Fada Mohammad là một trong số những người thiệt mạng sau khi bám càng máy bay quân sự của Mỹ khi nó cất cánh từ sân bay Kabul của Afghanistan hôm 16/8.
Hàng trăm người tập trung gần máy bay vận tải C-17 của Không quân Mỹ tại sân bay Kabul vào ngày 16/8 (Ảnh: AP).
Khi Taliban bao vây Kabul vào ngày 15/8, Fada Mohammad nói với gia đình về những gì anh thấy trên Facebook: Canada và Mỹ đang sơ tán bất cứ ai muốn rời khỏi sân bay Kabul.
Nhưng cha anh, ông Payanda Mohammad, nhớ lại lúc đó anh đã không đề cập đến việc muốn rời đi. Nhưng ngày hôm sau, người ta phát hiện thi thể của nha sĩ trẻ này trên một sân thượng cách sân bay Kabul hơn 6 km sau khi anh bị rơi xuống do bám càng máy bay quân sự Mỹ khi nó đang cất cánh.
Báo Washington Post cho rằng, đó là một trong những hình ảnh bi thảm và không thể xóa nhòa trong chương cuối cuộc chiến của Mỹ ở Afghanistan.
Trong 10 ngày sau đó, nhiều chi tiết về các sự kiện hỗn loạn tại sân bay Kabul liên tục được tiết lộ. Các video nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội cho thấy phần nào cảnh tượng kinh hoàng và hỗn loạn khi hàng trăm thường dân Afghanistan trèo lên máy bay vận tải của Lực lượng Không quân Mỹ khi nó chuẩn bị cất cánh trên đường băng, nỗ lực trong tuyệt vọng để được lên máy bay.
Những người "từ trên trời rơi xuống"
Fada Mohammed là một nha sĩ sống ở ngoại ô thủ đô Kabul (Ảnh gia đình cung cấp/Washington Post).
Wali Salek, người đã sống 20 năm trong khu phố Panjsad Family ở thủ đô Kabul và làm nhân viên bảo vệ tại chợ Mandawi, đang ngủ ở nhà vào khoảng giữa trưa thì giật mình bởi tiếng nổ lớn ở phía trên mái nhà.
Khi trèo lên mái nhà, anh thấy thi thể của một người đàn ông trong bể nước. Nằm gần đó là một thi thể khác, sau đó được xác định là một thanh niên 18 tuổi. Salek lúc đó đã tự hỏi đây có phải là bất hạnh từ bầu trời ập xuống không. Hai thi thể đã rơi xuống mái nhà của Salek như "một vụ nổ" .
Một đoạn video do con trai của Salek quay lại cho thấy, những người hàng xóm tụ tập trên mái nhà xung quanh 2 thi thể, đã được quấn trong những tấm chăn lớn nhuộm màu. Cả nhóm chuyển các thi thể đến một nhà thờ Hồi giáo gần đó, kiểm tra túi và tìm thấy chứng minh nhân dân và điện thoại của họ.
Cha, mẹ và các anh chị em của Fada được gọi đến nhà thờ Hồi giáo. Họ gục xuống bên thi thể anh vì đau buồn. "Nó giống như ngày tận thế", ông Mohammad nói. "Khoảnh khắc tồi tệ nhất trong cuộc đời tôi". Tối đó, 500 bạn bè và người thân đã tập trung tại Paghman để chôn cất Fada.
Sự lo sợ đang bao trùm khắp Kabul. Ông Salek cho biết, nhiều cửa hàng ở chợ Mandawi đã phải đóng cửa. Phụ nữ đã biến mất trên đường phố.
"Tất nhiên mọi người đều nghĩ đến việc chạy trốn. Nhưng là một người trí thức, Fada đáng lẽ nên có suy nghĩ thấu đáo hơn là chạy thoát bằng cách bám vào càng máy bay", Salek chia sẻ.
Nỗ lực trong tuyệt vọng
Nhưng người cha Mohammad bác bỏ, cho rằng con trai của ông chắc chắn biết đó là việc nguy hiểm, nhưng tin rằng máy bay sẽ khó cất cánh trong tình huống đó, và muốn tận dụng cơ hội này thương lượng về một chuyến sơ tán đến Mỹ.
Vào ngày 16/8, Fada rời nhà lúc 8 giờ 30 sáng mà không nói một lời nào. Gia đình cứ nghĩ anh đến phòng khám. Cha của Fada thắc mắc tại sao con trai của ông lại đến sân bay vào sáng hôm đó mà không nói cho ông biết. Anh tự hỏi tại sao phi công lại thiếu "tính nhân văn" và quyết định cất cánh ngay cả khi mọi người đang bám vào.
"Nếu ai đó bám vào máy bay, phi công có quyền cất cánh không? Điều này có đúng luật không? Việc này giống như giết một con muỗi chứ không phải là con người", ông Payanda tức giận nói hôm 24/8.
Fada sinh năm 1996 hoặc 1997, thời điểm Taliban lên nắm quyền lần đầu tiên. Là con cả trong gia đình có 10 anh chị em.
Ông Mohammad bán quần áo cùng với họ hàng, vật lộn kiếm sống và nuôi con. Nhưng ở Afghanistan thời hậu Taliban, ông đã nhìn thấy tương lai tốt hơn cho Fada. Gia đình đã gom góp đủ tiền để cho Fada đi học Đại học tư Shifa ở Kabul, chuyên ngành nha khoa. Sau khi tốt nghiệp, Fada mở một phòng khám với một người bạn gần quảng trường Shaheed ở Kabul, thu nhập khoảng 200 USD/tháng.
"Khi Taliban trở lại, Fada vốn rất vui vẻ càng lo lắng, băn khoăn về một tương lai bất ổn đối với một người có học và đang trên đà phát triển", ông Mohammad nói.
Ở Kabul, nhiều người khác cũng lo sợ như vậy và đổ dồn về phía sân bay, tìm kiếm một lối thoát. Sáng 16/8, ngay khi vận tải cơ quân sự Mỹ hạ cánh, người dân đã lao qua vành đai khu dân sự của sân bay và tràn vào đường băng, nhằm lên máy bay đi sơ tán. Phi hành đoàn ngay lập tức quyết định cất cánh trở lại mà không dỡ tiếp liệu cho nỗ lực sơ tán.
Andrew Inman, một cựu phi công của Lực lượng Không quân Hoàng gia Anh, cho biết phi hành đoàn có thể nhìn thấy đám đông trước mặt trên đường băng nhưng không chắc biết có người bám vào gầm máy bay. "Tôi nghĩ vào thời điểm đó, nếu máy bay dừng lại thì sẽ xảy ra nhiều thương vong và nhiều vấn đề hơn", ông Inman nói.
Một đoạn video khác từ hiện trường cho thấy cảnh 2 chiếc trực thăng Apache bay gần mặt đất, phía trước chiếc C-17 để giải tán đám đông Khi 4 động cơ di động bắt đầu tăng ga để cất cánh, nhiều người phải thả tay và chạy theo máy bay. Nhưng có những người khác tiếp tục bám trụ trong vô vọng.
Thanh Thành
Theo Washington Post