Biến chủng Delta ảnh hưởng thế nào đến trẻ em?

Giới khoa học đang tiếp tục tìm hiểu mối liên hệ giữa biến chủng Delta với xu hướng tỷ lệ nhiễm bệnh và nhập viện do Covid-19 ở trẻ em gia tăng gần đây tại Mỹ và một số nước.

Biến chủng Delta ảnh hưởng thế nào đến trẻ em? - 1

Tỷ lệ trẻ em nhiễm bệnh và nhập viện vì Covid-19 có xu hướng tăng lên (Ảnh minh họa: Medical News).

Tỷ lệ trẻ em nhập viện vì Covid-19 gia tăng

Mỹ đang ghi nhận số ca trẻ em nhập viện do Covid-19 tăng kỷ lục những tuần gần đây trong bối cảnh biến chủng Delta hoành hành. Nhiều bệnh viện nhi ở Mỹ đang phải xoay sở với tình trạng bệnh nhi Covid-19 tăng nhanh.

Trong tháng 8, Bệnh viện Nhi Texas đã nhiều lần ghi nhận khoảng 200 trẻ mắc Covid-19 trong một ngày, trong đó khoảng 6% trẻ cần nhập viện điều trị. Một vài ngày trong tháng 8, số ca trẻ em nhập viện vượt quá 45 ca.

Tiến sĩ Jim Versalovic của Bệnh viện nhi Texas cho biết, số ca Covid-19 trẻ em nhập viện đang rất cao, hầu hết bệnh nhi từ 12 tuổi trở lên đều chưa tiêm chủng. "Nó lan nhanh như cháy rừng trong khắp cộng đồng chúng ta", ông Versalovic nói.

Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, trong tuần kết thúc vào ngày 22/8, trung bình mỗi ngày Mỹ có thêm hơn 300 ca Covid-19 trẻ em nhập viện. Đây là con số cao nhất kể từ khi Mỹ bắt đầu thống kê dữ liệu Covid-19 ở trẻ em cách đây hơn một năm.

Hiện số bệnh nhi Covid-19 vẫn chiếm tỷ lệ nhỏ ở Mỹ (khoảng 1,8%), nhưng đang có xu hướng tăng. Tuy nhiên, trong số các ca đó, hơn 4.400 bệnh nhi Covid-19 mắc phải hội chứng viêm nhiễm hiếm gặp nhưng nghiêm trọng do Covid-19 gây ra hay còn gọi là MIS-C. Hàng chục trẻ em tại Mỹ đã tử vong vì hội chứng này.

Giám đốc Viện Y tế quốc gia (NIH) Mỹ, tiến sĩ Francis Collins, nhận định sự gia tăng số ca Covid-19 ở trẻ em trong đó nhiều trường hợp nặng, kể cả trẻ 4 tuổi, phải điều trị hồi sức tích cực là "rất đáng lo ngại". Ông Collins tháng trước cho biết, hơn 400 trẻ em ở Mỹ đã chết do Covid-19 kể từ đầu dịch.

Tại Indonesia, Bộ Y tế nước này hôm 24/8 cho biết, khoảng 1.300 trẻ em ở Indonesia đã tử vong vì Covid-19, chiếm 1% số ca tử vong vì Covid-19 tại đây. Tỷ lệ này cao gấp 3 lần mức trung bình của thế giới. Các bác sĩ nhi ở Indonesia cho biết, số ca mắc và tử vong vì Covid-19 ở trẻ em tại nước này tăng vọt kể từ tháng 7/2021 khi biến chủng Delta trở nên phổ biến. 

Vì sao tỷ lệ nhập viện vì Covid-19 ở trẻ em tăng?

Biến chủng Delta ảnh hưởng thế nào đến trẻ em? - 2

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho một em bé ở Indonesia hôm 20/7/2020 (Ảnh: EPA).

Mặc dù có nhiều bằng chứng cho thấy biến chủng Delta dễ lây lan hơn nhiều so với các chủng trước đó của virus SARS-CoV-2, nhưng đến nay giới khoa học chưa tìm thấy bằng chứng Delta gây bệnh nặng hơn hay người trẻ đặc biệt dễ tổn thương hơn với biến chủng này.

Sunitha Kaiser, chuyên gia nhi khoa tại Đại học California, nói: "Chúng ta mới chỉ có dữ liệu về Delta của 6-8 tuần do vậy bức tranh này sẽ còn thay đổi qua thời gian".

Các chuyên gia đã chỉ ra hai lý do khiến số ca Covid-19 trẻ em có xu hướng tăng nhanh ở Mỹ. Thứ nhất, Delta dễ lây lan hơn xuất hiện ở Mỹ vào thời điểm các trường học Mỹ mở cửa trở lại, hầu hết các biện pháp hạn chế để phòng dịch cũng được dỡ bỏ.

"Delta dễ lây lan hơn, trẻ em có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn so với trước kia khi các trường đi học trở lại, các biện pháp như đeo khẩu trang, hạn chế tụ tập, giãn cách xã hội cũng đồng thời được dỡ bỏ. Với một biến chủng dễ lây lan hơn nhưng ít các biện pháp phòng dịch hơn là lý do khiến số ca nhiễm tăng và dẫn tới tỷ lệ nhập viện cũng tăng", ông Michael L. Chang, một lãnh đạo Bệnh viện Nhi Texas, nhận định.

