Dù đã cảnh giác trước mối đe dọa khủng bố, nhưng tình hình hỗn loạn ở sân bay Kabul, Afghanistan khiến quân đội Mỹ không thể chặn được phần tử ISIS-K đánh bom liều chết làm hơn 170 người thiệt mạng.
Vụ đánh bom đã làm hơn 170 người thiệt mạng (Ảnh: AFP).
Ngày 26/8, đám đông đến sân bay quốc tế Hamid Karzai để di tản đã tập trung tại cổng Abbey, một lối vào chính do lực lượng thủy quân lục chiến và các quân nhân Mỹ kiểm soát. Các binh sĩ Mỹ hiểu rõ là họ có thể trở thành mục tiêu của một vụ tấn công vì chỉ một ngày trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ đã cảnh báo về mối đe dọa tại 3 cổng vào sân bay Kabul, nơi 5.000 quân nhân đang giúp di tản hơn 100.000 người trong 2 tuần. Cổng Abbey nằm trong danh sách cảnh báo.
An ninh sân bay đã đóng 2 cổng lại, nhưng vẫn quyết định mở cổng Abbey. Trước đó một ngày, các tay súng Taliban triển khai dọc tuyến đường ra sân bay đã nỗ lực chặn đám đông đổ về ngày càng đông đúc. Tuy nhiên, dòng người vẫn cố gắng đi qua các trạm kiểm soát và đổ về với số lượng lớn. Trong lúc đó, một kẻ đã trà trộn vào đám đông.
Vào 17h48 ngày 26/8, phần tử đánh bom liều chết, mặc một chiếc áo gắn 11 kg thuốc nổ giấu dưới lớp quần áo bình thường, tiến về phía nhóm quân nhân Mỹ đang kiểm tra những người vào sân bay. Hắn chờ đợi cho tới lượt mình được các binh sĩ khám xét, rồi kích nổ chiếc áo gắn thuốc nổ khiến hắn chết ngay tại chỗ và kéo theo hơn 170 người khác thiệt mạng. Quân đội Mỹ ghi nhận 13 người thiệt mạng.
Phía Lầu Năm Góc cho biết, họ vẫn đang nỗ lực kết nối các chi tiết của vụ việc vào nhau. Sẽ có một cuộc điều tra và hàng loạt câu hỏi được đặt ra, ví dụ như: Vì sao một số lượng lớn quân nhân lại tập hợp lại rất gần với nhau khi vụ nổ xảy ra? Tại sao phần tử ISIS-K đánh bom liều chết lại lách qua được chốt kiểm soát của Taliban? Liệu có ai cho hắn đi qua hay không?
Quân nhân Mỹ được triển khai ở sân bay Kabul trong những ngày qua để kiểm soát an ninh và hỗ trợ di tản hàng trăm nghìn người rời Afghanistan (Ảnh: New York Times).
Với 11 kg thuốc nổ mang trên người, kẻ đánh bom liều chết đã gây ra thiệt hại vô cùng nghiêm trọng về người. Theo các tài liệu của lục quân, những kẻ đánh bom liều chết thường chỉ mang dây lưng gắn 4,5 kg thuốc nổ trở xuống, hoặc mặc những chiếc áo gắn 4,5-9 kg thuốc nổ.
Ngoài ra, chiếc áo của kẻ đánh bom liều chết còn được gắn thêm các mảnh kim loại và khi bom nổ, chúng sẽ văng ra và gây sát thương nghiêm trọng tới những người xung quanh. Nhiều người cũng bị thương, trong đó có 14 quân nhân Mỹ.
Sau khi vụ đánh bom xảy ra, hàng loạt phát súng đã vang lên. Lầu Năm Góc cho biết, một số người Mỹ và người Afghanistan ở cổng Abbey khi đó có thể đã bị trúng đạn. Sự rối loạn bao trùm sân bay Kabul tới mức quân đội Mỹ ban đầu cho rằng đã có một vụ đánh bom liều chết thứ 2 xảy ra ở gần khách sạn Baron. Tuy nhiên, thông tin đó không đúng sự thật và Mỹ sau đó đã đính chính.
Hiện trường vụ nổ bom như "ngày tận thế" tại sân bay Kabul
Các quân nhân kiểm soát cổng Abbey hôm 26/8 mới tới Afghanistan một tuần trước để làm nhiệm vụ đưa được càng nhiều người đi càng tốt. Sự sụp đổ của chính quyền Afghanistan thân phương Tây hôm 15/8 và việc Taliban lên nắm quyền đã gây nên một làn sóng di tản bùng nổ ở sân bay Kabul. Hàng nghìn người tới khu vực này mỗi ngày, gây nên cảnh hỗn loạn thường trực.
Giờ đây, tại sân bay Kabul, đám đông vẫn đổ xô tới, nhưng số lượng đã giảm so với thời điểm trước vụ tấn công khủng bố ngày 26/8. Phần lớn khu vực sân bay đang trong tình trạng phong tỏa dù các chuyến bay di tản vẫn đang tiếp tục. Vào 14h ngày 27/8, một chiếc máy bay của Mỹ cất cánh mang theo quan tài của 13 quân nhân được phủ cờ Mỹ hồi hương.
Đức Hoàng
Theo New York Times