Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa có chuyến thăm, làm việc, kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại 16 địa điểm ở 3 địa phương đang có tình hình dịch bệnh căng thẳng nhất phía Nam.
Trong 2 ngày (26 và 27/8), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có chuyến thăm, làm việc, kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại 16 địa điểm ở 3 địa phương đang có tình hình dịch bệnh căng thẳng nhất phía Nam là TPHCM, Bình Dương và Đồng Nai.
Ngay sau khi triển khai quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính, trên cương vị Trưởng ban chỉ đạo, đã có chuyến công tác tới TPHCM và Bình Dương, Đồng Nai - những địa bàn đang có diễn biến dịch bệnh phức tạp nhất trong đợt bùng phát thứ 4.
Trên tinh thần xuống tận nơi, mắt thấy, tai nghe và nắm bắt thực tế cuộc sống người dân trong vùng dịch, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị đoàn công tác không thông báo trước nơi đến, chỉ đi xuống những "vùng đỏ", những vùng đang gặp khó khăn nhất bởi dịch Covid-19.
Tại các địa phương, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19 đã tận tay kiểm tra từng phần lương thực, thực phẩm và cả bình oxy cung ứng, hỗ trợ cho người dân trong những ngày đại dịch diễn biến phức tạp.
Trong ngày 26/8 và 27/8, người đứng đầu Chính phủ đã tới những điểm dân cư, thăm hỏi về cuộc sống người dân, đến các khu vực cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm trong mùa dịch. Thủ tướng cũng kiểm tra đột xuất một số nơi đang tiếp nhận, điều trị bệnh nhân Covid-19.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thăm khu nhà trọ trên đường Nguyễn Thị Định ở thành phố Thủ Đức, thăm hỏi tình hình đời sống của người dân.
"Không để người dân khó khăn, thiếu đói; người dân cần tiếp cận lương thực, thực phẩm và y tế trong thời gian ngắn nhất" - là thông điệp xuyên suốt chuyến đi được Trưởng ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19 nhấn mạnh khi làm việc tại TPHCM, Bình Dương và Đồng Nai.
Trong buổi sáng đầu tiên của chuyến công tác, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới một khu trọ trong hẻm 966, đường Nguyễn Thị Định, phường Thạnh Mỹ Lợi, thành phố Thủ Đức, TPHCM. Đây là một trong những hoạt động chiếm nhiều thời gian nhất trong chuyến đi lần này.
Tại khu nhà trọ, Thủ tướng đã kiểm tra kỹ về điều kiện sống, khả năng cung ứng nhu, yếu phẩm cho người dân từ các cấp chính quyền. Ông Phạm Minh Chính cũng đề nghị người dân gọi đến các số điện thoại khẩn cấp về y tế, an sinh, xã hội nhằm kiểm chứng việc hồi đáp của cơ quan chức năng.
Tuy nhiên, người dân trong xóm trọ đều trả lời không biết nên liên hệ đầu mối nào khi có nhu cầu khẩn cấp. Ngay lập tức, Thủ tướng đề nghị người dân gọi đến tổng đài 1022, nhưng do quá tải, các cuộc gọi đều không nhận được câu trả lời.
Ngay sau khi tình huống trên diễn ra, người đứng đầu Chính phủ đã chất vấn và phê bình Chủ tịch UBND phường Thạnh Mỹ Lợi về việc chưa thông tin đầy đủ cho người dân những kênh cần liên hệ. Thủ tướng nhận định, lãnh đạo địa phương "phổ biến chưa tới nơi, tới chốn". Với hơn 10 triệu dân, TPHCM không thể trông chờ vào một tổng đài chung.
Thủ tướng kiểm tra hệ thống liên lạc qua đường dây nóng hỗ trợ nhân dân về y tế và an sinh xã hội của thành phố cũng như việc vận hành của tổ chức y tế cơ sở.
"Người dân cần tiếp cận y tế thì hỏi ai? Vấn đề này người dân có biết không? Người dân cần là cần cái này", Thủ tướng đề nghị lãnh đạo phường Thạnh Mỹ Lợi cần dán ngay các tờ rơi lên từng phòng trọ. Các tờ rơi cần nêu rõ 3 số điện thoại để người dân biết: Khi đói gọi ai, khi ốm gọi ai, khi bị tấn công thì gọi ai…
Sau đó, người dân tiếp tục gọi đến trạm y tế phường để thông báo có dấu hiệu sốt, cần hỗ trợ y tế khẩn cấp. Khoảng 10 phút sau, 4 nhân viên y tế của phường đã lập tức có mặt cùng bình oxy, trang, thiết bị y tế cần thiết.
Trong sáng 27/8, tình huống trên một lần nữa được đặt ra, khi Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thăm người dân tại khu nhà trọ Bình Quới A (phường Bình Chuẩn, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương). Tại đây, Thủ tướng tiếp tục đề nghị người dân gọi vào số điện thoại khẩn cấp của phường để thử khả năng hỗ trợ khẩn cấp lương thực, thực phẩm.