Một lý do nữa khiến tỷ lệ nhập viện do Covid-19 ở trẻ em là tỷ lệ tiêm chủng của nhóm dân số này ở Mỹ và các nước nói chung còn thấp. Theo số liệu cuối tháng trước của CDC Mỹ, khoảng 62,5% người trưởng thành ở Mỹ đã được tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 đầy đủ, nhưng chỉ 44% người trong độ tuổi 16-17 được tiêm chủng, và chỉ 34% trẻ em trong độ tuổi từ 12-15 được tiêm vắc xin, tỷ lệ thấp nhất trong nhóm dân số đủ điều kiện tiêm chủng hiện nay ở Mỹ. Trong khi đó, trẻ dưới 12 tuổi chưa được tiêm chủng.

Tại Indonesia, bình luận về một số yếu tố khác có thể khiến tăng tỷ lệ nhiễm bệnh ở trẻ em khi biến chủng Delta lây lan, Tiến sĩ Agus Susanto của một bệnh viện nhi ở Jakarta nói: "Việc dùng khẩu trang cho trẻ em là rất khó áp dụng vì nó khiến chúng cảm thấy khó chịu. Những hành vi sống sạch sẽ như rửa tay đôi khi bị quên. Dinh dưỡng cũng là một yếu tố khởi phát hoặc nguy cơ dễ bị nhiễm Covid-19. Yếu tố tiếp theo là bệnh đi kèm như bệnh tim bẩm sinh, ung thư, suy dinh dưỡng, béo phì và thấp còi. Điều này tác động tới tính dễ tổn thương ở trẻ em Indonesia với Covid-19".

Vắc xin vẫn là công cụ đối phó hiệu quả nhất

Biến chủng Delta ảnh hưởng thế nào đến trẻ em? - 3

Một số nước đã triển khai tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em từ 12 tuổi (Ảnh: Reuters).

Ở thời điểm nhiều nước trên thế giới vẫn chật vật tìm kiếm nguồn cung vắc xin Covid-19, một câu hỏi đặt ra là việc tiêm chủng ngừa Covid-19 cho trẻ em có cần thiết hay không. Hồi tháng 7, các cố vấn về vắc xin của Anh khuyến nghị chưa cần thiết tiêm chủng cho hầu hết trẻ dưới 16 tuổi với lý do tỷ lệ bệnh nặng do Covid-19 ở nhóm tuổi này rất thấp. Tuy vậy, một số quốc gia, trong đó có Mỹ và Israel, Malta, đã triển khai tiêm chủng cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên. Trong thời gian tới, một số nước có thể cũng sẽ áp dụng chiến lược tiêm chủng này.

Nhiều chuyên gia, trong đó có bà Sunitha Kaiser, chuyên gia nhi khoa của Đại học California, cho rằng tiêm chủng vẫn là chiến lược tốt nhất để bảo vệ trẻ em và cộng đồng nói chung trước các biến chủng của SARS-CoV-2. "Chúng ta có thể ngăn đà lây lan đó bằng việc tăng tỷ lệ tiêm chủng càng nhiều càng tốt", bà Kaiser nói.

Hiện tại, một số vắc xin Covid-19 đã được phê chuẩn sử dụng cho trẻ em. Tại Mỹ, vắc xin Pfizer-BioNTech được cấp phép đầy đủ với người từ 16 tuổi trở lên và được cấp phép sử dụng khẩn cấp cho người từ 12-15 tuổi. Vắc xin Moderna được phê chuẩn sử dụng cho người trưởng thành và dự kiến cũng sẽ được cấp phép sử dụng cho người từ 12-17 tuổi.

Việc sử dụng vắc xin Covid-19 với trẻ em trên 12 tuổi đến nay vẫn được đánh giá là an toàn và hiện một số hãng dược bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vắc xin với trẻ em ở nhóm tuổi thấp hơn, thậm chí 6 tháng tuổi. Tại Mỹ, vắc xin Covid-19 cho trẻ em dưới 12 tuổi có thể sẽ có vào cuối năm nay.

Các nghiên cứu chỉ ra, vắc xin vẫn có hiệu quả trong việc giảm nguy cơ bệnh nặng và tử vong do Covid-19 mặc dù vẫn có những ca nhiễm "đột phá" (người tiêm chủng nhưng vẫn mắc Covid-19). Theo thống kê của CDC Mỹ, tính đến ngày 23/8/2021, Mỹ phát hiện hơn 11.000 ca đột phá phải nhập viện hoặc tử vong do Covid-19, con số này chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số hơn 171 triệu người ở Mỹ đã được tiêm chủng vắc xin Covid-19 đầy đủ. Trong đó, khoảng 80% số ca đột phá phải nhập viện hoặc tử vong là người trên 65 tuổi hoặc người suy giảm miễn dịch.

Các ca đột phá là lý do tại sao giới chức y tế khuyến cáo người tiêm chủng đầy đủ vẫn nên đeo khẩu trang ở nơi công cộng và việc kiểm soát đại dịch hiện tại vẫn cần có sự kết hợp của cả chương trình tiêm chủng vắc xin và các biện pháp phòng dịch khác.

Minh Phương

Theo CDC Mỹ, Nature, CNBC

Mới hơn Cũ hơn