Để cùng chung tay, chia sẻ khó khăn với đồng nghiệp, bác sĩ Nguyễn Thị Ngân, nguyên giám đốc một bệnh viện tại Quảng Bình đã làm đơn tình nguyện tham gia công tác chống dịch Covid-19 tại địa phương.
Người vừa viết "tâm thư" xin được tình nguyện tham gia vào tuyến đầu chống dịch Covid-19 tại Quảng Bình là bác sĩ Nguyễn Thị Ngân, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình.
Đơn tình nguyện tham gia tuyến đầu chống dịch của bác sĩ Nguyễn Thị Ngân.
Bức thư này được bác sĩ Ngân gửi đến Sở Y tế Quảng Bình với mong muốn góp một phần sức lực để sẻ chia khó khăn với đội ngũ y tế trong thời điểm dịch Covid-19 tại Quảng Bình đang có những diễn biến hết sức phức tạp.
Trong đơn, bác sĩ Ngân chia sẻ rằng, bản thân bà từng có đơn tình nguyện cùng đoàn cán bộ y tế tỉnh Quảng Bình tham gia chống dịch cho các tỉnh phía Nam. Tuy nhiên, do một số lý do nên đến nay đoàn chưa xuất phát.
"Dịch tại tỉnh Quảng Bình bùng phát trong cộng đồng, khả năng còn diễn biến phức tạp. Trước mắt, để chia sẻ khó khăn, chung tay chống dịch cùng đồng nghiệp, tôi làm đơn này tự nguyện tham gia công tác chống dịch tại tỉnh nhà, chịu sự phân công của lãnh đạo Sở Y tế, làm bất cứ việc gì mà Sở Y tế phân công", bác sĩ Ngân bày tỏ nguyện vọng.
Trước mong muốn của bác sĩ Nguyễn Thị Ngân, lãnh đạo Sở Y tế Quảng Bình đã có quyết định tiếp nhận và bố trí bác sĩ Ngân đến thực hiện nhiệm vụ tại Khu cách ly tập trung phòng, chống dịch Covid-19 tại Trường Cao đẳng Luật miền Trung, cơ sở điều trị Covid-19 cấp 1 tại tỉnh Quảng Bình.
Theo chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Thị Ngân, với tâm huyết của một thầy thuốc, dù đã nghỉ hưu nhưng bà luôn trăn trở muốn đóng góp sức mình để cứu người, giúp đời. Khi đại dịch Covid-19 xảy ra, thấu hiểu những khó khăn mà các đồng nghiệp phải đối mặt, bà đã làm đơn tình nguyện tham gia chống dịch.
Bác sĩ Ngân hiện được bố trí làm việc tại cơ sở điều trị Covid-19 cấp 1, đặt tại Trường Cao đẳng Luật miền Trung.
Được biết, bác sĩ Nguyễn Thị Ngân có một người con gái cũng đang công tác ở Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Bình, là tuyến đầu trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Khi biết tin mẹ viết đơn tình nguyện tham gia chống dịch, dù hơi bất ngờ và có phần lo lắng cho sức khỏe của mẹ, tuy nhiên con gái bà vẫn động viên, ủng hộ mẹ.
Là một Thầy thuốc ưu tú, khi còn công tác tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình, ngoài những nỗ lực cố gắng để xây dựng bệnh viện ngày càng phát triển, bác sĩ Ngân còn là người rất tích cực trong các hoạt động thiện nguyện.
Nữ bác sĩ này chính là người nêu ý tưởng thành lập nên "ngân hàng máu sống" trong công đoàn bệnh viện từ những năm 2000, đồng thời cũng là người đặt nền móng cho Quỹ "Bữa ăn vì người bệnh nghèo" ở Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình ngày nay.
Theo ông Nguyễn Đức Cường - Giám đốc Sở Y tế Quảng Bình, lãnh đạo Sở rất hoan nghênh và đánh giá cao việc tình nguyện tham gia chống dịch của bác sĩ Nguyễn Thị Ngân. Với những kinh nghiệm trong quản lý và hoạt động chuyên môn ở lĩnh vực y tế trong nhiều năm, bác sĩ Ngân sẽ hỗ trợ đắc lực cho ngành y tế Quảng Bình trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Bên cạnh đó, ông Cường cũng bày tỏ mong muốn sẽ có thêm nhiều y, bác sĩ, nhất là những cán bộ đã nghỉ hưu, có nhiều kinh nghiệm tình nguyện tham gia hỗ trợ ngành y tế trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19.
Trong sáng nay (31/8), tỉnh Quảng Bình ghi nhận thêm 95 ca nhiễm Covid-19 mới.
Theo thông tin từ Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Quảng Bình, quá trình triển khai xét nghiệm SARS-CoV-2 đại trà tại các khu cách ly, phong tỏa, trong sáng nay (31/8), tỉnh này ghi nhận thêm 95 ca nhiễm Covid-19 mới. Nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại địa phương này lên con số 583 ca.
Để ứng phó với diễn biến rất nhanh của Covid-19, tỉnh Quảng Bình đã triển khai kịch bản phòng, chống ở cấp độ cao hơn so với tinh thần "phát hiện sớm, khoanh vùng, cách ly nhanh, dập dịch tích cực, hiệu quả, nhanh chóng ổn định tình hình".
Hiện tỉnh Quảng Bình đang tập trung truy vết, lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng các khu vực xuất hiện F0, tranh thủ những ngày giãn cách theo Chỉ thị 16 để thực hiện truy vết, xét nghiệm thần tốc bằng phương pháp test nhanh kháng nguyên và RT-PCR, nhằm nhanh chóng bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, cắt đứt nguồn lây nhiễm.
Tiến Thành - Đặng Tài