Trong những lần đầu tiên gọi, số điện thoại trên đã tắt máy. Tổng đài viên chỉ bắt máy sau nhiều cuộc gọi đến, nhưng trả lời với người dân là "khi nào cần thì gọi".
Câu trả lời trên không làm Thủ tướng hài lòng. Ông Phạm Minh Chính đánh giá, cách làm việc này là "chưa chuẩn".
Thủ tướng yêu cầu chính quyền phường phải chủ động hơn nữa trong việc đáp ứng nhu cầu người dân. Thời gian tới, phường Bình Chuẩn cần có người ứng trực 24/24 để tiếp nhận các cuộc gọi.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh việc tăng cường tuyến y tế xã phường, đảm bảo người dân nhanh chóng được đưa đi cấp cứu, điều trị khi cần thiết, giảm tối đa thời gian người dân tiếp cận được dịch vụ y tế.
Trong chuyến kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại 3 địa phương, quan điểm "để người dân tiếp cận với y tế sớm nhất" được Thủ tướng nhấn mạnh nhiều lần. Thời điểm hiện tại, các trạm y tế phường cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của mình.
Tại TPHCM, Bình Dương và Đồng Nai, người đứng đầu Chính phủ đã trực tiếp kiểm tra những bình oxy, túi thuốc mà lực lượng y tế hỗ trợ khẩn cấp tới người dân khi có yêu cầu. Thủ tướng cũng kiểm tra việc vận hành của các trung tâm y tế, đơn vị tiếp nhận, điều trị bệnh nhân Covid-19 của từng nơi.
"Chúng ta cần thành lập trung tâm khẩn cấp là vì vậy, cần phản ứng nhanh. Các đường dây nóng đã được triển khai để tiếp nhận thông tin. Khi người dân mệt, không thể ra trạm xá, lực lượng y tế phải nhanh chóng tiếp cận, không những bệnh nhân Covid-19 mà đối với tất cả bệnh khác", Thủ tướng quán triệt khi tới trạm y tế lưu động phường Cát Lái sáng 26/8.
Thủ tướng nhấn mạnh, các phường, xã cần tạo điều kiện để người dân tiếp cận y tế dưới mọi hình thức như điện thoại, kết nối trực tuyến… Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, phương châm điều trị ngay tại xã, phường là cần thiết và đúng đắn. Thực tiễn cho thấy, nhờ việc phát hiện kịp thời, đa số bệnh nhân F0 được phát hiện trong thời gian giãn cách xã hội đều có triệu chứng bệnh nhẹ hơn.
Thủ tướng đã đến kiểm tra khu cách ly tập trung tạm thời của phường và trạm y tế lưu động của phường Cát Lái, hiện đang có 83 ca F0. Đây là nơi phân loại, sàng lọc bệnh nhân, được trang bị một số thiết bị y tế thiết yếu, 6 bình oxy, một xe cấp cứu.
Để đảm bảo đáp ứng công tác điều trị tại cơ sở, xã, phường cần khẩn trương thiết lập các trạm y tế lưu động, tăng cường lực lượng, trang thiết bị y tế. Không chỉ phục vụ công tác điều trị bệnh nhân Covid-19, hệ thống y tế cơ sở cần đáp ứng kịp thời các trường hợp người dân mắc bệnh thông thường khác.
Việc để người dân tiếp cận y tế ngay từ cấp cơ sở tiếp tục được Thủ tướng Phạm Minh Chính đề cập tới tại buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Dương trưa 27/8. Thủ tướng nhấn mạnh, lực lượng y tế cần biết bệnh nhân nào có dấu hiệu chuyển nặng để điều trị từ xa, từ sớm tại cơ sở.
"Để giảm ca tử vong thì phải giảm F0, muốn giảm F0 phải cách ly, giãn cách xã hội triệt để. Từ đó, xét nghiệm, phân loại F0 để chữa trị kịp thời từ sớm, từ xa", Thủ tướng nhắc lại.
"Người dân là chủ thể trong công tác phòng, chống dịch bệnh" là điều được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại Hội nghị kiện toàn Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19 chiều 25/8. Đây cũng là nội dung được Thủ tướng nhắc nhở các địa phương trong 2 ngày của chuyến công tác về các tỉnh thành phía Nam.
Tại điểm an sinh xã hội khẩn cấp phường Cát Lái, Thủ tướng Phạm Minh Chính quán triệt, để hạn chế nguồn lây nhiễm, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể cần đảm bảo người dân "ai ở đâu ở yên đấy". Để người dân thực hiện tốt việc giãn cách xã hội, các địa phương cần chuẩn bị nhu yếu phẩm để cung ứng cho người dân.
Thủ tướng đến thăm và động viên người dân đang thực hiện cách ly tại một khu dân cư ở Đồng Nai.
