Triệu chứng ung thư ở đàn ông và phụ nữ khác nhau như thế nào?

Ung thư đặc trưng bởi sự phát triển của các tế bào bất thường phân chia không kiểm soát và có khả năng xâm lấn và phá hủy mô cơ thể bình thường.

Ung thư là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ hai trên thế giới. Nhưng tỷ lệ sống sót đang được cải thiện đối với nhiều loại ung thư nhờ những cải tiến trong việc tầm soát, điều trị và phòng ngừa ung thư.

Dưới đây là những dấu hiệu cảnh báo ung thư cần lưu ý:

Nam giới cần lưu ý

Triệu chứng ung thư ở đàn ông và phụ nữ khác nhau như thế nào? - 1

Những thay đổi về tinh hoàn

Nhóm tuổi mắc bệnh ung thư tinh hoàn phổ biến nhất là 20-39 tuổi. Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khuyến cáo nam giới nên tự kiểm tra tinh hoàn hàng tháng, kể cả những thay đổi về kích thước tinh hoàn, sưng tấy hoặc co rút, nổi cục ở bìu, đau bìu thì nên đi khám kịp thời. 

Đặc biệt khi thấy vùng bìu sưng to, kéo dài trên một tuần thì cần đi khám ngay. Đây là dấu hiệu báo trước điển hình nhất của ung thư tinh hoàn và cần xét nghiệm máu và siêu âm bìu.

Các vấn đề về tiểu tiện

Khi nam giới già đi, các vấn đề về tiết niệu trở nên phổ biến hơn, điển hình là tình trạng tiểu nhiều lần, tiểu gấp hoặc tiểu khó. Nếu các triệu chứng trở nên trầm trọng bất thường, đặc biệt là khi có cảm giác muốn tiểu gấp, nên cảnh giác với bệnh ung thư tuyến tiền liệt. 

Trong trường hợp này, bạn nên đi thăm khám để được chẩn đoán đúng bệnh, bởi đây cũng là triệu chứng điển hình của phì đại tuyến tiền liệt.

Những điều phụ nữ nên chú ý

Triệu chứng ung thư ở đàn ông và phụ nữ khác nhau như thế nào? - 2

Chướng bụng

Nhiều chị em nghĩ rằng chứng đầy hơi, chướng bụng là tình trạng phổ biến nên không cần quá quan tâm. Tuy nhiên, đây có thể là triệu chứng của bệnh ung thư buồng trứng. Theo các chuyên gia, bụng chướng liên tục, có cảm giác đau, khó chịu đường tiêu hóa, khó ăn hoặc cảm giác no kéo dài vài tuần có thể là dấu hiệu của ung thư buồng trứng.

Chảy máu bất thường

Bác sĩ chuyên khoa ung thư người Mỹ Daley cho biết, hiện tượng chảy máu âm đạo bất thường và xuất hiện máu trong nước tiểu, phân giữa các chu kỳ kinh nguyệt rất dễ bị phụ nữ bỏ qua. Chúng có khả năng là dấu hiệu của ung thư nội mạc tử cung, một loại ung thư thường gặp trong phụ khoa. Bên cạnh đó, đi ngoài ra máu có thể là dấu hiệu của ung thư ruột kết.

Dấu hiệu bất thường ở ngực

Các triệu chứng, dấu hiệu thường gặp ở bệnh nhân ung thư vú, bao gồm:

Đau: Đau có thể không liên quan đến kỳ kinh, đau ở một bên vú, hoặc đau kéo dài.

Thay đổi ở da vú và núm vú: Các thay đổi này có thể là da vú dày lên và trở lên sần sùi, hoặc da vú trở lên căng mọng, kèm theo đỏ và có thể đau, hoặc núm vú bị kéo tụt vào trong.

Chảy dịch-máu ở đầu vú: Đầu vú tự nhiên chảy dịch hoặc chảy máu, có thể kèm theo đau hoặc không, đặc biệt là khi các bất thường này chỉ xuất hiện ở một bên vú.

Sờ thấy khối bất thường ở vú hoặc ở nách: Các khối này có thể cố định hoặc di động, kích thước khác nhau và ranh giới có thể khó xác định có thể đau hoặc không đau.

Các yếu tố rủi ro của ung thư

Tuổi tác

Ung thư có thể mất nhiều thập kỷ để phát triển. Đó là lý do tại sao hầu hết những người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư đều từ 65 tuổi trở lên. Mặc dù nó phổ biến hơn ở người lớn tuổi, nhưng ung thư không chỉ là bệnh của người lớn. Cần nhớ rằng, ung thư có thể được chẩn đoán ở mọi lứa tuổi.

Thói quen

Một số thói quen sống được cho là có thể làm tăng nguy cơ ung thư. Hút thuốc, uống nhiều hơn một ly mỗi ngày đối với phụ nữ và tối đa hai ly mỗi ngày đối với nam giới, tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời hoặc thường xuyên bị bỏng nắng phồng rộp, béo phì và quan hệ tình dục không an toàn có thể góp phần gây ung thư.

Tiền sử gia đình

Chỉ một phần nhỏ các trường hợp ung thư là do tình trạng di truyền. Nếu bệnh ung thư phổ biến trong gia đình bạn, có thể các đột biến đang được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Bạn nên làm xét nghiệm di truyền để xem liệu có di truyền các đột biến có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư hay không.

Tình trạng sức khỏe

Một số tình trạng sức khỏe mãn tính, chẳng hạn như viêm loét đại tràng, có thể làm tăng đáng kể nguy cơ phát triển một số bệnh ung thư. Hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn về nguy cơ của bản thân.

Môi trường sống

Môi trường xung quanh có thể chứa các hóa chất độc hại làm tăng nguy cơ ung thư. Ngay cả khi bạn không hút thuốc, bạn vẫn có thể hít phải khói thuốc nếu đến nơi có người đang hút thuốc hoặc nếu bạn sống với người hút thuốc. Các hóa chất trong nhà hoặc nơi làm việc của bạn, như amiăng và benzen, cũng liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc ung thư.

Minh Nhật

Tổng hợp

Mới hơn Cũ hơn