềm quản lý công dân vùng dịch, theo Thượng tá Tô Anh Dũng, thông tin của phần mềm được kiểm duyệt chính xác qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Theo đó, cảnh sát khu vực/công an xã sẽ xác định được đúng công dân, phối hợp triển khai các biện pháp phòng chống dịch.

Ngoài ra, thông qua phần mềm này, lực lượng chức năng sẽ xác định nhanh chóng và thông báo thông tin cho F1, F2 khi phát hiện F0, giúp việc phòng, chống Covid-19 được hiệu quả, tiết kiệm...

Phần mềm không chỉ triển khai tại các chốt, mà còn dễ dàng triển khai ở các điểm khi có yêu cầu, như: Siêu thị, cửa hàng thuốc, trung tâm thương mại,... mà không cần phải lập chốt do công an kiểm soát.

"Phần mềm sử dụng trên đa nền tảng như thông qua điện thoại di dộng, máy tính bảng,... có kết nối internet tại địa chỉ suckhoe.dancuquocgia.gov.vn và đặc biệt là ứng dụng VN-eID sử dụng điện thoại di động với 2 kho ứng dụng Appstore và CHPlay. Ứng dụng này kết hợp đọc mã QR bằng camera tại các chốt, giảm tải việc tiếp xúc và tăng hiệu quả kiểm soát", Thượng  tá Tô Anh Dũng nói.

Bộ Công an sẵn sàng hỗ trợ Hà Nội cấp giấy đi đường có mã QR - 3

Giao diện phần mềm VNEID của Bộ Công an. (Ảnh: Chụp màn hình).

Cục phó C06 cho biết thêm, thời gian tới Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, C06 sẽ nghiên cứu, đề xuất phương án kiểm soát người nước ngoài vào Việt Nam để truy vết và quản lý cư trú với người nước ngoài...

Đối với phần mềm quản lý công dân diện chính sách hỗ trợ Covid-19, Thượng tá Tô Anh Dũng chia sẻ tiếp, đến nay, Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng công an triển khai, kết quả đã có 63/63 tỉnh, thành phố sử dụng phần mềm này. Trên toàn quốc, lực lượng công an xã, phường, thị trấn đã phối hợp với UBND cùng cấp thực hiện cập nhật thông tin hơn 547.000 trường hợp thuộc diện chính sách Covid-19 tại nơi cư trú, đã phát tiền trợ cấp cho hơn 486.000 trường hợp nơi cư trú.

Về triển khai chức năng phần mềm quản lý công dân nghi nhiễm SARS-CoV-2, đến nay công an địa phương thực hiện cập nhật thông tin F0, F1, F2, F3 lên hệ thống là hơn 6.300 trường hợp F0, hơn 5.000 trường hợp F1, gần 7.000 trường hợp F2, hơn 1.100 trường hợp F3.

"Phần mềm này giúp dễ dàng thực hiện cập nhật tình trạng mắc Covid-19 (F0) và nguy cơ mắc Covid-19 (F1, F2). Có sẵn trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, ứng dụng ngay trên toàn quốc, không phát sinh chi phí đào tạo, chuyển giao và người vận hành", Thượng tá Tô Anh Dũng nói.

Bộ Công an sẵn sàng hỗ trợ Hà Nội cấp giấy đi đường có mã QR - 4

Nói thêm về tiện ích của phần mềm trên, Thượng tá Tô Anh Dũng cho biết, Cảnh sát khu vực, công an xã thường xuyên cập nhật, theo dõi tình trạng của người nhiễm/nghi nhiễm SARS-CoV-2, phục vụ kiểm soát việc giải quyết đi lại. Đồng thời, cảnh sát khu vực, công an xã sẽ thống kê nhanh, chính xác tổng số công dân thuộc diện F0, F1, F2 trên địa bàn quản lý. Điều này phục vụ kiểm soát tình trạng người dân khi tham gia giao thông và quản lý di biến động dân cư, đặc biệt đối với người có nguy cơ mắc Covid-19...

"Toàn bộ các phần mềm này là cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư phối hợp với các đối tác xây dựng lên, do đó, không phát sinh chi phí, hoàn toàn để phục vụ nhân dân và không thu bất kỳ khoản phí nào", Thượng tá Tô Anh Dũng nhấn mạnh.

Nguyễn Dương

Mới hơn Cũ hơn