Và điều quan trọng, các đơn vị cần vừa làm, vừa động viên nhân dân chấp hành nghiêm, để người dân hiểu rõ: "Muốn nhanh hết dịch cần chấp hành nghiêm việc giãn cách. Chúng ta chịu khổ 5 ngày, 10 ngày, 20 ngày còn hơn là chịu khổ cả tháng, cả năm không làm được gì cả. Chịu khổ thời gian ngắn để cuộc sống sớm bình thường trở lại".
Tại cả 3 địa phương TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, người đứng đầu Chính phủ đều đề cập tới việc cần huy động mọi nguồn lực để chống dịch Covid-19 trong thời điểm hiện nay. Bên cạnh sự hỗ trợ của chính quyền, công tác phòng, chống dịch có thể huy động, tận dụng sự chung sức từ chính người dân trên địa bàn.
"Tôi rất xúc động khi có người đã nghỉ hưu, người từ cơ sở y tế tư nhân tình nguyện vào làm việc tại cơ sở điều trị Covid-19", Thủ tướng nhắc lại hình ảnh được chứng kiến trong chuyến thị sát và yêu cầu các tỉnh, thành tiếp tục phát huy tinh thần đại đoàn kết, tương thân, tương ái, huy động mọi nguồn lực hợp pháp từ con người, vật chất, tài chính… để chống dịch.
"Chúng ta cần thuyết phục, kêu gọi người dân chung tay trong thời điểm hiện tại. Nếu chiến thắng Covid-19 thì đây là chiến thắng của người dân. Người dân quyết định chiến thắng này", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo TPHCM chiều 26/8, Thủ tướng nhận định, qua thực tiễn kiểm tra và các số liệu, việc siết chặt giãn cách xã hội, tăng cường biện pháp phòng, chống dịch từ ngày 23/8 đã mang tới nhiều tín hiệu tích cực cho địa bàn. Người đứng đầu Chính phủ đề nghị TPHCM cần rút kinh nghiệm trong một số vấn đề liên quan đến việc đảm bảo việc tiếp cận an sinh, y tế cho người dân.
"Trong thời gian tới, TPHCM phải đạt được mục tiêu kiểm soát dịch bệnh tại 312 xã, phường. Nếu kiểm soát được dịch bệnh tại các xã, phường, thì TPHCM sẽ kiểm soát được dịch bệnh trên toàn địa bàn", Thủ tướng nhấn mạnh.
Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19 yêu cầu 2 tỉnh Bình Dương và Đồng Nai cần nỗ lực để kiểm soát dịch, đưa cuộc sống về trạng thái bình thường mới trước ngày 15/9 theo kế hoạch đã đề ra.
Để đạt được mục tiêu đó, các địa bàn cần thực hiện nghiêm, thực chất việc giãn cách, người dân không ra khỏi nhà, "ai ở đâu ở đó", khắc phục triệt để tình trạng "chặt ngoài lỏng trong".
"Địa phương cần giải thích rõ cho nhân dân hiểu, việc giãn cách và các biện pháp phòng, chống dịch là nghĩa vụ, quyền lợi, trách nhiệm của mỗi người, vì sức khỏe của mình, của cộng đồng và sự phát triển của Quốc gia, dân tộc", Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi.
Sáng 26/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã bắt đầu chuyến đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các địa phương đang căng thẳng nhất về tình hình dịch Covid-19 tại phía Nam. Chuyến đi diễn ra ngay sau ngày Thủ tướng công bố quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.
Trong ngày 26/8, Thủ tướng đã đến hàng loạt địa điểm tại thành phố Thủ Đức (TPHCM) để kiểm tra tình hình thực hiện giãn cách xã hội, đáp ứng nhu yếu phẩm cho người dân TPHCM.
Cụ thể, người đứng đầu Chính phủ đã tới Khu điều trị F0 của Tổng Công ty Tân Cảng; Điểm an sinh xã hội khẩn cấp ở phường Cát Lái; Khu nhà trọ phường Thạnh Mỹ Lợi; Hệ thống cung ứng hàng hóa các siêu thị CoopMart, Vinmart; Cơ sở Tư vấn và cai nghiện ma túy Bình Triệu; Bệnh viện Quân dân Y Miền Đông.
Trong sáng 27/8, đoàn công tác do Thủ tướng dẫn đầu đã tới thăm 6 địa điểm thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương gồm: Khu điều trị bệnh nhân Covid-19, Bệnh viện Quốc tế Becamex; Khu quản lý F0 đặt tại Trường tiểu học Bình Thuận, phường Thuận Giao; Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Đông Phú, phường Thuận Giao; Khu nhà trọ Bình Quới A (phường Bình Chuẩn); Trạm y tế lưu động phường Bình Chuẩn; Công ty Saigon Stec.
Chiều cùng ngày, Thủ tướng tiếp tục thăm hỏi, động viên người dân và kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại tỉnh Đồng Nai. Trong đó, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19 đã tới Nhà văn hóa xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu; Trạm y tế xã Thạnh Phú; Bệnh viện Đa khoa huyện Vĩnh Cửu.
Nội dung: Quang Huy
Ảnh: Quốc Chính