Sau 120 ngày căng mình phòng chống dịch, Long An đã xóa sổ vùng đỏ, từng bước khôi phục sản xuất, kinh doanh theo điều kiện bình thường mới.
Sau 120 ngày căng mình phòng chống dịch, Long An đã xóa sổ vùng đỏ, từng bước khôi phục sản xuất, kinh doanh theo điều kiện bình thường mới.
Là một trong những địa phương tiếp giáp, quan hệ mật thiết với TPHCM - điểm nóng trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, tỉnh Long An ghi nhận ca nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng từ cuối tháng 5. Bệnh nhân này có yếu tố dịch tễ liên quan đến điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng ở quận Gò Vấp.
Với đặc thù là cửa ngõ kết nối giữa TPHCM và các tỉnh miền Tây, khi tình hình dịch bệnh của TPHCM và các tỉnh thành khác trở nên phức tạp, Long An chịu ảnh hưởng nặng nề.
Có thời điểm, toàn tỉnh ghi nhận 900 ca mắc Covid-19 mới mỗi ngày, các biện pháp giãn cách, cách ly xã hội được đưa ra như một điều tất yếu, tình hình sản xuất, kinh doanh bị đình trệ.
Bên cạnh đó, với đường biên giới dài tiếp giáp với Campuchia, tỉnh Long An từng có khoảng thời gian căng thẳng để kiểm soát sự lây nhiễm đến từ nước bạn. Sau 120 ngày dồn sức chống dịch, vùng đất cửa ngõ kết nối Đồng bằng Sông Cửu Long với TPHCM đã từng bước thận trọng tiến tới giai đoạn mới. Với tiền đề là dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, tỉnh Long An chuyển sang thời kỳ đưa nền kinh tế "vượt cạn".
Với đặc thù là cửa ngõ kết nối giữa TPHCM và các tỉnh miền Tây, khi tình hình dịch bệnh của TPHCM và các tỉnh thành khác trở nên phức tạp, Long An chịu ảnh hưởng nặng nề (Ảnh: Sơn Tinh).
Chiều 20/9, Bí thư Tỉnh ủy Long An, ông Nguyễn Văn Được cho biết Ban Chỉ đạo thống nhất chủ trương áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ thị 15 trên phạm vi toàn tỉnh kể từ 0 giờ ngày 21/9, cho đến khi có thông báo mới.
Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Văn Được cho biết tình hình dịch bệnh trên địa bàn cơ bản đã được kiểm soát. Những ngày qua, số bệnh nhân Covid-19 nặng, số trường hợp tử vong đều có xu hướng giảm, ca mắc mới mỗi ngày cũng dần được khống chế.
Những kết quả trên là cơ sở để tỉnh chuyển từ áp dụng biện pháp cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 sang việc thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15. Nhiều dịch vụ thiết yếu, hoạt động thương mại, cơ sở sản xuất được mở cửa có điều kiện, sau quãng thời gian đình trệ.
"Trong giai đoạn mới này, người lao động phải là chiến sĩ và doanh nghiệp tiếp tục là pháo đài vững chắc trong phòng chống dịch. Đặc biệt, phải tự chủ về y tế để cùng với Nhà nước thực hiện tốt công tác chống dịch trong thời gian tới", ông Được đề nghị.
Các doanh nghiệp ở Long An đã từng bước khôi phục sản xuất kinh doanh.
Cụ thể, các doanh nghiệp "3 tại chỗ", các doanh nghiệp sản xuất hàng thiết yếu, tham gia chuỗi cung ứng được từng bước mở rộng phạm vi hoạt động. Tuy nhiên, điều kiện để khôi phục sản xuất, kinh doanh là người lao động cần tiêm ít nhất một mũi vắc xin Covid-19 đủ 14 ngày, chuyên gia, nhà quản lý ngoại tỉnh phải đảm bảo các quy định về y tế và ở lại tỉnh trong suốt quá trình làm việc.
Đối với phạm vi doanh nghiệp, các đơn vị có thể chọn một trong 3 hình thức gồm "4 tại chỗ", cư trú bên ngoài hoặc kết hợp cả 2 hình thức trên. Việc đưa rước công nhân phải cần thực hiện tập trung và xác định cung đường, tuyến đường cố định nhằm phục vụ công tác kiểm soát.
Lãnh đạo Tỉnh ủy Long An ghi nhận, suốt thời gian giãn cách, cách ly xã hội, với việc chấp nhận tạm dừng hoạt động, các doanh nghiệp như những người bạn đồng hành cùng tỉnh trong quá trình phòng, chống dịch. Đến nay, việc nới lỏng giãn cách nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp "vượt cạn" sau quãng thời gian khó khăn.
Để có cơ sở từng bước mở lại các hoạt động, tỉnh Long An đã xoay xở nhiều biện pháp nhằm tạo chuyển biến trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong suốt 120 ngày qua.
Đời sống người dân Long An dần trở lại bình thường mới.
Ngoài các vấn đề liên quan yếu tố dịch tễ cộng đồng, với đặc thù và thế mạnh là giá trị sản xuất công nghiệp cao trước khi dịch bệnh bùng phát, tỉnh đã tính trước các bước đi để phục hồi sản xuất, kinh doanh nhanh nhất, ngay khi dịch bệnh đã được kiểm soát.
