Hút thuốc lá tăng gấp 3 lần nguy cơ ung thư bàng quang

Tại Việt Nam, ung thư bàng quang một trong 10 loại ung thư hay gặp ở nam giới. Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang, trong đó hút thuốc lá là một tác nhân nguy hiểm.

Năm 2020 Việt Nam ghi nhận hơn 1700 ca mắc mới và gần 1000 trường hợp tử vong và đây cũng là một trong 10 loại ung thư gặp phổ biến nhất ở nam giới.

Hút thuốc lá tăng gấp 3 lần nguy cơ ung thư bàng quang - 1

Thuốc lá làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang 2-3 lần.

Cũng giống như nguyên nhân gây bệnh, các yếu tố nguy cơ ung thư bàng quang vẫn chưa được nghiên cứu một cách rõ ràng. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, các yếu tố dưới đây làm gia tăng nguy cơ ung thư bàng quang:

- Tuổi: Những người lớn tuổi có nguy cơ mắc ung thư bàng quang cao hơn những người trẻ.

- Giới tính: Theo ghi nhận, đàn ông dễ bị ung thư bàng quang hơn phụ nữ. Trong thực tế, đây cũng là một trong 10 bệnh ung thư phổ biến ở nam giới.

- Tiền sử gia đình có người mắc phải ung thư bàng quang .

- Người đã bị ung thư bàng quang cũng có khả năng tái phát.

- Những người hút thuốc lá có nguy cơ ung thư bàng quang cao hơn hai đến ba lần so với những người không hút thuốc lá.

- Nghề nghiệp: Những người làm các nghề tiếp xúc thường xuyên với những chất hóa học, như làm cao su, chất hóa học, thợ làm tóc, thợ kim khí, thợ in, thợ dệt, tài xế xe tải...

- Ngoài ra, người mắc các bệnh lý viêm bàng quang mạn tính, nhiễm trùng tiết niệu tái diễn nhiều lần hoặc sử dụng ống thông đường tiểu lâu ngày cũng gây nên ung thư bàng quang.

Để phòng nguy cơ ung thư bàng quang, mọi người cần bỏ thuốc lá, hạn chế nguy cơ tiếp xúc với khói thuốc.

Trong trường hợp làm việc ở môi trường tiếp xúc với nhiều hóa chất độc hại cần tuân thủ thực hiện đúng các quy định bảo hộ lao động; Cần kiểm tra nguồn nước sinh hoạt để xác định nồng độ, hàm lượng kim loại nặng và một số chất độc hại có trong nước trước khi sử dụng.

Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày giúp cơ thể bài tiết, đào thải các độc tố. - Cải thiện chế độ ăn uống, ăn các loại rau củ chứa nhiều chất xơ, vitamin, chất chống oxy hóa… Khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bảo vệ sức khỏe.

Ung thư bàng quang thường có tiên lượng tốt nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm, tổn thương nông tại bàng quang.

Vì vậy, hãy thực hiện khám sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện nguy cơ.

Tú Anh

Mới hơn Cũ hơn