Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris chiều nay đã tham gia buổi lễ ký kết về việc thuê đất nhằm xây khu phức hợp Đại sứ quán mới của Mỹ tại Hà Nội trị giá 1,2 tỷ USD.
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tại lễ ký vào chiều ngày 25/8.
Theo báo Thế giới & Việt Nam, chiều ngày 25/8, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, Đại biện lâm thời Mỹ Christopher Klein cùng Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã tham dự buổi lễ ký thỏa thuận thuê đất nhằm xây khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội.
Trước sự chứng kiến của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh, Đại biện lâm thời Mỹ Christopher Klein và Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trưởng thành phố Hà Nội Bùi Duy Cường đã tiến hành ký kết thỏa thuận.
Ước tính, quy mô xây dựng trụ sở mới của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam là 39.000 m2 với ngân sách 1,2 tỷ USD.
Phác họa khu phức hợp Đại sứ quán mới của Mỹ tại Hà Nội (Ảnh: ĐSQ Mỹ).
Theo thông cáo chiều ngày 25/8 của Đại sứ quán Mỹ, trước đó, Mỹ và Việt Nam đã đạt thỏa thuận về địa điểm hiện tại cho trụ sở mới của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội vào năm 2019. Đầu năm nay, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã chấp thuận cho Mỹ thuê địa điểm và ban hành Quyết định Cho thuê đất. Lễ ký hợp đồng thuê đất ngày hôm nay là kết quả của những cam kết này giữa hai quốc gia.
Đại sứ quán Mỹ mới tại Hà Nội sẽ nằm ở ô đất D30, có diện tích 3,2 ha tại đường Phạm Văn Bạch, Cầu Giấy, Hà Nội, một khu vực thương mại và dân cư đang phát triển. Địa điểm mới này sẽ đưa Đại sứ quán vào một khu vực đang đổi mới và tăng trưởng, gần các trường đại học uy tín như Đại học Quốc gia Hà Nội, và đây sẽ là "mái nhà mới" của khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ.
Thiết kế tòa nhà lấy cảm hứng từ Vịnh Hạ Long nằm ở phía đông bắc Việt Nam và thể hiện cách tiếp cận hướng về tương lai, năng động, thích ứng và minh bạch trong chính sách ngoại giao của Mỹ.
Thiết kế cảnh quan Khu phức hợp Đại sứ quán lấy cảm hứng từ truyền thống nông nghiệp trồng trọt và sản xuất lúa gạo như địa hình đồng bằng sông Mekong và đồng bằng sông Hồng, và có sự kết nối với lịch sử vốn có của khu vực mà Khu phức hợp tọa lạc, nơi vốn là một cánh đồng lúa hồi đầu những năm 2000. Lễ động thổ sẽ diễn ra vào một thời gian phù hợp trong tương lai.
Mục tiêu quan trọng của đội ngũ thiết kế là kết hợp chặt chẽ các yếu tố thiết kế từ cả Mỹ và Việt Nam, bao gồm các tác phẩm nghệ thuật của các nghệ sĩ Mỹ, Việt Nam và người Mỹ gốc Việt. Thiết kế của Đại sứ quán sẽ trở thành một biểu tượng vững chắc của mối quan hệ quan trọng giữa Mỹ và Việt Nam.
Đại sứ quán Mỹ cho biết thêm, trụ sở mới của Đại sứ quán Việt Nam tại thủ đô Washington, DC, Mỹ cũng được cho thuê 99 năm và nằm gần khu Ngoại giao đoàn, nơi đặt trụ sở của rất nhiều trong số 175 đại sứ quán và phái đoàn ngoại giao nước ngoài ở Washington.
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đang có chuyến thăm Việt Nam kéo dài 3 ngày. Vào sáng nay, bà Harris đã có các cuộc tiếp kiến, làm việc với các nhà lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam.
Trong cuộc gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính vào sáng ngày 25/8, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã công bố việc Mỹ tặng thêm một triệu liều vắc xin Covid-19 của Pfizer-BioNTech cho Việt Nam. Dự kiến, số vắc xin sẽ được vận chuyển tới Việt Nam trong 24 giờ tới.
Vào chiều ngày 25/8, bà Harris cũng dự lễ khai trương Văn phòng khu vực Đông Nam Á của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Bệnh tật Mỹ (CDC) tại Hà Nội. Phát biểu tại sự kiện, Phó Tổng thống tái khẳng định cam kết của Mỹ với hợp tác an ninh y tế khu vực và nhắc lại những lời kêu gọi hành động về công tác chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với đại dịch.
Đức Hoàng