Đối với các yếu tố dịch tễ cộng đồng, Long An đã áp dụng chiến lược điều tra, truy vết, xét nghiệm tầm soát nhanh trong cộng đồng để phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch. Trong thời điểm giãn cách xã hội toàn địa bàn, tỉnh cũng tận dụng thời gian để đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin, củng cố hệ thống y tế điều trị Covid-19.
Thành công lớn nhất của tỉnh tính đến hiện tại là ngành y tế đã nỗ lực để hoàn thành sớm mục tiêu bao phủ vắc xin mũi một cho 100% dân số trên địa bàn.
Không chỉ người dân tỉnh Long An được tiêm vắc xin Covid-19, toàn bộ công nhân, người lao động ngoại tỉnh kẹt lại cũng được tạo điều kiện tiếp cận tiêm chủng.
100% người dân trên địa bàn tỉnh được tiêm vắc xin mũi một.
"Tính đến nay, 100% người dân từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn đã được tiêm vắc xin, trên 10% được tiêm mũi 2. Chúng tôi ưu tiên cho các doanh nghiệp, các nhà máy, phân xưởng để có thể sớm khôi phục sản xuất. Nhiều doanh nghiệp có lượng công nhân tiêm mũi 2 đạt trên 50%" - Bí thư Tỉnh ủy Long An chia sẻ.
Đến chiều 9/9, Long An đã không còn huyện, thị xã, thành phố thuộc vùng đỏ. Cả tỉnh còn 2 địa phương "vùng cam" là thị xã Kiến Tường và huyện Bến Lức, 3 địa phương "vùng vàng" gồm thành phố Tân An, huyện Cần Giuộc, huyện Đức Hòa, 10 huyện còn lại là "vùng xanh" - nhiều ngày không phát sinh ca mắc mới.
Với các biện pháp khoanh vùng, dập dịch quyết liệt và tỷ lệ tiêm vắc xin Covid-19 cao, Long An mạnh dạn từng bước mở cửa lại sản xuất để các doanh nghiệp vốn đã khó khăn do đại dịch Covid-19 có niềm tin, động lực thúc đẩy phát triển, vượt qua khó khăn, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của tỉnh nhà.
Được xác định là vùng kinh tế động lực có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của cả nước, nên việc từng bước mở lại các hoạt động là yêu cầu tất yếu của tỉnh Long An.
Long An đẩy mạnh triển khai liên kết vùng để vừa cùng nhau phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế.
Sở hữu vị trí địa lý đặc biệt khi nằm trong khu vực chuyển tiếp giữa Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, mật độ giao thương, qua lại lớn, Long An chưa thể đảm bảo an toàn tuyệt đối khi tình hình dịch bệnh của khu vực phía Nam còn phức tạp.
Theo người đứng đầu Tỉnh ủy Long An, việc mở cửa, phục hồi kinh tế sẽ cần thận trọng, làm từng bước. Dù Long An đã từng bước kiểm soát được dịch nhưng tình hình dịch của các tỉnh thành lân cận còn khá phức tạp.
"Long An giống như cái rốn của vùng nên có nguy cơ tái bùng phát dịch bất kỳ lúc nào. Lượng người di chuyển từ các địa phương qua tỉnh vẫn rất nhiều, nguy cơ lọt những mầm bệnh bất khả kháng, chúng tôi rất quan ngại", ông Nguyễn Văn Được phân tích.
Trong thời gian tới, để hạn chế nguy cơ bùng phát dịch, Long An tiếp tục thực hiện 3 mũi giáp công, trong đó việc đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin Covid-19 và biện pháp 5K vẫn là ưu tiên hàng đầu.
"Chúng ta không thể kỳ vọng đạt ngưỡng 'Zero Covid-19' ngay bây giờ mà phải xác định sống chung, thích nghi với dịch. Tỉnh sẽ đẩy nhanh, thần tốc xét nghiệm để bóc tách F0 càng nhanh càng tốt", Bí thư Tỉnh ủy Long An chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Được cho rằng, nếu không thực hiện quyết liệt "3 mũi giáp tấn công" thì nguy cơ bùng dịch trở lại rất lớn.
Nhắc lại câu nói quen thuộc "muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa là phải cùng nhau đi", ông Nguyễn Văn Được đánh giá, không chỉ trong lĩnh vực phát triển kinh tế, công tác phòng, chống dịch của Long An cần gắn chặt với chiến lược chung của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.
Khi dịch bệnh từng bước được kiểm soát trên bình diện khu vực, Long An chắc chắn sẽ tiếp tục cùng các tỉnh bạn phát triển, đi xa và bền vững.
Tính đến nay, Long An đã không còn huyện, thị xã, thành phố thuộc vùng đỏ. Toàn tỉnh có hơn 30.000 ca mắc Covid-19, trong đó gần 25.000 ca đã được điều trị khỏi.
Để giữ vững thành quả chống dịch suốt thời gian qua và tạo đà cho bước phát triển mới, Bí Thư Tỉnh ủy Long An cũng kiến nghị Chính Phủ tiếp tục quan tâm đến Long An để công tác phòng, chống dịch đạt được nhiều kết quả khả quan, vững chắc hơn nữa. Đặc biệt, mong Chính Phủ có phương án hỗ trợ để Long An hoàn thành tiêm mũi 2 cho người dân trong thời gian sớm nhất.
Xuân Hinh