Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, việc dành 38.000 tỷ đồng hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động là quyết định chưa có tiền lệ.
Chiều 27/9, tại phiên họp toàn thể lần thứ 2, Ủy ban Xã hội của Quốc hội thẩm tra báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2020; thẩm tra báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới 6 tháng đầu năm 2021; thẩm tra báo cáo việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2021, kế hoạch năm 2022 thuộc lĩnh vực Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phụ trách.
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, việc dành 38.000 tỷ đồng hỗ trợ lao động và người sử dụng lao động là quyết định chưa có tiền lệ.
Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Xã hội cho thấy cơ quan thẩm tra cơ bản đồng tình với các báo cáo của Chính phủ, báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội.
Phát biểu về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2020, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội dẫn thống kê trong báo cáo của Chính phủ cho thấy số nợ bảo hiểm xã hội 3 năm qua rất lớn. Ông Nghĩa đề nghị các đơn vị liên quan có giải pháp triệt để xử lý vấn đề này.
Cùng nội dung này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Lâm Văn Đoan quan tâm đến tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội hiện nay. Ông Đoan đề nghị, thời gian tới phải xử lý nghiêm các doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội của người lao động cho đủ sức răn đe.
"Nếu không xử lý nghiêm thì tình trạng nợ đọng bảo hiểm vẫn còn và khó khắc phục", ông Đoan nói.
Ủy viên thường trực Ủy ban Xã hội Lê Văn Khảm cho biết, qua thanh tra cho thấy còn số lượng "đáng kể" lao động phải đóng bảo hiểm xã hội, nhưng không được đóng. Ông Khảm băn khoăn về lý do dẫn đến tình trạng này: "Liệu có phải doanh nghiệp cố tình không đóng bảo hiểm cho người lao động hay không?".
Liên quan đến báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới 6 tháng đầu năm 2021, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm - Ủy viên thường trực Ủy ban Xã hội cho biết, gần đây xã hội hết sức quan tâm việc trẻ em bị tác động bởi đại dịch Covid-19, đặc biệt là những em trở thành trẻ mồ côi, mất bố mẹ do dịch bệnh.
"Đây là vấn đề chúng ta cần đặc biệt quan tâm. Bởi khi các em mất cha, mất mẹ thì chuyện phát triển thể chất, tinh thần của các em, chuyện phòng chống bạo lực, xâm hại trong thời gian tới là vấn đề hết sức quan trọng", bà Cầm nói và đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quan tâm và có những giải pháp về vấn đề này.
"Đối với trẻ em thì gia đình là tất cả"
Phát biểu giải trình thêm các vấn đề đại biểu còn băn khoăn, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, Việt Nam thực hiện BHXH từ năm 1995, nhưng so với thế giới thì "còn non trẻ". Hiện nay, trên thế giới có 9 loại hình bảo hiểm, còn ở Việt Nam chỉ có 8 (thiếu bảo hiểm gia đình).
Theo ông Dung, đáng mừng là 8 loại hình bảo hiểm này phát triển tương đối tốt trong những năm qua. Ngành Lao động lo nhất là 3 nhóm bảo hiểm: hưu trí và tử tuất; bảo thất nghiệp; bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, nhưng đến nay, các loại bảo hiểm này đều phát triển tương đối đồng bộ, hiệu quả, có kết dư tương đối tốt.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại phiên họp.
"Vài năm trước đây, chúng tôi lo lắng lớn nhất là vấn đề an toàn quỹ. Nhiều người cứ nói về nguy cơ vỡ quỹ, thông tin rất nhiều chiều nhưng đến giờ, có thể khẳng định, các quỹ bảo hiểm rất bền vững. Thậm chí, chúng ta còn dành được một lượng tiền rất lớn kết dư để hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động", Bộ trưởng Dung khẳng định.
Cũng theo Bộ trưởng, 4 tháng qua, diễn biến, tác động của đại dịch Covid-19 rất phức tạp, ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống người lao động, người sử dụng lao động. Nhưng do các quỹ bảo hiểm hoạt động hiệu quả, có tích lũy, Việt Nam đã quyết định được 2 chính sách hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động theo Nghị quyết 68 và Nghị quyết 116.
"Đặc biệt, Nghị quyết 03 của Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết 116 của Chính phủ vừa qua dành tới 38.000 tỷ đồng để hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động. Đây là quyết định chưa có tiền lệ. Để thực hiện quyết định này thì chúng ta phải có cơ sở từ trước (nguồn lực từ các quỹ bảo hiểm - PV)", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong báo cáo tóm tắt thẩm tra tờ trình của Chính phủ.
Về hiện tượng các doanh nghiệp trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, ông đã ký quyết định giao thanh tra trong năm 2022, tập trung thanh tra ở 14 tỉnh thành có nhiều doanh nghiệp và đơn vị liên quan còn nợ đọng bảo hiểm của người lao động để xử lý.
Liên quan đến việc trẻ em ảnh chịu ảnh hưởng đại dịch Covid-19, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu nguyên lý: "Đối với trẻ em, gia đình là tất cả. Sự giúp đỡ, hỗ trợ của doanh nghiệp như xây trường nuôi dạy tập trung chỉ là giải pháp cuối cùng".
Phát biểu kết luận buổi họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, các đại biểu cơ bản đồng tình với các dự thảo thẩm tra. Những vấn đề các đại biểu nêu ra đã được Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giải trình đầy đủ. Bà Nguyễn Thúy Anh đề nghị các đại biểu tiếp tục theo dõi, giám sát các vấn đề trên.
Quang Phong